Từ trung tâm Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi chạy theo con đường đất đá gồ ghề dưới những tán rừng tại phân khu phục hồi sinh thái để đến Trạm Kiểm lâm số 10 (Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn). Qua một vài trận mưa đầu mùa, những cánh rừng cây gỗ dầu - đặc trưng của rừng khộp - đang ra những chiếc lá to như bàn tay, xanh mơn mởn che kín cả lối đi.
3 tháng, 8 vụ phá rừng nghiêm trọng
Tại Trạm Kiểm lâm số 10, hàng chục chiếc xe máy độ chế được vứt thành đống phía sau trạm. Ông Nguyễn Tấn Bình, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 10, cho biết đây là tang vật bắt giữ được của những đối tượng xâm hại rừng. Theo ông Bình, rất may là khu vực trạm quản lý ít người dân sinh sống nên việc xâm hại không nhiều như các khu vực khác.
Còn ông Nguyễn Hữu Tạo, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn, chỉ trong quý I/2018 đã phát hiện, xử lý 8 vụ xâm hại rừng có dấu hiệu hình sự. Trong số này có 4 vụ khai thác gỗ quý hiếm trái phép, lực lượng chức năng mới bắt giữ được các đối tượng của 2 vụ, 2 vụ còn lại vẫn đang trong quá trình điều tra.
Theo ông Tạo, nguyên nhân dẫn đến việc số vụ phá rừng có dấu hiệu hình sự tăng đột biến, một phần là do luật thay đổi. Trước đây, việc chặt phá gỗ quý hiếm rừng trong VQG trên 5 m3 mới bị xử lý hình sự, còn hiện nay chỉ 1 m3 là bị truy tố.
Nguy hiểm hơn cả phá rừng lấy gỗ là việc người dân tàn sát trắng cả những khoảnh rừng lớn để lấy đất làm nương rẫy. Chỉ từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2018, tại các tiểu khu 442, 458 đã xảy ra 4 vụ hủy hoại hơn 3 ha rừng. Sau quá trình điều tra, đến nay, Công an huyện Buôn Đôn đã làm rõ 5 người tham gia gây ra 3/4 vụ hủy hoại rừng trên.
Không chỉ ở những nơi rừng rú xa xôi, ngay cả những vùng gần các đồn biên phòng, lâm tặc cũng ngang nhiên đưa cưa máy vào hạ sát những cây gỗ quý để lấy gỗ. Ngày 26/1, tại Tiểu khu 408, lực lượng kiểm lâm phát hiện 23 cây gỗ quý bị chặt hạ.
Tại hiện trường, nhiều cây gỗ vẫn còn rỉ nhựa, hàng chục mét khối gỗ đã được bóc tách vẫn chưa kịp mang ra khỏi rừng. Đáng chú ý, khu vực này chỉ cách Đồn Biên phòng 741 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) khoảng 5 km mà theo lãnh đạo vườn, lực lượng kiểm lâm muốn vào đây tuần tra phải xin phép đồn biên phòng. Sau vụ việc này, mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã điều chuyển cán bộ.
Cũng trong tháng 1/2018, qua tuần tra, Trạm Kiểm lâm số 8 (Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn) đã phát hiện tại tiểu khu 409, hàng chục đối tượng đang cưa nhiều cây gỗ giáng hương quý hiếm đường kính từ 40 cm đến 1,5 m. Tổ công tác đã truy đuổi và bắt giữ được Ma A Lào. A Lào khai nhận cùng 15 đối tượng khác tham gia phá rừng, chặt gỗ để lấy tiền tiêu.
Đau đầu với nạn di dân
Trong các vụ đi bắt gỗ vi phạm, ông Nguyễn Hữu Tạo nhớ nhất là lần phát hiện khoảng 3 m3 gỗ tập kết nằm sát khu vực đồi thông. Khi lực lượng đang tịch thu thì các đối tượng đầu nậu xúi giục người dân cả buôn kéo ra vây ráp, ném đá nhằm không cho đưa số gỗ đi.
"Người dân vây kín rất đông, chúng tôi đang thi hành công vụ nhưng bà con bất chấp. Sau đó huyện, tỉnh phải chỉ đạo công an vào cuộc mới đưa được số gỗ vi phạm về, còn người dân do bị một số lâm tặc kích động nên chỉ tuyên truyền cho dân hiểu chứ không xử lý được" - ông Tạo kể lại.
Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc VQG Yók Đôn, thừa nhận những năm qua, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nhưng không thể giải quyết triệt để. Nguyên nhân là giá gỗ thị trường cao trong khi gỗ tại các khu vực rừng khác đã cạn kiệt nên lâm tặc chuyển hướng tấn công vào VQG.
Các đối tượng này thường lợi dụng những khu vực rừng có địa hình hiểm trở, nằm dưới các thung lũng và sử dụng các công cụ thô sơ để khai thác. Sau khi khai thác xong, lâm tặc không đưa xe cơ giới vào chở mà cõng bằng sức người, cắt rừng để đi nên rất khó phát hiện.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là những hộ dân di cư từ các tỉnh vào sinh sống ven VQG Yók Đôn. Tại phía Bắc VQG có khoảng 500 hộ dân với 2.000 nhân khẩu đã khai hoang rừng và tiến sát vào khu vực quản lý của VQG. Tại phía Đông, lực lượng chức năng kiểm đếm được 40 chòi của người dân với hơn 100 nhân khẩu đến định canh.
"Chính quyền cũng đã vào cưỡng chế, đẩy đuổi người dân ra khỏi khu vực nhưng cứ đẩy đi rồi người ta lại quay lại. Bây giờ, họ còn ra yêu sách cho thành lập thôn, buôn để đưa vào địa giới hành chính. Nếu như vậy, họ sẽ tiến sát, cực kỳ nguy hiểm đối với VQG" - ông Hiệp lo ngại.
Không chỉ vậy, từ xưa tới nay, người dân xung quanh khu vực vẫn có thói quen chăn thả trâu bò trong vườn. Để quản lý, VQG đã cấp phát thẻ cho những hộ dân có trâu bò được ra vào vườn vào ban ngày.
Tuy nhiên, việc người dân lén lút vào vườn bất hợp pháp mỗi ngày vẫn lên tới hơn 500 lượt. Còn tại buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, trong lõi vườn, số hộ dân tăng nhanh, từ 34 hộ nay lên 124 hộ, khiến nhu cầu về đất sản xuất ngày càng tăng cũng là một trong những khó khăn, thách thức đối với việc quản lý rừng.
Cấp tiền cho dân phá rừng
Theo ông Nguyễn Hữu Tạo, phần lớn các vụ phá rừng đều là do người dân buôn Đrang Phốk gây ra. Vốn sinh sống trong phân khu phục hồi sinh thái VQG Yók Đôn từ lâu đời nhưng người dân nơi đây không phá rừng rầm rộ mà chỉ khai thác một vài cây gỗ để làm nhà, vật dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một đối tượng tên là Dũng "trọc" (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bỏ tiền đầu tư, mua các công cụ cho bà con trong buôn vào rừng thảm sát gỗ quý, sau đó mang về bán lại cho hắn. Lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần mật phục bắt đối tượng này nhưng chưa có kết quả.
Bình luận