Trong cung đình triều Nguyễn xưa, các vua và cung tần có rất nhiều trò tiêu khiển. Các trò chơi trong cung đình triều Nguyễn xưa điều mang tính giải trí cao và đề cao việc học hành.
Vua và quan lại thích trò hồ đầu
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, trò đầu hồ có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại, du nhập vào Việt Nam dưới triều Nguyễn. Bộ dụng cụ chơi gồm chiếc bình bằng đồng cao khoảng 3 tấc, miệng gắn hai chiếc bình nhỏ và một bộ tên 12 chiếc, mũi tên dài 65-80 cm tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Người chơi phải đứng cách bình vài mét rồi ném mũi tên vào miệng bình. Mỗi người chỉ được ném 4 mũi tên. Trải qua thời gian, luật chơi dần thay đổi, người nào ném được mũi tên vào bình thì sẽ được giữ quyền ném tiếp theo, khi nào ném trật ra ngoài thì ngưng lại. Nếu một người ném trúng 12 lần liên tiếp thì gọi là toàn hồ, được gọi là hiền.
Vào thời Nguyễn, trò chơi đầu hồ rất phổ biến. Các quan thường tổ chức chơi để mời rượu nhau ngày đầu xuân, ai ném được nhiều mũi tên vào bình có quyền mời rượu người khác mà không bị từ chối. Vua Tự Đức và Bảo Đại chơi đầu hồ rất giỏi. Vua Bảo Đại không chỉ ném mũi tên lọt vào bình lớn mà còn ném lọt mũi tên vào hai bên miệng bình.
Cách chơi đầu hồ của triều Nguyễn khó hơn cách chơi của người Trung Hoa, người Nhật Bản. Thay vì ném mũi tên trực tiếp vào bình, người chơi đầu hồ triều Nguyễn phải ném qua một vật bằng gỗ thường gọi là con ngựa hay là con cóc đặt giữa khoảng trống giữa người chơi và miệng bình.
Bình chơi đầu hồ ở Huế cũng đa dạng và được làm bằng nhiều chất liệu, có thể là gỗ, sứ, pháp lam hoặc đồng. Hiện nay, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế lưu giữ một bộ đồ chơi đầu hồ bằng gỗ của triều Nguyễn. Xung quanh chiếc bình bằng gỗ được khảm xà cừ hình phượng ba đuôi, quan cưỡi ngựa.
Một cán bộ của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cho hay, trò chơi đầu hồ đòi hỏi người chơi phải thông minh, tính toán kỹ lưỡng thì mới ném được mũi tên lọt bình. Cũng bởi tính trí tuệ của trò chơi mà vua quan nhà Nguyễn xưa đặc biệt thích trò chơi này.
Các mũi tên trong trò chơi đầu hồ của triều Nguyễn xưa được làm bằng gỗ táo, gỗ dâu. Một đầu sẽ được vót dẹp để tạo sự đàn hồi. Người chơi sẽ cầm đầu dẹp đưa lên đưa xuống để tạo độ đàn hồi trước khi ném vào con cóc làm bằng gỗ để lọt vào bình, chị Nhàn cho biết.
Sau năm 1945, khi triều Nguyễn sụp đổ, trò chơi đầu hồ cũng dần biến mất, chỉ còn một số phủ đệ ở Huế chơi. Nhiều bộ chơi đầu hồ bị thất lạc.
Cung tần mỹ nữ lại thích đổ xăm hường
Trong các trò chơi chốn cung đình triều Nguyễn xưa, trò đổ xăm hường thu hút nhiều cung tần mỹ nữ chơi ngày Tết. Sau này, trò chơi được lan truyền đến nhiều người Huế.
Một bộ xăm hường gồm 6 hạt xúc xắc cùng một bộ thẻ 6 loại. Các loại thẻ được gọi tên theo thứ tự là Nhất hường, Nhị hường, Tứ tự (hay còn gọi là Tứ tấn), Tam hường, Trạng em (Bảng nhãn, Thám hoa), Trạng anh (Trạng nguyên). Theo luật chơi thì khi gieo 6 hột xúc xắc, ra xăm hường nào thì nhận thẻ tương ứng. Gieo đến khi hết thẻ xăm thì trò chơi kết thúc.
Ngoài ra, trò bài vụ cũng được những người sống và làm việc trong cung cấm nhà Nguyễn xưa ưa chuộng. Trò này, với một chiếc vụ hình bát giác được dán hình 8 con vật. Người chơi sẽ đặt cược theo con vật nào, khi quay vụ, mặt nào nổi trên hình đúng với mặt đặt cược thì thắng.
Ngày xưa, các vua triều Nguyễn rất mê thơ và nhiều bài thơ của vua vẫn được khắc trên hệ thống kiến trúc gỗ ở cung điện và lăng tẩm. Trò chơi Trả Thơ cũng được người xưa chơi trong ngày Tết để đề cao việc học.
Theo luật chơi, một bài thơ sẽ được thay đổi một số chữ trong một câu thơ. Người chơi sẽ đặt thẻ vào các chữ đúng với bài thơ. Sau khi đặt, người quản trò sẽ đọc nguyên văn bài thơ để đối chứng.
Để lưu giữ một thú chơi tao nhã của người xưa, trong ba ngày Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thường tổ chức các trò chơi như đổ xăm hường, bài vụ, thả thơ và đầu hồ cho du khách. Nhiều người chơi đầu hồ tỏ ra thích thú với thú tiêu khiển của người Huế xưa.
Bình luận