"Mãi chưa tìm thấy chú ạ, anh buồn lắm, lực lượng bên anh đã cố gắng hết sức rồi”, vị Thượng tá mở đầu câu chuyện với chúng tôi với giọng thật buồn khi được hỏi vì cuộc tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ của vụ thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết người rồi ném xác xuống sông Hồng phi tang gây rúng động dư luận năm 2013.
Là người chỉ huy lực lượng phương tiện và trực tiếp tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân Huyền ngay từ ngày xảy ra vụ việc, Thượng tá Nguyễn Văn Cương – Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68), công an TP Hà Nội cho biết, từ khi được vào ngành cảnh sát, bản thân ông chưa gặp vụ án nào dã man, cũng chưa thực hiện cuộc tìm kiếm thi thể nào tốn công sức, huy động nhiều lực lượng tham gia mà kết quả lại vô vọng đến như vậy.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, công an Hà Nội trực tiếp chỉ huy và tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân vụ Cát Tường trên sông Hồng.
Bình tĩnh trong chốc lát, vị Thượng tá nhớ lại cuộc tìm kiếm từ một cuộc điện báo bất thường của lãnh đạo đơn vị khi ông và lực lượng đang tham gia diễn tập với các nước Asean.
“Chiều 20/10/2012, tôi nhận được điện thoại của đơn vị và các đồng chí bên cơ quan điều tra, thông báo có một vụ án mạng vừa xảy ra tại thẩm mỹ viện, thi thể nạn nhân đã bị hung thủ ném xuống sông Hồng, đề nghị lực lượng PC68 thực hiện các phương án tìm kiếm thi thể, tôi rất bàng hoàng” – Thượng tá Cương nhớ lại.
Với kinh nghiệm của một cảnh sát điều tra lâu năm trước khi chuyển sang làm CSGT đường thủy, Thượng tá Cương nén cảm xúc, nghe thông báo rõ sự việc và bắt đầu đưa ra những nhận định ban đầu, hình thành các phương án tìm kiếm.
“Lúc đó, tôi tập trung xác định các thông tin liên quan đến khu vực nạn nhân bị ném, thi thể bị ném trong tình trạng nào, thời gian nào để xác định mực nước, thủy triều lên xuống… để đưa ra những nhận định, khoanh vùng và chuẩn bị các phương án tìm kiếm” – Thượng tá Cương cho biết.
Theo ông Cương, thi thể của người đã chết trước khi bị ném xuống nước khác với người tự tử, bởi người tự tử trước khi chết bao giờ cũng chấp chới giữa sống và chết nên sự sống trỗi dậy, trong phổi có nước nên dễ nổi hơn.
Thủ phạm Nguyễn Manh Tường (áo trắng) chỉ nơi ném thi thể chị Huyền xuống sông Hồng tại khu vực cầu Thanh Trì.
Trong trường hợp này, thi thể nạn nhân đã chết, đã cứng thì khi ném xuống nước sẽ trôi xiết và lặn xuống đáy như một khúc gỗ. Mặt khác, thi thể vừa lấy mỡ bụng nên nhanh tiêu hủy, độ trương kém đi nên khả năng nổi là chậm hơn nếu không gặp vật cản.
Từ những nhận định đó, một mặt, Thượng tá Cương huy động lực lượng tuần tra bằng ca-nô dọc trên mặt nước xung quanh khu vực cầu Thanh Trì, đồng thời chuẩn bị phương án nhờ thợ lặn và dùng lưỡi câu xác ở dưới đáy sông nếu việc tìm kiếm trên mặt nước không mang lại hiệu quả.
Suốt những ngày lênh đênh trên mặt nước tìm kiếm, đi đến đâu gặp người dân sống bằng nghề chài lưới, Thượng tá Cương đều dừng lại trao đổi, hỏi han kinh nghiệm sông nước đồng thời nhờ để ý phát hiện thi thể nổi và hỗ trợ lực lượng, đảm bảo công tác tìm kiếm được diễn ra liên tục 24/24.
“Khi gặp họ, tôi chia sẻ kinh nghiệm và động viên với những người dân rằng nghề của mình là nghề sống nhờ sông nước, trước mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân cần mọi người tham gia tìm kiếm, nếu phát hiện sớm thi thể, đó cũng là một điều tốt và an ủi phần nào nôi đau của họ.
Đặc điểm của đoạn sông Hồng tại khu vực cầu Thanh Trì là thủy triều lên, nước chảy ngược vào buổi trưa, tôi nói việc này với một người chài lưới lâu năm, sau đó ông này quyết định dùng thuyền của gia đình, mở hướng tìm kiếm về phía thượng lưu mà không đòi hỏi tiền xăng dầu hay công sá gì” – Thượng tá Cương kể và nhận xét rằng, người dân sống bằng nghề chài lưới trên sông Hồng hết sức tình cảm và hỗ trợ rất lớn cho lực lượng chức năng.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương (áo trắng) trong một lần tuần tra tìm thi thể trên sông Hồng.
3 ngày, 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày… rồi lâu hơn nữa, các phương án tìm kiếm liên tiếp được thay đổi, từ rà trên mặt nước, huy động thợ lặn xuống đáy, rà móc câu trên toàn tuyến… đều được sử dụng một cách tối đa nhưng thi thể nạn nhân vẫn bặt vô âm tín, bao nhiêu hy vọng, chờ đón trở thành sự vô vọng và đau đớn.
Nói đến đây, Thượng tá Cương lặng mình một lúc rồi kể lại lần ông nằm ngủ mơ thấy thi thể chị Huyền nổi.
Đó là khoảnh khắc vào lúc rạng sáng, cách ngày thi thể chị Huyền bị ném xuống sông chừng hai tuần. “Hôm đó tôi mơ thấy thi thể chị Huyền nổi ở khu vực bến đò Văn Đức nên nảy sinh nhiều nghi vấn, sáng ra tôi vội gọi anh em khẩn trương đến khu vực đó tìm kiếm và cũng phát hiện một thi thể, tưởng rằng đó đã là thi thể chị Huyền nhưng khi xác minh kỹ, thi thể là một nam giới” – Thượng tá Cương kể.
Một lần khác, vị Thượng tá nhận được thông tin về một thi thể nổi trên sông Hồng, cách khu vực cầu Thanh Trì chừng 300m.
“Thi thể này có hình dạng giống người phụ nữ, hai tay và hay chân giơ lên, áo nền trắng chấm đen, quần âu mà xám… phù hợp với các đặc điểm nhận dạng của chị Lê Thanh Huyền do cơ quan điều tra cung cấp. Tôi đã nghĩ rằng đó là thi thể của nạn nhân vụ Cát Tường cho đến khi có kết quả xác minh, thi thể là một người khác” – Thượng tá Cương kể lại.
Rồi tiếp sau đó, khi quần chúng nhân dân báo thông tin về một thi thể nổi ở khu vực cầu Yên Lệnh, Hưng Yên. Lần đó, Thượng tá Cương cùng lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự tức tốc lên hiện trường bằng đường bộ với cảm giác lo lắng.
Mặc dù lực lượng chức năng và gia đình đã huy động tối đa phương tiện và lực lượng để tìm kiếm song thi thể nạn nhân vẫn chưa tìm thấy.
“Lúc đó rất nhiều phóng viên báo chí điện thoại cho mình để hỏi thông tin, mình chưa dám chắc để trả lời và nói là phải chờ đến khi trực tiếp có mặt, đến nơi thì không phát hiện ra thi thể nào nên phải thông báo lại trong sự tiếc nuối” – Vị Thượng tá cho hay.
Theo nhận định Thượng tá Nguyễn Văn Cương, đến thời điểm hiện tại thi thể chị Huyền đã nằm dưới đáy sông và bị đất cát vùi lấp.
Đến bây giờ thì thi thể đã phân hủy, đã bị mục ruỗng, chỉ còn xương thì không thể nổi. Nếu tiếp tục các phương pháp đã sử dụng thì không thể tìm thấy, hiện công tác tìm kiếm đã tạm dừng lại.
Suốt thời gian làm CSGT đường thủy, chưa có một sự việc nào khiến mình tốn công sức, huy động nhiều phương tiện lực lượng như vậy mà kết quả không đạt được, đây là một cuộc tìm kiếm dày công nhất từ trước đến nay.
“Anh em đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không như mong muốn thực sự là một điều đáng tiếc và đáng buồn” – Vị Thượng tá nghẹn lời.
Sáng 14/1, tại Trại giam Công an Hà Nội, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tống đạt Bản kết luận điều tra số 105 KLĐT/PC45-DD ngày 13/01/2014. Căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Mạnh Tường là người trực tiếp gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, bơm ngực tại Thẩm mỹ Cát Tường vào chiều 18/10/2013. Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về tội: “vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 Bộ luật hình sự (BLHS) và tội “xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo điều 246 BLHS. Đồng phạm của Tường là Đào Quang Khánh bị đề nghị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS. Với các tội danh bị đề nghị truy tố, bị can Tường đối diện với mức án cao nhất là 22 năm tù, bị can Khánh là 8 năm tù. |
Bình luận