Phủ xanh đất phèn
Đầu thu, cánh đồng lúa làng Gia Quệ (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) ngả sang màu vàng chín.
Phóng tầm nhìn ra giữa xa xa cánh đồng, màu của lúa trổ dường như bị phủ lấp bởi màu xanh của cây trái.
Vườn trái cây Nam Bộ bạt ngàn “mọc” lên ở vùng đất phèn gần 2 năm nay khiến bà con địa phương rất đỗi ngỡ ngàng.
Tự bao đời qua, chẳng ai nghĩ và cũng chả ai dám tin rằng tại mảnh đất mà ngay cả cây lúa còn “gặt” lấy thất bát này có ngày lại là nơi sinh sôi của cây ăn quả.
Và người viết nên câu chuyện tưởng chừng không thể thành có thể ấy không ai khác là một người con của chính làng Gia Quệ. Chị là Hồ Thị Lộc (43 tuổi).
Dẫn lối chúng tôi len lỏi giữa khu vườn rộng 3,5 hecta toàn trái cây Nam Bộ, vừa dạo bước chị Lộc vừa trải lòng về chặng đường đời đầy giông tố mà mình đã đi qua.
8 năm trước, tai ương bất ngờ giáng xuống tổ ấm bé nhỏ của chị.
Buổi chiều định mệnh, chị đang tối mày tối mặt bỏ trái cây ở chợ thì đón nhận tin “sét đánh”. Người chồng của chị bị tai nạn nguy kịch.
May mắn giành giật sự sống từ tay “tử thần”, thế nhưng anh lại mất hẳn sức lao động.
Bao gánh nặng cơm áo gạo tiền từ đó đổ dồn lên đôi vai của chị.
“Để có tiền trang trải chi phí học tập cho 3 đứa con, tôi phải bỏ nghề buôn trái cây ở chợ và khăn gói qua Lào kiếm kế sinh nhai.
Lang bạt xứ người được một thời gian, năm 2015, tôi xuôi thẳng vào trong miền Nam để thu mua trái cây và vận chuyển về quê tiêu thụ”, chị Lộc kể.
Bước đường mưu sinh của chị bắt đầu rẽ lối từ đây.
Tình cờ trong một lần tìm tới nhà vườn ở Đồng Nai thu mua trái cây, cơ duyên đưa đường dẫn lối chị gặp anh Nguyễn Tổng – “bậc thầy” về kỹ thuật trồng cây ăn quả cho năng suất cao.
Thấu cảm trước hoàn cảnh éo le của người phụ nữ “một nách 3 con”, anh Tổng mách nước chị đưa các giống cây Nam Bộ về xứ Quảng trồng thử nghiệm.
Nhắc đến đây, anh Tổng – người tháo gỡ sợi dây nghèo khổ quấn riết lấy gia đình chị Lộc, chia sẻ: “Từ những hình ảnh cô Lộc chụp cận khu đất đồng bằng điện thoại, tôi quả quyết đất này không tới nỗi tệ.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình khí hậu của miền Trung, tôi quyết định dốc sức giúp Lộc phủ xanh mảnh đất phèn bằng vườn trái cây Nam Bộ”.
Từ ý tưởng cho đến khi bắt tay thực hiện, chị Lộc và anh Tổng mất 2 năm.
Trong khoảng thời gian ấy, chị Lộc dốc hết vốn liếng bao năm trời dành dụm, cầm cố mớ sổ đỏ của người thân để mang về số vốn gần 3 tỷ đồng.
“Tháng 10/2017, công cuộc phủ xanh vùng đất phèn mới chính thức khởi động. Sau khi thuê của xã 3,5 hecta đất vốn dĩ trồng lúa, tôi lặn lội vào trong miền Nam để mang về hơn 20 giống cây ngắn ngày lẫn dài ngày như: Ổi, chanh, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm…với số tiền đầu tư lên tới bạc tỷ.
Bà con họ hàng cùng chòm xóm đều bảo tôi khùng. Ai nấy cũng dè bỉu đất như thế mà trồng trái cây thì chẳng khác nào vứt tiền qua cửa sổ”, chị Lộc nói.
“Dù ai nói ngả nói nghiêng”, chị vẫn kiên định với ngã rẽ mình đã chọn. Bởi lẽ, chị tin rằng “Đất quê hương dù có khô cằn tới mấy, nếu có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”.
Quả thật, niềm tin mãnh liệt ấy của người phụ nữ gánh trên vai lắm nỗi nhọc nhằn cũng được đền đáp xứng đáng.
Chẳng bao lâu sau khi được khử phèn, khu đất rộng 3,5 hecta trở nên màu mỡ và “mọc” lên vườn trái cây bạt ngàn khiến người người choáng ngợp.
Hái “quả ngọt” đầu tay
Sau gần 2 năm cất công vun trồng, những loại cây ngắn ngày như ổi, chanh (6 tháng) hay bưởi da xanh (1 năm) bắt đầu giúp chị Lộc thu “quả ngọt” đầu tay.
Đưa hai tay nâng niu quả bưởi da xanh đang vào độ chín, chị Lộc vui vẻ cho hay: “Một số giống cây ngắn ngày đã cho thu hoạch và thu nhập mang lại cũng giúp tôi trả đủ thù lao cho 10 lao động cùng chi phí phân bón.
Hy vọng trong năm tới, chôm chôm và sầu riêng sẽ bội thu”.
Nhìn lại cơ ngơi với vườn trái cây bạc tỷ, chị Lộc và người bạn đồng hành của mình – anh Nguyễn Tổng đều chung một suy nghĩ: "Đó chỉ là bước khởi đầu”.
Bây giờ, những con kênh len lỏi giữa “cánh đồng” trái cây Nam bộ của anh chị đang tiếp tục được cơi nới.
Chị Lộc thổ lộ, đây là bước chuẩn bị để sắp tới mở rộng diện tích trồng trọt.
“Tôi tận dụng mạch nước ngầm sẵn có và khơi thông kênh rãnh để làm hệ thống tưới tiêu. Mới đây, tôi làm đơn xin xã để thuê thêm quỹ đất mở rộng vườn cây. Dĩ nhiên, việc nạo vét đất để tìm thêm nguồn nước sẽ hỗ trợ cho kế hoạch phủ xanh thêm đất phèn sắp tới”, chị Lộc bộc bạch.
Nhắc đến người phụ nữ đưa vườn trái cây Nam Bộ về địa phương, ông Lê Quang Thu – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh chia sẻ: “Chị Lộc là người tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng trái cây ở xã và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, với việc ngày một mở rộng diện tích trồng trọt, chị đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Do đó, xã luôn cố gắng tạo điều kiện hết mức có thể để mô hình của chị Lộc gặt hái thêm nhiều thành công”.
Bình luận