(VTC News) - Gia đình nạn nhân đã viết đơn gửi cơ quan công an đề nghị không khởi tố vụ án, không khám nghiệm tử thi, nhưng xét về luật, hành vi cô giáo có vi phạm hình sự?
Sau cái chết của nữ sinh L.T.P.H. (12 tuổi, học sinh lớp 6/7 trường THCS Phan Bội Châu, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TPHCM), cô giáo T.T.T.V. đã đến gia đình học sinh thắp hương và nói lời xin lỗi.
Bên cạnh đó gia đình nạn nhân đã viết đơn gửi cơ quan công an đề nghị không khởi tố hình sự vụ án, không khám nghiệm tử thi. Thế nhưng xét về luật, hành vi của cô giáo có vi phạm hình sự?
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng Luật Giải Phóng), hành vi của cô giáo V. có dấu hiệu của Tội vô ý làm chết người quy định tại điều 98 Bộ luật Hình sự: “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Tang lễ nữ sinh H. sau sự cố đáng tiếc xảy ra |
Các trường hợp được coi là vô ý phạm được quy định tại điều 10 Bộ luật Hình sự: “1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Qua phản ánh, cháu H. nói chuyện trong lớp nên cô bắt nằm trên bàn, lấy thước đánh vào mông cháu. Cháu khó thở, ngã từ trên bàn xuống, máu miệng và mũi chảy ra, tiểu ra quần, mắt trợn lên nhưng cô không đỡ cháu dậy.
Đến khi cháu H. xỉu, các bạn trong lớp đồng thanh la lên thì cô V. nghĩ cháu H. giả bộ, làm nũng nên không đưa vào bệnh viện ngay lập tức. Sau đó, cô mới đưa cháu xuống phòng y tế của trường.
Như vậy, sau khi đánh em học sinh này, trước những biểu hiện không bình thường về sức khoẻ của cháu, nhưng cô giáo quá chủ quan vì cho rằng cháu giả bộ, nên đã không đưa đi cấp cứu ngay tức khắc, gián tiếp dẫn đến cái chết cho cháu.
Tuy nhiên, để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, cần phải xác định mối quan hệ giữa nhân quả giữa hậu quả và hành vi. Tức thông qua kết quả giám định pháp y để xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết cho cháu là gì?
"Thông tin ban đầu cho biết em học sinh này có tiền sử bệnh động kinh từ nhỏ, nên có thể cái chết của em xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Trong trường hợp này, không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo"- luật sư Hưng nói.
Đơn đề nghị không khởi tố vụ án và không giám định tử thi của gia đình nữ sinh H. |
Luật sư Hưng phân tích, bởi lẽ pháp luật không buộc cô giáo phải nhận thức hành vi đánh vào mông của em học sinh là hành vi gây nguy hại cho xã hội và pháp luật cũng không buộc cô giáo phải thấy hoặc có thể thấy trước hành vi này là nguy hại cho xã hội.
Trong trường hợp khác, tại thời điểm cô giáo nhận thức được tình trạng sức khoẻ của em học sinh này là nguy hiểm, nhưng cô giáo bỏ mặc, không đưa cháu đi cấp cứu, trong khi có đủ điều kiện để đưa cháu đi cấp cứu, cô giáo có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định tại điều 102 Bộ luật Hình sự.
Có thể cô giáo V. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cái chết của em học sinh này là lời cảnh tỉnh cho công tác quản lý học sinh, sinh viên tại các trường học.
Chúng ta cần có cơ chế theo dõi đặc biệt cho những học sinh, sinh viên có tiền sử về bệnh tật nguy hiểm như động kinh, tim mạch…để tránh những hậu quả đau lòng có thể xảy ra.
Phan Cường
Bình luận