Kỳ 4: Xứ sở lạ lùng
Kể lại câu chuyện với phóng viên VTC News, “thánh phượt” Vừ Già Pó tâm sự, trong suốt hành trình lưu lạc một mình, không ngày nào anh không nghĩ về vợ con, về gia đình, lấy đó làm động lực để có thể vượt qua những thời điểm khó khăn, khắc nghiệt nhất.
Từ lúc độc hành, càng đi, anh càng nhận ra là mình bị lạc. “Ở những vùng đã qua, tôi lần đầu nhìn thấy những con người mà cử chỉ, điệu bộ, cũng như cách ăn mặc của họ rất khác lạ. Nhưng không lẽ quay trở lại. Tôi chỉ biết tiếp tục tiến theo con đường phía trước mặt mà không biết nó đang dẫn mình đến đâu”, Pó cho biết.
Đi khoảng 1 tháng nữa, anh biết trời đã vào cuối thu, đầu đông, bởi cảm giác có những trận gió lạnh, lá cây có chỗ bắt đầu vàng úa, và thỉnh thoảng lại có những cơn mưa rào rào bất chợt.
Ngôn ngữ bất đồng, nên khi gặp một người đàn bà bản địa đang gánh nước và hỏi đường về Khâu Vai, anh không làm cách nào để có thể miêu tả được quang cảnh ngôi nhà của mình, chỉ biết vẽ lên trên nền đất hình những dãy núi trải dài, liên tiếp nhau, rồi lấy tay chỉ chỉ lên đỉnh núi.
Như có vẻ hiểu được “tín hiệu” mà “thánh phượt” đưa ra, người đàn bà gật gật rồi lại chỉ thẳng về phía... mặt trời lặn. Lần này, chếch về hướng nam một chút.
Núi đá Mèo Vạc |
Pó lại lầm lũi đi và qua tiếp 2 ngày sau, đúng như người đàn bà đã chỉ, anh gặp núi thật sự. Lần này, núi đá trống trơn xám xịt, trùng trùng điệp điệp, không có cây cối, chỉ thấy cỏ dại mọc lay lắt ven đường, có vẻ giống như cao nguyên đá Đồng Văn. “Thánh phượt” Vừ Già Pó cứ theo con đường lớn, leo đến quả núi thứ 3 thì trời cũng xẩm tối, cộng thêm mây đen kéo đến ùn ùn, mưa trút nước. Không còn cách nào khác, anh tạt vào một hang đá nằm nghỉ.
Do cả ngày không xin được cơm, bụng đói meo, Pó thao thức mãi không ngủ được. Nhớ đến vợ mình là Ly Thị Lía cùng các con nhỏ, nhớ cảnh 2 đứa con trai út chạy lon ton xuống triền dốc đón bố mỗi khi anh đi làm nương rẫy về, anh cứ chảy nước mắt, chỉ mong trời mau sáng, tạnh mưa để tiếp tục cuộc hành trình.
Tuy nhiên, đến lúc trời sáng mà trời vẫn mưa rào rào, nước lũ trên đỉnh núi theo dòng chảy xuống ầm ầm, Pó đành ở lại thêm ngày nữa trong hang.
Sáng sớm hôm thứ 3, mưa vẫn không giảm, nhưng cái bụng thì réo sôi ùng ục, cảm giác tứ chi bải hoải không còn sức. Vừa đói vừa rét không chịu nổi, “thánh phượt” đội mưa bò ra ngoài đường cái tìm đồ ăn, lê lết thêm được một quãng ngắn nữa thì anh ngất xỉu.
Tỉnh dậy, Pó thấy mình được quấn chăn kín mít, và đang nằm cạnh bếp lửa, trong căn nhà gỗ trống hoác, chỉ có 1 cái ti vi nhỏ, bộ bàn ghế và chiếc tủ đựng quần áo, sắp xếp rất ngăn nắp. Lát sau nghe tiếng mở cửa lịch xịch, một đôi vợ chồng còn trẻ bước vào. Nhìn thấy anh đã tỉnh, họ mỉm cười và bê lên bát cháo thịt còn bốc khói nghi ngút. Đã lâu rồi, Pó mới có cảm giác ăn ngon miệng đến như thế.
Qua giao tiếp bằng cử chỉ, Vừ Già Pó tạm hiểu là sau tạnh mưa, đôi vợ chồng ấy đi qua đường và thấy Pó nằm ngất xỉu. Sờ vào mũi biết anh còn sống, họ đã đưa về nhà.
Hôm sau, anh xin phép được khởi hành. Nhìn thấy bộ đồ trên người qua mấy tháng đã rách tơi tả như xơ mướp, trời cũng chuyển lập đông, đôi vợ chồng trẻ tặng anh cái quần bò và một chiếc áo ấm, ra hiệu bảo anh mặc vào. Quá xúc động, bất giác anh bật khóc và ôm chầm lấy cả 2 người.
Anh vẫn giữ chiếc áo ấm được đôi vợ chồng trẻ tặng, như là một kỷ vật |
Ra khỏi nhà và đi tiếp mấy ngày nữa, “thánh phượt” mới biết mình đã lạc vào một xứ sở lạ lùng, mà như anh miêu tả : “Đàn bà ở đấy đeo nhiều vòng ở tay chân, đeo nhiều vòng ở cổ lắm, nên cổ nó dài quá, dài gấp đôi cổ người H’mông mình”.
“Đàn ông thì cũng quấn quần áo kín mít, quấn luôn cả khăn trên đầu. Nhưng tôi cũng thấy có rất nhiều ông không quấn khăn mà đầu cứ trọc lốc, có mấy cái chấm ở giữa trán, mặc áo màu vàng rộng thùng thình và cứ đi thành hàng thẳng, ngồi ven đường thì cũng thành một hàng, mỗi người cầm một cái bát cũng màu vàng...”, Pó cho biết.
Anh cười ngô nghê khi kể về những ngôi nhà mà anh vẫn thường xuyên gặp ở xứ sở ấy. Đó là những ngôi nhà cao, nhiều chỗ được xây lên rất mới, có cái màu trắng, có cái thì màu vàng óng ánh, nhưng cũng có cái trông rất cũ kỹ, ẩm mốc rêu phong, đặc điểm chung là tất cả đều có chóp nhọn hoắt, và trước cửa thì đều có những pho tượng được gọt đẽo với những hình thù, tư thế kỳ lạ.
Tôi biết, “thánh phượt” đã vượt qua biên giới Trung Quốc và phiêu bạt ở mảnh đất phật giáo Myanmar. Anh đang miêu tả về những ngôi chùa đã gặp trên đường, tả về sư sãi và cả tín ngưỡng phật giáo ở đây.
Vừ Già Pó đã băng qua đất phật giáo Myanmar Ảnh: internet |
Và ở xứ sở ấy, họ rất hiếu khách, coi người lạ đến nhà gõ cửa là một cái duyên, nên suốt 3 tháng ròng rã lang thang trên đất Myanmar, cứ đi theo đường lớn, Pó ít khi phải nhịn đói. Bởi cứ mỗi lúc gõ cửa nhà dân ra hiệu xin cơm, thì anh đều được thết đãi tử tế. Nhà nghèo có rau thì dọn cơm rau, nhà giàu có thịt cá thì dọn ra thịt cá, chỉ vào nồi cơm và ra hiệu Pó ăn no bụng thì thôi.
Họ còn cho anh quần áo để mặc đủ ấm trên hành trình đi về hướng tây, trong những ngày đông giá lạnh.
Không còn phải chịu cảnh đói rét, lại được ăn uống khá đầy đủ, cho nên anh dần dần có da có thịt trở lại, không như anh chàng còm nhom ốm yếu mấy tháng trước còn lao động khổ sai ở bên Trung Quốc nữa.
Và khi Pó nhìn thấy khắp nơi cây cối đâm chồi nảy lộc, xanh mơn mởn, có cả ánh nắng chan hòa trên đường đi, thỉnh thoảng lại có những cơn mưa phùn lất phất, thì anh biết mình đang ở giữa mùa xuân, và tiếp tục đi đến một xứ sở kỳ lạ khác.
Còn tiếp...
Hải Minh
Bình luận