• Zalo

'Vua chó mèo VN': Nửa tháng tử chiến siêu cao thủ

Thể thaoThứ Sáu, 14/06/2013 08:39:00 +07:00Google News

(VTC News) – Dù chỉ là hạng vô danh tiểu tốt, nhưng ông Bảo Sinh vẫn không màng và quyết đấu với một võ sĩ đã thành danh.


(VTC News) – Dù chỉ là hạng vô danh tiểu tốt, nhưng ông Bảo Sinh vẫn không màng và quyết đấu với một võ sĩ đã thành danh.


Sau lần đứt tai, tưởng “cậu” Bảo Sinh sẽ phải đoạn tuyệt với quyền anh vì gia đình cấm đoán gay gắt. Nhưng không, ông có thể ăn no đòn của thầy u, chứ nhất quyết không chịu treo găng. Đã thế, ông còn mê xem đấm bốc tới độ chỉ cần phong phanh đấu đó ở Hà Nội sẽ có một trận tỷ thí là ông rình coi cho bằng được.

“Vua đột kích”

“Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu bận leo ống nước ở phía sau Nhà hát lớn hay khu Đấu xảo để vào xem thi đấu quyền anh. Riêng rạp Chuông Vàng trên phố Hàng Bạc – nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tỷ thí – lại oái oăm không có đường leo. Cho nên những người soát vé cửa rạp này đã nhẵn mặt tôi, tới mức hễ thấy tôi là lập tức họ lao ra đuổi.

Thú thực, ngày tôi còn học trung học cũng thuộc con nhà giàu đấy, cũng có tiền xem quyền anh đấy. Nhưng anh cứ nghĩ đi. Nếu một tháng tôi đi xem một trận, may ra còn tích cóp tiền mua vé vào xem thẳng thừng được. Đằng này đi xem như cơm bữa, hỏi tiền nào cho đủ. Ấy là còn chưa kể thầy u tôi thừa biết tôi mê quyền anh nên cấm đoán trăm bề, cắt khấu cũng trăm bề” – Ông Sinh mở đầu câu chuyện về những ngày ông nhận mình là “vua đột kích”.

“Vậy vào rạp Chuông Vàng bằng cách nào mỗi khi trong túi rỗng tuếch?” – Ông quay ra hỏi tôi như cách để mào dẫn cho tuyệt chiêu ông chuẩn bị khoe.

“Trời thương anh ạ! Học được tí tiếng Tây nên sử dụng hết công lực. Cứ gặp anh Tây mũi lõ nào chuẩn bị vào rạp Chuông Vàng là mình qua bắt chuyện, đại ý là bảo anh Tây cho mình đi cùng qua cửa soát vé. Đa phần Tây hào hiệp, lại gặp đúng Tây nào vừa thua trận trở về, vẻ mặt đang chán đời thì chẳng cần xin, cứ giả bộ đi cạnh như người thân là mấy anh soát vé không ai hỏi nữa, dẫu biết thừa tôi là “cái thằng” Bảo Sinh chuyên lậu vé!” – Kể đến đây, ông Sinh cười khoái chí lắm!

Rạp Chuông Vàng ngày nay trên phố Hàng Bạc

Nhờ những lần “đột kích” thành công mà từ độ trăng tròn cho đến tuổi thấp thập bây giờ, trong đầu ông Bảo Sinh là không biết bao nhiêu trận đấu, bao nhiêu võ sĩ lừng danh, bao nhiêu cách đánh để đời, bao nhiêu bầu không khí náo nhiệt của những cuộc thư hùng giữa Ta và Tây luôn chứa những hận thù dân tộc.

Quyền anh du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhưng đến giữa thế kỷ này, những cuộc đấu quyền anh tại Hà Nội đã mang tính chất nhà nghề, tức thi đấu kiểu cởi trần, không có bảo vệ. Đặc biệt ở giai đoạn này, thường xuất hiện những cuộc thách đấu, bất chấp tuổi tác, hạng cân. Người thách đấu cứ bước lên võ đài là có quyền vỗ ngực, xa xả, thậm chí nhiếc móc, mắng mỏ như Trương Phi chửi Lã Bố là kẻ đi ở ba đời để khiêu khích. Bởi vậy, võ sỹ Ngọc Long vì không lượng sức mình nên đã bỏ mạng ngay trên võ đài trước một tay đấm là lính lê dương cao hơn mình cả cái đầu, nặng hơn mình cả mấy chục cân.

Ngược lại, Vĩnh Tiên đi vào huyền thoại và là niềm tự hào của quyền anh Việt Nam. Chính Vĩnh Tiên đã góp phần tăng thêm niềm tự tôn dân tộc mỗi khi người Ta bị Tây thách đấu!

Vĩnh Tiên sẽ thượng đài đánh Tây bất cứ lúc nào nếu võ sĩ Tây tỏ ra ngông cuồng, miệt thị. Và khi thi đấu, hễ Vĩnh Tiên ra đòn chính xác khiến võ sĩ Tây choáng váng hoặc nằm đo ván, cả rạp đấu như nổ tung – một thứ nổ tung mà những người Việt ngầm hiểu rằng, đó là cú đấm của dân tộc!

“Tôi coi Vĩnh Tiên như một thần tượng. Vĩnh Tiên người nhỏ (khoảng 56 cân, thuộc hạng gà) nhưng điềm đạm, dẻo dai, thông minh. Vĩnh Tiến đánh theo kiểu công thủ toàn năng và đặc biệt, tập rất kỹ cách đánh giáp la cà, đánh tiệm cận. Bao giờ cũng vậy, Vĩnh Tiến tránh thi đòn, ông tập trung phòng thủ chắc và chờ thời cơ là tấn công nhanh. Lối đánh này đã hạn chế đi rất nhiều sức mạnh từ sải tay dài của võ sĩ Tây” – Ông Sinh phân tích kỹ chiến thuật của võ sĩ Vĩnh Tiên.

Ông Bảo Sinh chỉ lại một số nét cơ bản trong phòng thủ của võ sĩ Vĩnh Tiên (Ảnh: Thành Phạm)

Ngoài Vĩnh Tiên, một võ sĩ khác cũng được ông Sinh đánh giá vào hành cao thủ nhất nhì đất Bắc Kỳ những năm 1950. Đó là võ sĩ Đinh Khuê của lò Nam Định. Ông Khuê sở hữu cú đấm thuận tay cực mạnh, có thể hạ đo ván đối thủ chỉ sau một cú ra đòn nên được gọi là “Búa tầm sét”.

“Búa tầm sét” đánh đâu thắng đó song học trò của ông như Trần Xuân Lai chẳng hạn, hễ thách đấu ở đâu là biết thua ở đó, cùng lắm là hòa.

“Tôi cho rằng Đinh Khuê là một võ sĩ giỏi, thậm chí giỏi nhất nhưng lại là ông thầy tồi, cực tồi. Ông Khuê dựa vào sức mạnh vốn có của mình sẵn sàng nhịn đòn cho người ta đánh, trước khi tung “búa tầm sét” để giành chiến thắng. Ngược lại, học trò ông đâu phải ai cũng có được tố chất như ông để chịu đòn, vì thế lối đánh không thèm phòng thủ, cứ trơ trơ mắt ếch cho người ta nện thẳng vào mặt, tôi đùa rằng, đánh không thua không lấy tiền” – Ông Sinh cười nắc nẻ trước khi bước sang trận thách đấu của chính mình!

Trận tỷ thí nửa tháng ròng

Võ sĩ Vĩnh Tiên lừng danh đánh Tây sau này có một người học trò xuất sắc là võ sĩ Phạm Xuân Nhàn – người đầu tiên đại diện cho quyền anh Việt Nam dự giải châu Á. Ông Xuân Nhàn vốn là bác sĩ, có trình độ văn hóa cao nên thường dậy các học trò một cách bác học. Ở Hà Nội những năm 1960 so với lò Phan San, Đinh Thọ… môn sinh của lò Xuân Nhàn thường nắm vững kỹ thuật hơn cả.

Trong số các học trò của võ sư Xuân Nhàn có võ sĩ Việt Anh, người đã hạ võ sĩ Cảnh Thịnh của lò Phan Sang để giành HCV quyền anh toàn quốc những năm đầu 1970. Khi Việt Anh lên ngôi thì ông Bảo Sinh chỉ là một võ sĩ vô danh tiểu tốt, có chăng mang chút mác là học trò của võ sư Phạm Xuân Thông (bố của Phạm Xuân Nhàn).

“Từ khi học quyền anh đến khi mở lò dậy võ, tôi chỉ làm võ sĩ vô danh tiểu tốt, chưa từng thượng đài thách đấu. Khi hay tin tôi mở lò dậy võ ở nhà, Việt Anh có tìm đến. Đó là một buổi chiều, Việt Anh bước vào sân, giọng oang oang: “Ai dậy võ ở đây?”.

Nghe thế, tôi liền bước ra và bảo: “Tôi!”.

Việt Anh nhìn tôi một hồi đầy vẻ coi thường: “Ông thì dậy được ai?”. “Tôi không dậy được ai nhưng tôi đánh được ông!” – Tôi trả lời luôn. Sau câu trả lời này thì tôi và Việt Anh lôi nhau lên đê chỗ đoạn cầu Vĩnh Tuy bây giờ tỷ thí mà không cần võ đài, không cần bảo vệ hay trọng tài… chỉ cần có sự chứng kiến của một số người.

Chúng tôi đấu với nhau trên đê tất thảy 5 trận trong 5 ngày, rải ra trong nửa tháng mà bất phân thắng bại. Việt Anh không bao giờ thừa nhận mình thua dù trận nào mặt mũi cũng sưng vù. Ngay cả khi đánh trận thứ 5 bị tôi ra đòn vào mặt đến hộc cả máu mồm, máu mũi, Việt Anh vẫn chỉ nhận hòa. Tôi cũng vậy, mặt mũi cũng sưng vù, thậm chí gãy cả nửa cái răng nhưng cũng không bao giờ thừa nhận mình thua.

 Ông Bảo Sinh chỉ cho tác giả thấy chiếc răng đã bị vỡ nửa (Ảnh: Thành Phạm)

Cuối cùng để công bằng hơn, chúng tôi hẹn nhau đánh một trận trên võ đài, dưới sự điều khiển của trọng tài.

Tin tôi và Việt Anh thượng đài sau đó lọt đến tai võ sư Phạm Xuân Nhàn. Bấy giờ, ông Nhàn bực bội lắm vì học trò của ông đang là đương kim vô địch, nay lại đấu với một Bảo Sinh chẳng ai biết đến danh. 

Thế nên để ngăn cản cuộc đấu, ngoài lý do võ sĩ Bảo Sinh chỉ nặng 46 cân, không thể đấu xanh chín với võ sĩ Việt Anh nặng 51 cân, võ sư, bác sĩ Phạm Xuân Nhàn còn tung ra kết luận kiểm tra y tế: “Tim võ sĩ Bảo Sinh có vấn đề, không đảm bảo sức khỏe thi đấu…”.

Và trận đấu không bao giờ tái diễn trên sàn đấu dù thực tế sau hơn 40 năm, tim ông Nguyễn Bảo Sinh chưa bao giờ có vấn đề!

* Còn nữa…



Hà Thành
Bình luận