• Zalo

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ

Tư liệuChủ Nhật, 05/09/2021 14:47:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Khoảng thời gian máy bay đâm vào hai tòa tháp giết chết hàng nghìn người tại Mỹ đã trở thành một trong những khoảnh khắc ám ảnh nhất lịch sử nước này.

Chánh văn phòng Nhà Trắng lúc bấy giờ, ông Andrew Card, đã chứng kiến vụ tấn công ngày 11/9/2001 xảy ra cùng với Tổng thống George W. Bush, và ông vẫn nhớ như in từng phút một.

“Tôi cố gắng tập trung, bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan, để giúp ông ấy (Tổng thống) trong việc đưa ra những quyết định khó khăn. Nhưng cảm xúc sau đó mới ập tới”, ông nói.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 1

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. (Ảnh: Reuters)

“Tôi đã nói với Tổng thống ngày hôm nay sẽ thoải mái thôi”

Mặt trời mọc, đó là một ngày quang mây ở Sarasota, Florida, “một ngày hoàn hảo”, Card hồi tưởng. Tổng thống Bush theo lịch trình đến thăm trường tiểu học Emma E. Booker.

“Khi vào gặp, tôi đã nói với Tổng thống rằng ngày hôm nay sẽ thoải mái thôi". Ông chuẩn bị gặp các học sinh lớp hai và chủ đề chuyến đi cũng là chủ đề ưa thích của ông – không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau và dẹp bỏ định kiến cho rằng học sinh đến từ những nhóm thiểu số sẽ có thành tích thấp hơn.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 2

Tổng thống George W. Bush đến thăm trường tiểu học ngày 11/9/2001. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ)

“Có ai đã nghe tin máy bay rơi ở New York chưa?”

Khi lên xe đến trường học, Card nhớ cố vấn Nhà Trắng Dan Bartlett và phó Chánh văn phòng Karl Rove hỏi: “Có ai đã nghe tin về một vụ máy bay rơi ở New York chưa?”.

Các báo cáo ban đầu nói đó là một máy bay cánh quạt nhỏ, thay vì máy bay thương mại.

8h46 sáng – Máy bay của American Airlines chuyến số 11 đâm vào tháp Bắc Trung tâm thương mại Thế giới

“Tôi đứng ở cửa lớp học với Tổng thống và hiệu trưởng. Một đại tá hải quân – Deb Loewer, người đang là quyền cố vấn an ninh quốc gia trong chuyến đi, báo cáo: ‘Thưa ngài, dường như một máy bay hai động cơ nhỏ đã rơi vào một trong hai tòa tháp ở Trung tâm thương mại Thế giới New York’”.

“Tổng thống, hiệu trưởng và tôi lúc đó đều cùng phản ứng: ‘Thật là một tai nạn khủng khiếp. Có lẽ phi công đã bị đau tim’”.

Sau đó, hiệu trưởng mở cửa lớp học và cùng tổng thống bước vào.

9h03 sáng – Máy bay của United Airlines chuyến số 175 đâm vào tháp Nam của Trung tâm thương mại Thế giới

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 3

(Ảnh: Reuters)

Card nhớ lại: “Tôi đang đứng đó... thì Đại úy Loewer đến và nói, ‘thưa ngài, hình như nó không phải là máy bay nhỏ hai động cơ mà là máy bay thương mại’”.

Chỉ một lúc sau Loewer tiếp tục thông báo tin gây sốc.

“Chúa ơi, một máy bay khác đã đâm vào Trung tâm thương mại Thế giới ở New York”, cô nói.

Lúc đó Card ngay lập tức biết “điều này không thể là trùng hợp”.

“Thế rồi tôi thực hiện quy trình kiểm tra mà mọi chánh văn phòng vẫn làm: Tổng thống có cần biết điều này không? Có, không phải bàn cãi gì nữa”, Card cho biết. 

Ông băn khoăn sẽ phải nói với Tổng thống những điều gì, hay đúng hơn là sẽ nói như thế nào. “Tôi hiểu ông ấy đang ngồi trước báo chí và học sinh lớp hai. Tôi không muốn điều mình nói dẫn đến một cuộc hội thoại qua lại. Nên tôi quyết định chỉ thông báo hai sự thật và không làm gì khiến người đối diện phải đặt câu hỏi”.

Thế rồi Card mở cửa bước vào lớp học.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 4

Ông Card báo tin cho Tổng thống Bush. (Ảnh: Reuters)

9h05 sáng – hai sự thật

“Tôi biết thông điệp mình chuẩn bị nói sẽ là một thông điệp lịch sử”, Card nhớ lại “và tôi biết khung cảnh lúc đó thật kỳ lạ”.

Không phải là bước vào phòng Bầu Dục, không phải là gọi Tổng thống dậy vào lúc nửa đêm. “Tôi đứng trước lũ trẻ học sinh lớp hai và các máy quay đang nhìn tôi. Tôi không thể nói chuyện dài với ông ấy được”.

Card ghé xuống phía bên phải ông Bush và nói thầm: “Một máy bay thứ hai vừa đâm vào tòa tháp thứ hai – nước Mỹ đang bị tấn công”.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 5

(Ảnh: Reuters)

“Đó là tất cả những gì tôi nói với ông ấy. Rồi tôi lùi lại khoảng 3 bước, vì không muốn ông ấy phải quay lại nói với tôi”.

Theo những gì Card quan sát: “Tôi hài lòng vì ông ấy đã không làm gì có thể thể hiện sự sợ hãi trước mặt bọn trẻ và báo chí. Điều đó sẽ khiến những kẻ khủng bố trên khắp thế giới đắc chí”.

Trong khoảnh khắc thời gian dừng lại đó, Card tin rằng Bush "hiểu ông là Tổng thống và công việc của ông ấy là: giữ lời thề giữ gìn, bảo vệ và duy trì Hiến pháp Hoa Kỳ chống lại mọi kẻ thù, dù trong hay ngoài nước”.

9h10 sáng – Vội vã đến sân bay

Mọi thứ sau đó đều diễn ra nhanh chóng. “Gọi cơ trưởng Mark Tillman của Không lực Một ngay lập tức... chúng ta phải đi ngay”, Card chỉ thị.

Tất cả đài truyền hình quốc gia lúc đó đều đã đưa tin về hai ngọn tháp, cả hai đều bốc cháy, trong khi FAA (Cục hàng không Liên bang Mỹ) cấm tất cả các chuyến bay ra vào vùng trời thành phố New York. Cầu và đường hầm vào thành phố cũng bị đóng, trong khi hành khách trên chuyến bay số 77 của American Airlines gửi đi thông tin rằng họ đã bị không tặc.

Tổng thống Bush phát biểu ngắn trước toàn quốc, từ trường tiểu học Emma E. Booker, lúc 9h31, rồi nhanh chóng ra sân bay quốc tế Sarasota/Bradenton.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 6

Tổng thống Bush phát biểu từ trường tiểu học. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ)

9h37 sáng – Máy bay của American Airlines chuyến số 77 đâm vào Lầu Năm Góc

“Đó là khi Tổng thống và tôi đang trong xe limousine”, Card kể lại. “Cả hai chúng tôi đều đang gọi điện thoại; tôi gọi về Nhà Trắng còn Tổng thống đang bực vì không thể gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfed ở Lầu Năm Góc”.

Ông Bush nói: “Tôi không thể tin được là không gọi được cho bộ trưởng quốc phòng! Làm sao có thể xảy ra chuyện không gọi được cho bộ trưởng quốc phòng?”

Khi đó Card, thông qua cuộc gọi của mình, phát hiện ra máy bay vừa đâm vào Lầu Năm Góc.

Vài phút sau, FAA đóng toàn bộ không phận Mỹ và yêu cầu tất cả các chuyến bay đang bay qua hoặc bay đến nước này hạ cánh. Hàng nghìn chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp. Nhưng việc chưa thể liên lạc ngay được với một số chuyến bay đã gây nên sự hoảng loạn.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 7

Trực thăng cứu hộ phía trên Lầu Năm Góc. (Ảnh: Reuters)

Hơn nữa, mọi thứ liên quan đến vụ tấn công cũng chưa rõ ràng. Tất cả liệu có giới hạn ở các vụ cướp máy bay không? Mọi người ở Nhà Trắng, tòa nhà Quốc hội Mỹ, và một số địa điểm nổi bật khác ở Washington được sơ tán.

“Liệu Không lực Một có thể trở thành mục tiêu của ai đó ở cuối đường băng với một tên lửa Stinger không? Điều đó cũng là một lo ngại”, Card nói.

9h55 – Không lực Một rời Sarasota

“Cửa máy bay còn chưa đóng chúng tôi đã bắt đầu lăn bánh”, Card nhớ lại. “Tổng thống và tôi đều không ngồi yên được một chỗ”.

Máy bay của Tổng thống gần như đã “bay thẳng lên, ngay độ cao hơn 14.000m”, Card hình dung. “Và chúng tôi bay theo đường zig-zag, chờ các máy bay chiến đấu đuổi theo”.

Ngay trên Không lực Một, một cuộc cãi vã diễn ra về việc nên bay đi đâu.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 8

Ông Bush và các trợ lý trên Không lực Một ngày 11/9/2001. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ)

“Tổng thống quát lên với tôi, nhưng tôi không quát lại. Ông ấy muốn quay về Washington, D.C. Tôi chỉ nói một cách bình tĩnh ‘tôi biết ngài muốn, nhưng tôi không nghĩ ngài muốn đưa ra quyết định đó vào lúc này’”.

“Ông ấy quát lên theo đúng nghĩa đen ‘Tôi là Tổng thống Hoa Kỳ! Chúng ta sẽ về Washington, D.C!’”

Cơ trưởng Mark Tillman nói: “Tôi không muốn quay về D.C cho đến khi tôi biết chúng ta có thể hạ cánh ở căn cứ không quân Andrews. Tôi không quan tâm việc ông ấy là Tổng thống. Tôi chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người trên máy bay này, bao gồm cả ông ấy, nên tôi sẽ không đặt ông ấy vào nguy hiểm’”.

Card cho biết, sau khi thảo luận về các phương án, họ đã quyết định căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana sẽ là lựa chọn tốt nhất ngay lúc đó.

9h59 – Tháp Nam Trung tâm thương mại thế giới sụp đổ

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 9

Người dân nhìn tòa tháp tại Trung tâm thương mại Thế giới bị sụp. (Ảnh: Reuters)

Tòa tháp đầu tiên sụp đổ trong số hai tòa tháp cao 110 tầng – một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Nhiều người chưa sơ tán kịp.

Thảm kịch diễn ra trên sóng trực tiếp khắp nơi trên thế giới, những người chứng kiến và các nhà báo đều sững sờ.

Trên Không lực Một, Card nghe thấy Tổng thống Bush cho phép không kích nếu có thêm bất cứ máy bay bị cướp nào khác.

“Phó Tổng thống hỏi rằng ông ấy có cho phép các phi công bắn hạ các máy bay thương mại không trả lời yêu cầu hạ cánh của FAA hay không”, Card nhớ lại, và cho biết Tổng thống đã đồng ý.

“Sau khi dập máy, ông ấy nói với tôi: ‘Tôi từng là phi công của vệ binh quốc gia, tôi không thể tưởng tượng nổi việc phải nhận chỉ thị đó sẽ như thế nào’”.

“Tôi rất ấn tượng vì ông ấy đồng cảm với những người phải đứng ở vị trí trực tiếp hành động”, Card nói.

Vài phút sau, máy bay thứ 4 rơi ở Pennsylvania.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 10

Một cảnh sát ngồi gần vị trí các tòa tháp, nơi được gọi là Ground Zero. (Ảnh: Reuters)

10h03 – Máy bay của United chuyến số 93 rơi ở Pennsylvania

Biết chuyện ở New York, hành khách trên chuyến bay bị cướp thứ 4 quyết định tự hành động.

Theo những gì được ghi lại trong hộp đen, sau khi họ tìm cách vào được buồng lái, một cuộc ẩu đả đã xảy ra. Các hành khách đã ép máy bay lao xuống thay vì tiếp tục tấn công vào một khu vực đông dân cư khác.

Kết quả, máy bay rơi ở một khu vực hẻo lánh ở Shanksville, Pennsylvania, cách Pittsburgh khoảng 128 km. Ông Card cho biết Tổng thống đã băn khoăn về việc liệu có phải chỉ thị của ông đã khiến các hành khách này phải bỏ mạng hay không, nhưng các máy bay chiến đấu chưa bắt kịp máy bay lúc này.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó.

10h28 – Tháp Bắc Trung tâm thương mại Thế giới sụp đổ

Khi hình ảnh tòa tháp cháy rực được phát trên các kênh truyền hình, người ta nhìn thấy những người chưa kịp sơ tán nhảy xuống trong nỗ lực cuối cùng để thoát khỏi hỏa ngục.

“Chúng tôi theo dõi trên truyền hình từ máy bay và không ai nói gì cả”, Card kể lại. “Mọi người nhảy ra khỏi tòa tháp... điều đó thật ám ảnh. Nó vẫn ám ảnh tôi đến ngày hôm nay”.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 11

Tổng thống Bush phát biểu từ căn cứ không quân Barksdale. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ)

Khi tòa tháp đổ sập lúc 10h28, đám mây bụi bê tông và thép bao trùm hàng km khắp khu vực Hạ Manhattan. Gần 2.800 người bị giết trong các vụ tấn công ban đầu, hàng trăm người khác chết vì bị thương và các tình trạng khác liên quan đến vụ tấn công ngày 11/9.

Buổi chiều

Sau hàng giờ ở căn cứ không quân Barksdale, tình hình vẫn chưa đủ an toàn để Tổng thống Bush quay về Washington. Ông ghi hình bài phát biểu tiếp theo với toàn quốc và lên đường đến căn cứ không quân Offutt ở Nebraska, nơi đặt Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ.

1h, bài phát biểu được phát sóng.

5h20, một tòa nhà khác của khu phức hợp Trung tâm thương mại Thế giới, cao 47 tầng, bị sập, nhưng tòa nhà này đã được sơ tán trước đó.

“Tổng thống lúc đó vẫn còn mệt”, Card nhớ lại. “Ông ấy muốn nói chuyện với người dân Mỹ, muốn họ thấy ông ấy đang làm việc của mình”.

Ông Bush và Không lực Một rời Nebraska về Washington lúc chiều muộn, dù các mối đe dọa về khả năng tấn công tên lửa xung quanh thủ đô vẫn còn hiện hữu.

“Mọi người trên máy bay rất lo... các máy bay chiến đấu theo sát chúng tôi để có thể can thiệp ngay lập tức. Các phi công ở gần đến mức độ chúng tôi có thể thấy mặt họ”.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 12

Ông Bush cùng các quan chức tại căn cứ không quân Offutt.

Không lực Một hạ cánh ở căn cứ không quân Andrews lúc 6h55 tối. Tổng thống và các trợ lý sau đó lên máy bay Marine One về Nhà Trắng.

Buổi tối

“Chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ”, Card kể lại. “Bạn có thể thấy khói bên ngoài Lầu Năm Góc. Tổng thống quay sang tôi và nói ‘đây là bộ mặt chiến tranh thế kỷ 21’”.

Sau đó, ông Bush có bài phát biểu tiếp theo trước toàn quốc từ phòng Bầu Dục vào 8h30 tối. Ông nói với người dân Mỹ: “Cuộc sống của chúng ta – tự do quý giá của chúng ta – đã bị tấn công”.

Card nói ông định kết thúc công việc khi Tổng thống đi ngủ lúc khoảng 9h30, 10h, nhưng không lâu sau, ông lại cùng với Tổng thống và Đệ nhất phu nhân phải xuống hầm trú ẩn dưới Nhà Trắng vì một mối đe dọa khác. Thông tin đó sau được báo lại là cảnh báo giả.

“Khi tôi về nhà, tôi đoán là khoảng 11h30 hoặc 12h”, Card nói. “Tôi cảm thấy mình thật may mắn. Nhưng 2.977 người đã chết trong ngày hôm đó và những người đã chết vì ngày hôm đó... Tôi muốn nhớ đến những người đã chết... điều chúng ta nợ những người đã hy sinh đó là nhớ về họ”.

“Nên tôi không cảm thấy sự gượng ép nào khi nói đừng quên... và bạn cũng đừng để tôi quên”.

Vụ tấn công 11/9: 90 phút ‘mãi mãi dừng lại’ trong lịch sử nước Mỹ - 13

Tòa tháp thứ hai sụp đổ tạo ra mây bụi bao trùm. (Ảnh: Reuters)

Phương Anh(Nguồn: NBC )
Bình luận
vtcnews.vn