Nhận bằng tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Thông tin liên ngành thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) hồi tháng 6, Trương Lâm Phong được Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) bổ nhiệm làm trợ lý giáo sư kiêm giảng viên hướng dẫn luận án cho nghiên cứu sinh ở tuổi 27.
Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của Trương Lâm Phong là trí tuệ nhân tạo hiệu quả (Efficient AI), bao gồm các mô hình ngôn ngữ lớn, mô hình tạo sinh dữ liệu ảnh video, nén và tăng tốc bộ dữ liệu AI.
Đến nay, Lâm Phong đã công bố 20 bài báo trên các tạp chí học thuật quốc tế hàng đầu với hơn 2.000 lượt trích dẫn. Anh cũng là người đánh giá tại các hội nghị học thuật uy tín như: NeurIPS, ICLR, ICML, CVPR, ICCV.
Hầu hết các công trình nghiên cứu của Lâm Phong được đánh giá là góp phần vào sự tiến bộ trong việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cơ bản. Cụ thể, năm 2019, Lâm Phong đã đề xuất thuật toán "chắt lọc kiến thức" (knowledge distillation). Giáo sư Kuk-Jin Yoon của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định, thuật toán này có ưu thế vượt trội vì khả năng khái quát hóa tốt và đạt hiệu quả cao.
Phó Giáo sư Hàn Sung của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng dành lời khen cho thuật toán này: "Kết quả nghiên cứu của Lâm Phong không chỉ có giá trị lý thuyết còn mang lại nhiều ứng dụng thực tiễn như: Phát hiện hình ảnh đa góc nhìn, phân đoạn đối tượng, tạo sinh hình ảnh và siêu phân giải video đồng thời, triển khai các ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh".
Trước khi gia nhập Đại học Giao thông Thượng Hải, Lâm Phong đã nhận được lời đề nghị từ các công ty với mức lương 1 triệu USD/năm (hơn 25 tỷ đồng). Chia sẻ với The Paper, Lâm Phong tiết lộ lý do đầu quân về Viện Trí tuệ Nhân tạo của Đại học Giao thông Thượng Hải vì muốn tập trung vào nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy.
"Với tôi nghiên cứu khoa học là công việc thú vị, trong đó người thầy hướng dẫn tốt sẽ đóng vai trò quan trọng. Khi còn học ở Đại học Thanh Hoa, các thầy cô hướng dẫn đã định hướng cho tôi con đường nghiên cứu rõ ràng, nên tôi cũng muốn làm điều tương tự cho sinh viên của Đại học Giao thông Thượng Hải bằng cách tạo cho các em một môi trường nghiên cứu thoải mái", Tiến sĩ Lâm Phong chia sẻ.
Khi chia sẻ về việc nhận được sự quan tâm trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua, Lâm Phong nói:
"Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới và những người trẻ sẽ là lực lượng chủ chốt trong nghiên cứu. Thực tế, các trường đại học hiện nay có nhiều giảng viên trẻ như tôi. Do đó, tôi không lo lắng khi đảm nhận vị trí này. Với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi cảm thấy không thoải mái khi được chú ý vì yếu tố trẻ tuổi. Tương lai, tôi hy vọng được mọi người biết đến với những thành quả nghiên cứu nhiều hơn".
Bình luận