Ngôi sao này có khối lượng bằng khoảng 40% khối lượng của Mặt trời, đang di chuyển qua Dải Ngân hà với tốc độ gần 900.000 km/h.
Theo các nhà khoa học tới từ Đại học Warwick (Anh), ngôi sao trên là một sao lùn trắng, định tên là SDSS J1240 + 6710, có thành phần không bình thường. Sao lùn trắng là những thiên thể dày đặc đã cạn kiệt nhiên liệu hạt nhân.
Phần lớn sao lùn trắng có bầu khí quyển được cấu tạo gần như hoàn toàn từ hydro hoặc heli. Tuy nhiên, SDSS J1240 + 6710 dường như không chứa hydro và heli mà được cấu tạo bằng hỗn hợp bất thường của oxy, neon, magie và silicon. Bằng kính viễn vọng Hubble, nhóm nghiên cứu tìm thấy carbon, natri và nhôm trong khí quyển của ngôi sao này.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý về sự thiếu vắng của "nhóm sắt" bao gồm sắt, niken, crom và mangan trong SDSS J1240 + 6710. Sự thiếu vắng này cho thấy sao lùn trắng này chỉ trải qua một phần vụ nổ siêu tân tinh vốn không đạt tới điều kiện cần thiết để tạo ra các nguyên tố nhóm sắt.
"Ngôi sao này là duy nhất bởi nó có tất cả các đặc điểm chính của sao lùn trắng nhưng lại có vận tốc rất lớn và sự phong phú khác thường (về cấu tạo) của nó không có ý nghĩa gì khi kết hợp với khối lượng thấp của nó", Giáo sư Boris Gaensicke từ Khoa Vật lý, Đại học Warwick cho hay.
Theo chuyên gia này, trước đây các nhà nghiên cứu tin rằng một vụ nổ tân tinh sẽ tiêu diệt hoàn toàn một sao lùn trắng. Nhưng trong hơn chục năm qua, họ phát hiện một vụ nổ siêu tân tinh một phần có thể đốt cháy một sao lùn trắng nhưng không đủ để phá hủy hoàn toàn nó.
Trong trường hợp của SDSS J1240 + 6710, nó bị thổi bay khỏi người bạn đồng hành, bị xé toạc vật chất và bị bắn văng ra không gian sâu với tốc độ lớn.
"Kịch bản này sẽ giúp giải thích tốc độ, kích thước và bầu không khí kỳ quái của sao lùn trắng này", ông Gaensicke cho hay.
Bình luận