• Zalo

‘Vua hàng hiệu’ xin lập hãng bay: Vì sao Cục Hàng không chưa đồng ý?

Đầu TưThứ Ba, 13/07/2021 15:27:17 +07:00Google News
(VTC News) -

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không vận tải hàng hoá.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết theo quy định hiện nay, Thủ tướng sẽ xem xét, cho phép (hoặc không cho phép) Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép.

‘Vua hàng hiệu’ xin lập hãng bay: Vì sao Cục Hàng không chưa đồng ý? - 1

Tại Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên biệt. Tuy nhiên việc thành lập hãng hàng không mới chỉ được xem xét sau năm 2022. (Ảnh minh họa)

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nêu tại công văn 5833 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới, Cục Hàng không cho biết, trong tình hình hiện nay thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022.

"Việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung - cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19", Cục Hàng không cho biết thêm.

Tuy vậy, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về khả năng thành lập hãng hàng không mới cho giai đoạn sau năm 2022 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trước đó, công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh - biệt danh "vua hàng hiệu" - làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có văn bản gửi một số bộ, ngành liên quan về việc lập hãng hàng không IPP Air Cargo.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, có trụ sở tại TP.HCM. 

Mục tiêu của Công ty IPP Air Cargo là thành lập 1 hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hãng hàng không Việt Nam đang triển khai các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu.

Theo báo cáo, tính đến 28/6, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines 5 tàu bay (gồm 2 tàu A321 và 3 tàu A350) và Vietjet Air 4 tàu bay A321.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn