Tối 9/6, tàu cá FB Gimver 1 của Philippines va chạm với tàu Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm, còn tàu Trung Quốc rời hiện trường ngay lập tức, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên chiếc tàu đắm. Nhóm ngư dân này phải bơ vơ giữa biển trong nhiều giờ trước khi được một tàu Việt Nam cứu hộ.
Hôm 12/6, Bộ Quốc phòng Philippines lên án hành động "đáng khinh bỉ và hèn nhát" của tàu cá Trung Quốc. 1 ngày sau, Manila cảnh báo cắt quan hệ với Bắc Kinh nếu xác minh vụ đâm tàu là hành động có chủ đích.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teddy Locsin trong dòng tweet đăng tải hôm 13/6 cho biết ông đã trao công hàm phản đối tới Trung Quốc liên quan tới vụ việc.
Trung tá Stephen Penetrante, phát ngôn viên của quân đội tại khu vực nói quân đội có lý do để tin rằng đây không phải là một vụ tai nạn.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo chiều 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng vụ việc chỉ là tai nạn hàng hải thông thường, đồng thời cáo buộc Philippines "vô trách nhiệm" khi "chính trị hóa vụ việc mà không xác minh".
Theo Lmtonline, vụ việc mới đây là một phép thử cho quan hệ giữa Tổng thống Duterte và Bắc Kinh, đối tác chính trong chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách của ông.
Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Philippines theo đuổi chính sách rời xa Mỹ, xích lại gần Trung Quốc.
Tổng thống Duterte nổi tiếng mạnh tay với cuộc chiến ma túy khiến hàng nghìn người thiệt mạng, không dưới một lần chỉ trích Mỹ và sẵn sàng tuyên chiến với Canada vì vấn đề rác thải.
Nhưng ông lại có vẻ ít kiên quyết hơn với Trung Quốc khi nhiều lần nhấn mạnh rằng Philippines không đủ khả năng cho một cuộc tranh chấp trên biển.
Tháng 11/2018, ông gây tranh cãi khi tuyên bố "Trung Quốc khống chế biển Đông". 4 tháng sau, ông thừa nhận Manila không đủ năng lực chống lại Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh bởi Bắc Kinh là "giàu" và có "rất nhiều vũ khí chất lượng".
Những tuyên bố này cùng các phản ứng được đánh giá là hời hợt trước các hành động quân sự hóa trái phép liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như việc không gây sức ép buộc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết về Biển Đông mà Tòa trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm 2016 khiến ông Duterte bị chính các chính trị gia trong nước chỉ trích.
Các nhà phê bình thì cho rằng cách tiếp cận của ông Duterte đang khiến Bắc Kinh dễ thở hơn trong "dã tâm" quân sự hóa khu vực trong bối cảnh Việt Nam và nhiều nước khác đang đưa ra các tuyên bố phản bác mạnh mẽ.
Theo ông Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines, vụ việc mới đây cho thấy ông Duterte không nên mong chờ quá nhiều vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Nó chỉ cho thấy rằng bất chấp tình bạn đó, hành vi của Trung Quốc vẫn sẽ không thay đổi. Có thể nói rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc chính phủ Philiippines không hành động mạnh tay. Đó là lý do tại sao vụ việc mới đây xảy ra rất gần bờ biển của chúng ta, chống lại chính công dân của chúng ta", ông Batongbacal phân tích.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo hôm 13/6 kêu gọi Trung Quốc trừng phạt thích đáng những người có liên quan nhưng không đề cập tới việc liệu vụ va chạm có phải là hành động cố ý hay không. Ông này chỉ khẳng định hành vi đâm rồi bỏ trốn vi phạm các giao thức hàng hải.
Ông Batongbacal tin rằng vụ va chạm mới đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các thay đổi trong chính sách của ông Duterte.
"Nếu Trung Quốc lờ việc này đi hoặc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của nó, kịch bản này rồi sẽ lặp lại trong tương lai", chuyên gia này cảnh báo.
Bình luận