Ông chỉ biết người dân chốn đại ngàn Trường Sơn này rất cần mình và ông sẽ cứu người cho đến khi nằm xuống với núi rừng.
Lấy vợ đẹp nhờ y thuật như thần
Đã gần 70 tuổi nhưng lương y Hồ Văn Sự còn tráng kiện lắm. Đôi mắt sáng quắc cùng với giọng nói hào sảng của ông chinh phục tôi từ buổi sơ kiến.
Trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên vách núi dựng đứng, cạnh dòng thác Ka Zang cuồn cuộn, ầm ào ở thôn Dổi của xã Thượng Lộ (huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế), bếp lửa rực cháy, hắt sáng khuôn mặt chữ điền của vị lương y già.
Thuở nhỏ, gia đình ông Sự rất nghèo. Bố ông, cụ Hồ Văn Ruồi là một lương y trứ danh của huyện miền núi Nam Đông thời bấy giờ. Nổi tiếng là vậy nhưng già Ruồi không kiếm đủ cơm gạo nuôi vợ và người con trai duy nhất, bởi ông chữa bệnh cho dân bản chẳng bao giờ lấy tiền.
Rất nhiều cây thuốc, dây thuốc đại thụ, rất có giá trị tọa lạc trong vườn thuốc của ông Sự |
Cũng như dân bản, Trần Thị Vân, một thiếu nữ nhà quan ở cùng xã hết sức khâm phục tài chữa bệnh và đức độ của chàng thầy thuốc trẻ. Thuở đó bà Vân xinh đẹp nức tiếng một vùng, lại là con nhà giàu, trong nhà của cải và kẻ hầu người hạ nhiều vô số.
Trai bản khắp nơi, từ Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho đến các huyện Hướng Hóa, ĐaKrông (Quảng Trị) nườm nườm nượp tìm đến để được chiêm ngưỡng nhan sắc hút hồn của nàng. Nhưng không ai trong số trai bản đa tình đó lọt vào mắt xanh của người đẹp sơn cước, bởi từ lâu cô sơn nữ này đã thầm thương trộm nhớ chàng lương y trẻ.
Chuyện tình của họ gặp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình bà Vân, bởi hai nhà không môn đăng hộ đối. Nhưng tài năng y thuật đã giúp ông Sự xóa bỏ thành kiến của bố mẹ người đẹp.
Số là, lần nọ bà Vân không may bị rắn độc cắn đến chết giả. Trong khi các thầy lang khác đều lắc đầu chào thua thì ông Sự lại cứu được người đẹp.
“Tui mổ vết thương, hút máu độc và dùng dược liệu đắp vào kết hợp với châm cứu, 2 tiếng sau nàng tỉnh lại”, ông Sự kể, cảm xúc còn nguyên về lần cứu người mà theo ông là do sự sắp xếp của tạo hóa đó.
Năm 1962, mặc dù là con một nhưng ông Sự xung phong vào quân ngũ. Từ đó đến 20 năm sau hai ông bà bặt tin nhau. Hai bên gia đình đinh ninh ông Sự đã hi sinh nên giục bà Vân lấy chồng nhưng bà tin người yêu sẽ trở về.
Đúng như niềm tin của bà, một ngày giữa năm 1982, ông Sự mang ba lô về núi. Họ cưới nhau và những đứa con lần lượt chào đời trong hạnh phúc cuộn tràn như dòng thác Ka Zang mãnh liệt.
Từ bỏ quan trường để làm thuốc cứu dân
Mấy năm sau ngày cưới, bà Vân mắc bệnh tim và bại liệt. Của cải ít ỏi trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những tháng ngày nằm viện đằng đẵng của bà.
Ông Sự bán cả ngôi nhà rường ba gian để cứu vợ, nhưng do bệnh tình quá nặng nên vợ ông không qua khỏi. “Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà ấy bảo tôi trở lại với nghề thầy thuốc để cứu giúp dân bản. Chờ đến lúc tui gật đầu bà ấy mới chịu nhắm mắt”, ông kể.
Sau ngày trở về, ông Sự được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộ. “Tui buộc phải lựa chọn giữa vị trí của một cán bộ xã và vị trí một thầy thuốc.
Sâm rừng trong vườn thuốc của lương y Hô Văn Sự |
Nghĩ vậy, ông xin từ quan mặc dù cán bộ từ xã đến huyện hết lời nài nỉ. Từ đó ông dành toàn bộ thời gian cho những chuyến vào rừng tìm cây thuốc và đến các bản làng chữa bệnh miễn phí cho dân.
Những chuyến vào rừng sâu tìm thuốc của ông là những cuộc đối mặt với tử thần. Ngày đó núi rừng của huyện miền núi này hổ dữ, rắn rết nhiều vô kể. Người vào rừng bị các loài vật này tước mạng sống xảy ra như cơm bữa.
Có lần đang tìm thuốc giữa rừng sâu, ông Sự gặp một đàn rắn độc. Một con trong đàn cắn vào cổ chân ông trước khi ông kịp trèo lên gốc cây. Ông tự mình mổ vết thương và dùng cây thuốc đắp vào rồi lết về bản khi chân đã sưng to như một gốc cây lớn.
Lần khác ông gặp hổ. “Tui vừa leo lên một con dốc dài thì thình lình thấy một “ông” hổ chực sẵn đầu dốc nhe nanh sắc lạnh và gầm lên những tiếng man dại. Nỗi sợ hãi làm tui đứng chôn chân một chỗ.
Nhưng kỳ lạ thay, sau một lát gầm lên hung dữ, “ông” hổ bỗng quay đầu rồi chậm rãi đi vào lùm cây hun hút”, ông kể như sự việc vừa xảy đến. Từ đó, chuyện ông được hổ tha mạng lan ra khắp vùng như một huyền thoại của miền sơn cước.
Chuyện chữa bệnh cứu người của ông cũng có cả “kho” kỷ niệm. Với anh Trần Văn Suông, người cùng thôn, sự sống đã được ông Sự tái sinh.
Lần nọ, sau khi uống rượu say mèm, Suông “ngủ” với vợ và bị “thượng mã phong”. Cúng bái không thành, 2 giờ sáng, người nhà Suông hớt hải chạy vượt núi đến kêu ông Sự.
Cây kim trên đôi tay khéo léo của ông qua một vài thao tác chàng trai đã sống lại sau khi chết giả ba ngày liền.
Trường hợp của anh Hồ Văn Chân, một “hũ hèm” nổi tiếng trong xã cũng được ông cứu khỏi tay tử thần. Nốc rượu say mèm, Chân tham gia đá bóng rồi bị chết giả 3 ngày liền.
Gia đình mời thầy mo về cúng bái linh đình nhưng Chân không tỉnh lại. Đêm mưa như trút nước, gió rừng cuốn ầm ào, ông Sự vượt hàng chục ngọn núi đến với người bệnh. Đúng 2 tiếng sau khi ông ra tay, anh Chân sống lại.
Chuyện cứu người như thần của ông cả cái huyện nghèo này ai cũng thán phục. Ông là khắc tinh của hầu hết các loại bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y mà các bệnh viện bó tay.
Cứu người như vậy nhưng ông không nhận của bệnh nhân một đồng. “Tiền lương hưu non không nhiều nhưng đủ để tui sống. Cứu người là làm việc thiện, mà đã là việc thiện thì không thể nhận tiền”, ông tâm sự.
Vườn thuốc bạc tỉ
Ông Sự dẫn tôi ra sau nhà, nơi có vườn thuốc mà ông đã dành tâm huyết mấy chục năm chăm sóc, bảo tồn.
“Gần 500 loại cây thuốc, trong đó gần 400 loại cây được liệt vào dạng cây thuốc quý, rất có giá trị”, ông nói, tay chỉ vào vườn thuốc rộng gần hai sào đua nhau khoe sắc.
Để có vườn thuốc được xếp vào dạng độc nhất vô nhị ở Thừa Thiên- Huế này, ông đã phải lăn lộn đi khắp nơi, từ các núi rừng Trường Sơn đến đồng bằng để sưu tầm đưa về trồng.
Rất nhiều cây thuốc quý vắng dần ở tỉnh đang sinh sôi ở vườn thuốc này như cẩu tích, sâm gấm, dzương ngúc, trường vắt, ha-mu-tin, thạch xương bồ…
Vườn thuốc của ông cũng là nơi tọa lạc của các loại dây thuốc, cây thuốc đại thụ như trầm hương, ngải móng trâu, sâm đất, hồng khấu, đỗ trọng... “Nhờ rứa mà tui vẫn còn thuốc quí để trị bệnh hiểm cho bệnh nhân nội, ngoại. Người ta mua bạc tỉ tôi cũng không bán, phải để mà chữa bệnh cho bà con chứ”.
Với sự giúp sức của Viện Dược liệu Việt Nam, lương y Hồ Văn Sự đã cho ra đời 4 quyển sách quý về đông y |
Trong lúc nản chí, ông ghé vào một bản làng giữa rừng sâu nghỉ chân, rồi khóc òa sung sướng khi thấy loại cây này được một người dân trồng ở vườn. Niềm vui làm ông quên hết mệt mỏi và cả cái đói. Khổ nỗi, khi ông vào xin, chủ nhà kiên quyết không cho dù chỉ một cây.
Nhưng khi ông nói việc sưu tầm cây thuốc là để bảo tồn và cứu chữa cho người dân, chủ nhà đã cảm động mà cho luôn mấy cây.
Những cây thuốc này đến nay đã phát triển trên một diện tích lớn trong vườn thuốc của ông. “Thuốc càng thọ dược tính càng cao. Trị bệnh nan y, nhất là các bệnh xương khớp, tê phù, liệt bại, thần kinh, gai sống, ung thư..., phải dưỡng thuốc mới có mà dùng, chừ thuốc trên rừng ngày cạn kiệt rồi”.
Ông Sự còn dày công nghiên cứu công dụng của các loại cây thuốc. Những nghiên cứu này được ông tỷ mẩn ghi vào sổ tay. Ông cũng chính là tác giả của 4 cuốn sách về đông y đã được xuất bản với sự trợ giúp của Viện Dược liệu Việt Nam.
Những cuốn sách này được ông nhân bản để cấp phát cho nhiều người dân, đặc biệt là người nghèo, nhằm giúp họ chủ động trong việc chữa bệnh.
“Nghèo khó nên bà con phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Tui sẽ giúp họ đến khi nào nằm xuống với đại ngàn mới thôi”, ông nói rồi quắc mắt nhìn về thác Ka Zang chảy cuộn.
TheoBáo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận