• Zalo

Hiểm họa khủng bố IS ở Afghanistan liên hệ thế nào với Taliban?

Tư liệuThứ Sáu, 27/08/2021 11:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong bối cảnh Afghanistan hỗn loạn sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, Mỹ e ngại lực lượng này sẽ dung túng cho IS và chủ nghĩa khủng bố nói chung.

Taliban và IS đều bắt nguồn từ những chiến binh cực đoan Hồi giáo dòng Sunni tìm cách tạo ra những quốc gia độc tài theo luật Sharia hà khắc, và đều sẵn sàng sử dụng bạo lực để đạt được mục đích.

Tuy nhiên, hai lực lượng này lại là kẻ thù của nhau. Taliban đã đối đầu gay gắt với IS kể từ năm 2015 khi tổ chức khủng bố này lần đầu tiên mở rộng phạm vi địa lý ra ngoài Iraq - Syria và thành lập Nhà nước Hồi giáo - Tỉnh Khorasan (ISKP) ở Afghanistan.

Hiểm họa khủng bố IS ở Afghanistan liên hệ thế nào với Taliban? - 1

Taliban đối đầu gay gắt với IS kể từ năm 2015. (Ảnh: Getty Images)

Taliban là những ai?

Taliban nổi lên vào năm 1994 như một trong những phe đáng chú ý trong Nội chiến Afghanistan. Vào thời điểm đó, phần lớn thành viên của lực lượng này là sinh viên, họ lấy tên là Pashto. Nhiều người trong số họ là các chiến binh Mujahideen người Hồi giáo từng chiến đấu với sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980 .

Từ đó, một phong trào Hồi giáo theo chủ nghĩa Deobandi bắt nguồn từ các khu vực Pashtun ở miền Đông và miền Nam Afghanistan, lan tới tận miền bắc Pakistan. Mullah Mohammed Omar đã lãnh đạo Taliban chiếm tỉnh Herat, và sau đó là toàn bộ Afghanistan vào tháng 9/1996. Lực lượng này lật đổ chế độ Burhanuddin Rabbani, thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và đặt thủ đô ở Kandahar.

Taliban đã áp đặt chế độ cai trị chuyên chế tàn bạo và tàn sát những người chống đối, đàn áp phụ nữ và từ chối đề nghị của Liên hợp quốc để cung cấp lương thực cứu trợ cho những công dân chết đói. Sự cai trị của Taliban chấm dứt đột ngột vào tháng 12/2001 khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công. Đây là đòn trả đũa cho cuộc tấn công khủng bố của al-Qaeda nhằm vào trung tâm thương mại Thế giới ở thành phố New York, Mỹ, khiến 2.996 người thiệt mạng và 25.000 người bị thương.

Kể từ đó, các chiến binh Taliban tập hợp lại thành một lực lượng nổi dậy và tiếp tục chiến đấu nhằm chiếm lại Afghanistan.

Hiểm họa khủng bố IS ở Afghanistan liên hệ thế nào với Taliban? - 2

Taliban nổi lên vào năm 1994 như một trong những phe đáng chú ý trong Nội chiến Afghanistan. (Ảnh: AP)

IS mở rộng phạm vi tới Afghanistan

IS được thành lập bởi một kẻ cuồng tín người Jordan có tên Abu Musab al-Zarqawi vào năm 1999. Tổ chức này được thế giới biết đến sau khi đánh đuổi lực lượng Iraq ra khỏi các thành phố trọng yếu ở phía Tây đất nước này vào năm 2014. IS tiếp tục chinh phục các vùng đất ở miền Đông Syria trước khi đầu hàng ở các thành phố Mosul và Raqqa vào năm 2017 nhờ sự can thiệp của lực lượng quốc tế.

Tổ chức khủng bố Hồi giáo này thành lập ISKP ở tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan, vào tháng 1/2015. Để xây dựng lực lượng, họ tích cực tuyển mộ những người đào tẩu khỏi Taliban, đặc biệt là những người không hài lòng với việc lãnh đạo Taliban thất bại trên chiến trường. Điều này bắt nguồn cho mâu thuẫn giữa hai bên.

Hiểm họa khủng bố IS ở Afghanistan liên hệ thế nào với Taliban? - 3

IS được thành lập bởi một kẻ cuồng tín người Jordan có tên Abu Musab al-Zarqawi vào năm 1999. (Ảnh: Getty Images)

Loạt giao tranh kéo dài nhiều năm giữa các phe phái Taliban - IS

Sự hình thành của ISKP đã khiến thủ lĩnh Taliban là Mullah Akhtar Mohammad Mansour gửi thư cho người đứng đầu IS là Abu Bakr al-Baghdadi nhằm kêu gọi tổ chức Hồi giáo từ bỏ kế hoạch tuyển mộ các chiến binh bất mãn với Taliban. Ông Mansour nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc chiến nào ở Afghanistan đều nên được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Taliban.

Cuộc giao tranh đầu tiên giữa hai bên xảy ra vào tháng 6/2015. Tháng 11 cùng năm, hai phe riêng biệt của Taliban ở tỉnh Zabul xung đột về việc có đầu quân cho IS hay không.

Đến tháng 4/2017, hai bên nhiều lần xung đột do ISKP bắt 3 thành viên Taliban buôn bán thuốc phiện ở tỉnh Jowzjan, miền Bắc Afghanistan. Một cuộc giao tranh khác nổ ra vào tháng 5/2017 khi 22 tay súng bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ giữa hai bên dọc theo biên giới Iran.

Vào tháng 7/2018, Taliban phát động một cuộc tấn công đánh đuổi IS ra khỏi Jowzjan với sự tham gia của Phong trào Hồi giáo Uzbekistan.

Cuộc xung đột mùa hè năm đó kết thúc với thất bại lớn cho ISKP. Những kẻ khủng bố này sau đó liên tiếp bại trận trong các cuộc giao tranh trước khi bị Mỹ và quân đội Afghanistan tiêu diệt gần như hoàn toàn vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ước tính rằng vẫn còn 2.200 thành viên của ISKP hoạt động ở Afghanistan.

Vào tháng 2/2020, chính quyền Trump đã ký một hiệp định hòa bình với Taliban ở Doha, Qatar. Theo đó, lực lượng này cam kết sẽ ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan khác, bao gồm cả IS, ở Afghanistan.

Chủ nghĩa khủng bố có thể trỗi dậy từ một Afghanistan hỗn loạn

Hiện nay, Afghanistan lại một lần nữa rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Taliban tái chiếm thủ đô Kabul và tuyên bố đất nước trở lại thành Tiểu vương quốc Hồi giáo.

Chiến dịch tiến quân thần tốc của Taliban diễn ra sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 7 theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden, kết thúc cuộc chiến lịch sử kéo dài 20 năm của Mỹ tại quốc gia này. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phải từ bỏ dinh Tổng thống và chạy trốn sang Tajikistan.

Trước sự kiện này, ông Biden bày tỏ quyết tâm sẽ không để lại trách nhiệm trị an Afghanistan cho vị Tổng thống Mỹ thứ năm sau khi ông hoàn thành nhiệm kỳ mình tại Nhà Trắng. Bao gồm những vấn đề nảy sinh do niềm tin sai lầm vào quân đội Afghanistan, nơi mà Mỹ đã đầu tư gần 1.000 tỷ USD trong hai thập kỷ để ngăn chặn Taliban.

"Chúng tôi đã nhận thấy rằng lực lượng đó không thể bảo vệ đất nước... và điều đó (cuộc tiến công của Taliban) xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán", Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết.

Hiểm họa khủng bố IS ở Afghanistan liên hệ thế nào với Taliban? - 4

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Như đổ thêm dầu vào lửa trong khung cảnh hỗn loạn ở Kabul, 5.000 tù nhân vượt ngục đã thoát khỏi nhà tù Pul-e-Charki ở căn cứ không quân Bagram do người Mỹ quản lý. Trong số tù nhân bao gồm rất nhiều chiến binh IS và al-Qaeda, làm dấy lên quan ngại về các tổ chức khủng bố có thể một lần nữa hoàng hành ở Afghanistan

Tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đưa ra đánh giá thẳng thắn về thảm họa đang diễn ra: “Taliban là những kẻ khủng bố, và họ sẽ hỗ trợ những kẻ khủng bố khác. Nếu họ nắm quyền kiểm soát ở Afghanistan, tôi không nghi ngờ gì việc họ có thể cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, cho IS và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung. Và điều đó nói thẳng ra là một mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ”.

Trần Trang(Nguồn: The Independent)
Bình luận
vtcnews.vn