Kỳ 3 (kỳ cuối): Giám định ADN là phương án nhanh và khoa học nhất
Trong Kỷ yếu hội thảo khoa học ngày 16/1/2017 của Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người và Hội khảo cổ học Việt Nam có giới thiệu về “nữ ngoại cảm” Bùi Thị Hiền, người được cho là báo mộng và đào thấy mộ cụ Trạng như sau: Cô Hiền vốn là công nhân bán xăng.
Trưa ngày 8/3/2014 âm, một "vong cụ ông" nhập vào cô Hiền, đập tay vào sân gạch và ra lệnh: "Hôm nay đưa ta lên".
Đây chính là thời điểm cô Hiền bị sét đánh. "Cụ" yêu cầu đào sâu 2m, sau đào ngang. Mọi người đào theo chỉ dẫn của "cụ" và thấy một quách gỗ màu đỏ xậm, có mùi thơm. Khi bật nắp thấy hình hài "cụ" còn nguyên. Khi chuyển sang tiểu mới, nhiều xương tự vụn ra, còn lại xương đầu và một ít xương chân không bị nát vụn. Bà con địa phương đem an táng tại nghĩa trang của xã.
Chiếc quách gỗ được cọ rửa, do đó bị mất nhiều chữ. "Cụ" hiển linh và bảo gọi cụ là Bình. "Cụ" nói đọc hết chữ trên tượng của "cụ" (ý nói là quách gỗ) thì biết "cụ" là ai. "Cụ" cho phép mang tượng về Hà Nội cho các nhà khoa học nghiên cứu. Nhà văn Nguyễn Thụy Kha đã nhận và trông giữ tẩm quách từ tháng 4/2014 đến 7/12/2016…
Sau sự kiện này, bà Hiền bỗng chốc tự nhận là “nhà ngoại cảm”, chuyên giúp mọi người đi tìm mộ sau những giấc mơ. Người dân xã Cộng Hiền xác nhận, chả bao giờ “nhà ngoại cảm” phán đúng.
Ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc bảo tàng Hải Phòng khi đọc xong cuốn kỷ yếu này đã bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi thấy, không có việc gì dễ xác minh bằng sự việc này, dù gì thì vẫn còn lại một cái sọ, một cái xương ống… thì chỉ việc mang đi xét nghiệm ADN là xong thôi mà, xem cái phần di cốt ấy có phải của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay không, trong khi con cháu 7,8 đời của "cụ" còn đầy ra đấy, bên xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng.
Việc gì phải lòng vòng xác định cái thẻ tre, cái quách cho nó mất thời gian. Ông Nguyễn Lân Cường còn gửi cả mảnh gỗ vào trong TP.HCM để giám định C14 làm gì không biết? Cái quách, cái thẻ tre đâu quan trọng bằng cái xương. Người ta bảo là hài cốt chôn rồi chứ gì? Đơn giản, lại khai quật lên và mang đi giám định.
Một điều nữa, trong cuốn kỷ yếu mà Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người đã phát cho mọi người đọc, có kể là khi bật nắp thấy hình hài cụ Trạng còn nguyên, sau đó mới tan ra và người ta mang ra nghĩa địa chôn. Có nghĩa là Trạng Trình chỉ bé tý bằng đứa bé lên 4, lên 5 tuổi tính vào thời ấy, mà sợ còn không nhét vừa nữa, vì cái quách chỉ dài có 80 phân và rộng 15cm…”.
Ông Trung cho biết, hồi năm 2014 khi nghe tin tìm thấy ngôi mộ cổ có hài cốt, ông cùng mọi người ở bảo tàng đã tìm về xã Cộng Hiền hỏi hài cốt đâu thì được “nữ ngoại cảm” Bùi Thị Hiền bảo đã chôn ở nghĩa trang. Ông Trung tiếp tục bảo chỉ chỗ để mọi người mang đi giám định, thì bà Hiền nói là không nhớ nữa.
“Hồi cuối 2016, lúc câu chuyện rộ lên, tôi có về hỏi lại lần nữa thì được ông Hoàng Phan và ông Nguyễn Đình Minh nói rằng: "Phải có duyên mới gặp được cụ". Tôi trả lời: "Đây không phải là có duyên hay không có duyên, mà chúng tôi về để xác minh, anh biết thì anh chỉ, không biết thì đừng nói".
Đợt ngoài bảo tàng tìm thấy cái thanh tre ấy, mấy người kia lại bảo đó là đồ của bậc thánh nhân, họ là những người trực tiếp phát hiện ra ngôi mộ. Tôi hỏi lại lần nữa, cái mộ táng ngoài nghĩa trang ấy ở đâu, ở đây có bác Nguyễn Lân Cường là chuyên gia, bác ấy sẽ giám định, thì ông Minh lại trả lời: Khi em mở ra thì… tan hết rồi”, ông Trung kể tiếp.
Thực ra, việc khám phá ra "chân tướng" của sự việc này cũng khá đơn giản, vì chỉ cần “nhà ngoại cảm” Bùi Thị Hiền thừa nhận hết trước cơ quan pháp luật, thì mọi chuyện ẩn giấu đằng sau câu chuyện đồn thổi tìm thấy mộ Trạng Trình sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bà Hiền bỗng trở thành “yếu nhân”, được một nhóm người lạ mặt bảo vệ nghiêm ngặt 24/24, sau khi sự việc đào mộ ở xã Cộng Hiền được nhóm PV VTC News phanh phui lên báo.
Ngày 14/02, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Vĩnh Bảo, đại diện CA huyện Vĩnh Bảo cùng với lãnh đạo, cán bộ xã Cộng Hiền đã mời bà Bùi Thị Hiền lên trụ sở UBND xã để đối thoại trực tiếp về những vấn đề này. Bà Hiền không chịu hợp tác và tìm cách né tránh bằng việc giả như bị vong nhập, nói năng lảm nhảm. Tuy nhiên, sau đó bà cũng có trình bày: Khi đào mộ có đầu lâu, ống xương đã chuyển ra nghĩa địa. Hộp đựng (được cho là quách gỗ) đã bàn giao. Hiện nay mong muốn được các cơ quan nghiên cứu kết luận xem thật hay giả để mọi người được biết.
Riêng bản tường trình, một trong những chứng cứ quan trọng nhất để xác minh sự việc, thì “nhà ngoại cảm” lại bảo phải về nhà viết, rồi “cố thủ” hẳn trong nhà luôn từ hôm đó.
Sáng 15/2/2017, xã Cộng Hiền cử cán bộ đến nhà bà Hiền lấy bản tường trình thì bị một nhóm tầm 20-30 người lạ mặt ngăn cản.
Ngày 16/2, ông Nguyễn Văn Tiền, trưởng công an xã cùng mấy cán bộ đến nhà bà Hiền thì số người lạ mặt túc trực đã tăng lên con số 70-80 người. Những kẻ lạ mặt đó có những biểu hiện thách thức, chống đối, ngăn cản cán bộ làm nhiệm vụ, kiên quyết không để một ai có thể đi qua cổng nhà bà Hiền.
"Do thẩm quyền của cán bộ xã có hạn nên rất mong các cơ quan chức năng cấp trên sớm vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc nêu trên để ổn định tình hình địa phương", ông Tiền nói.
UBND xã đã thông tin trên hệ thống đài truyền thanh về sự việc ở nhà bà Hiền, đến nay chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào kết luận có liên quan đến mộ Cụ Trạng. Đồng thời kiên quyết dẹp bỏ tụ điểm mê tín dị đoan trên theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo. Ngay sáng hôm sau, "nhà ngoại cảm" đã kéo khoảng hơn 20 "quân" sang tận nhà ông Chung chủ tịch xã chất vấn. Không gặp được ông Chung tại nhà, nhóm người này tiếp tục kéo lên UBND xã làm loạn. Tuy nhiên gặp phải sự cứng rắn, kiên quyết của xã và lực lượng của huyện, bà Hiền lại rút về nhà đóng kín cửa.
“Nói thật với các nhà báo, chỉ cần đối thoại được với bà Hiền và có bản tường trình là truy ra mọi chuyện đằng sau rõ ràng thôi mà. Chứ những người lạ mặt ấy, chúng tôi thấy hoạt động khá chuyên nghiệp, chắc được ai đó thuê đến bảo vệ, chứ không phải là những kẻ vô công rồi nghề, hơi đâu mà làm những chuyện như vậy. Đây là một hành động có tổ chức. Chúng tôi chỉ biết báo cáo lên cấp trên xem xét. Mặt khác, chúng tôi hiện không biết bà Hiền còn ở trong nhà hay không, hay đã được bí mật đưa đi trốn ở nơi khác, vì chúng tôi bị ngăn cản không vào nhà được”, một quan chức địa phương (giấu tên) cho biết.
Có một thông tin chưa được kiểm chứng đang đồn thổi, một diện tích đất lớn xung quanh khu vườn nhà bà Bùi Thị Hiền đã được ai đó mua lại. Mục đích làm gì thì chúng tôi không biết, nhưng người có quan điểm trái chiều lại đặt ra nghi vấn: Biết đâu, sự việc động trời này nếu không bị phanh phui, thì sẽ lại có cả quần thể di tích được dựng lên ở đó?
Tối 19/2, "nhà ngoại cảm" lại tiếp tục quây kín cổng, rồi xúm vào đào tiếp một ngôi mộ trong khu vườn nhà. Được tin báo, lực lượng của xã Cộng Hiền đã kéo vào kiên quyết ngăn chặn. Lúc đến, thì ngôi mộ được đào gần xong, lộ cả tấm ván thiên.
Riêng đối với trường hợp bà Bùi Thị Hiền, “nhà ngoại cảm” này đã thừa nhận trong biên bản làm việc ngày 14/2/2017 với chính quyền địa phương (có chữ ký xác nhận của bà Hiền), rằng mình có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật ở trong mộ, trên mộ và mang hài cốt đi chôn ở nghĩa trang xã. Hành vi này có dấu hiệu phạm vào tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, được quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015 và đã có hiệu lực.
Nhóm PV VTC News sẽ tiếp tục bám sát câu chuyện, kiên quyết phơi bày những câu chuyện được bịa tạc, dựng lên mang màu sắc mê tín dị đoan để trục lợi.
Bình luận