• Zalo

Vụ bố đánh chết con: Người vợ hờ có là đồng phạm?

Pháp luậtThứ Năm, 20/03/2014 04:00:00 +07:00

(VTC News) – Không can ngăn, tố giác mà người phụ nữ này tiếp tục tham gia đánh cháu Lộc đến lịm đi thì có dấu hiệu cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm.

(VTC News) – Theo lời khai của kẻ thủ ác đánh chết con mình, người vợ “hờ” của hắn có tham gia vào việc hành hung cháu bé, vậy người phụ nữ này có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?

Như VTC News đã đưa tin, cháu Đỗ Doãn Lộc (8 tuổi, trú tại phường Tiền An, TP Bắc Ninh) đã tử vong tại bệnh viện Việt Đức sau khi bị chính bố đẻ của mình là Đỗ Văn Lợi (SN 1968) đánh đập.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, Lợi cho biết, ngày 15/3, vợ “hờ” của Lợi tên là Hà kêu mất 20.000 đồng. Kêu xong, Hà nhào vào đánh cháu Lộc vì cho rằng cháu là thủ phạm. Để tìm số tiền của mình, người đàn bà này đã túm tóc tát và đánh bé Lộc khiến bé bị ngã xuống đất. Thấy vậy, không những không can ngăn cô vợ “hờ”, Lợi tuyên bố: “Con tôi để đấy tôi dạy”.

Sau đó, Lợi lấy thang giường vụt tới tấp vào người đứa trẻ tội nghiệp. Thanh thang giường bị gãy làm nhiều khúc do những cú đánh mạnh. Đau đớn và sợ hãi vì bị 2 người lớn dồn đánh, bé Lộc vừa khóc vừa van xin, chạy nép vào một góc tủ.

Theo lời khai của Lợi tại cơ quan điều tra, cùng lúc ấy, cô vợ “hờ” của anh ta tung cú đá khiến bé Lộc ngã ngửa đập đầu xuống đất. Cú đòn này đã khiến bé Lộc lên cơn co giật rồi lịm đi. Nhận thấy bé Lộc không còn phản ứng, Lợi hốt hoảng và gọi điện báo người nhà tới đưa bé đi cấp cứu.

Người thân đưa cháu Lộc về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Như vậy, ngoài Lợi, cô vợ “hờ” của anh ta cũng có tham gia việc hành hung cháu Lộc. Để phân tích hành vi của người phụ nữ này dưới góc độ pháp luật, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao, Công ty Luật hợp danh FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng).


 

Không những không can ngăn, tố giác mà người phụ nữ này tiếp tục tham gia đánh cháu Lộc đến lịm đi thì rất rõ dấu hiệu có sự cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm.

Luật sư Lê Cao
 
- Nhiều tình tiết của vụ việc cho thấy người 'vợ hờ' của Lợi đã không can ngăn, tố giác hành vi của Lợi mà còn đá vào người khiến cháu Lộc co giật, lịm đi. Hành vi của người phụ nữ này
sẽ bị xử lý thế nào?

Về phương diện pháp lý, nếu những thông tin nói trên là sự thực khách quan thì có cơ sở để điều tra người phụ nữ cùng Lợi đánh cháu Lộc với vai trò đồng phạm của Lợi. Những miêu tả nói trên cho thấy có dấu hiệu người phụ nữ được gọi là “vợ” của Lợi đã cùng với Lợi thực hiện một tội phạm.

Hành vi được biểu lộ ra khách quan thể hiện người phụ nữ này đã cùng Lợi cố ý đánh cháu Lộc. Nếu như vì nghi ngờ cháu Lộc, người phụ nữ có hành vi đánh cháu nhưng chưa đến mức độ cấu thành tội phạm mà dừng lại, không tham gia cùng Lợi trong việc đánh đập tàn độc cháu Lộc sau này, đồng thời có thái độ can ngăn hành vi đánh đập của Lợi thì dấu hiệu đồng phạm có thể không còn.

Ngược lại, không những không can ngăn, tố giác mà người phụ nữ này tiếp tục tham gia đánh cháu Lộc đến lịm đi thì rất rõ dấu hiệu có sự cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm.

- Như vậy cần phải khởi tố bị can đối với người vợ “hờ” của Lợi để trừng phạt tội ác mà hai người này đã gây ra đối với cháu Lộc?

Cho đến nay, về phương diện thông tin, chứng cứ cũng như các vấn đề khác liên quan đến vụ án tôi không có điều kiện tiếp cận.

Do đó, chỉ bàn ở khía cạnh lý luận pháp lý như đã phân tích ở trên. Nếu qua điều tra, cơ quan điều tra làm rõ được đúng là có người khác đã cùng với bị can Lợi hành hạ, đánh đập cháu Lộc dẫn đến hậu quả đau lòng như thế và xét thấy đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cần khởi tố bị can để điều tra làm rõ.

Tất nhiên vụ án đang trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có thể khởi tố thêm bị can nếu phát hiện tội phạm.
Chân dung kẻ thủ ác đánh chết con mình. Ảnh ANTĐ. 

- Lợi bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”, tội danh này đã thỏa đáng chưa, thưa ông?

Qua mô tả trên phương diện thông tin báo chí cung cấp thì tôi nghĩ việc Cơ quan điều tra khởi tố bị can Lợi về tội “Cố ý gây thương tích” là có cơ sở của họ.

Hậu quả “chết người” có thể do hành vi cố ý gây thương tích gây ra. Ngược lại cũng có trường hợp có người phạm tội giết người nhưng hậu quả không phải bắt buộc phải có người chết.

Tất nhiên, việc đánh giá tiến trình tố tụng vào lúc này với phương diện bàn luận ở đây chỉ có thể ngang đến các khía cạnh lý luận như vậy. Mong cơ quan điều tra sớm làm rõ vụ việc để trừng trị các hành vi bạo hành tàn độc đối với những trẻ em rất đáng thương như cháu Lộc.

- Từ sự việc trên, cần phải có thêm chế tài gì để bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành hiện nay?

Việt Nam đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Pháp luật hình sự, Hành chính ... và hàng loạt các văn bản làm cơ sở để quyền trẻ em được bảo vệ.

Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên từ năm 1990 đã tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chúng ta cũng thường có những chương trình hành động, những phong trào rầm rộ phát động bảo vệ trẻ em...

Thế nhưng như vụ em Lộc bị bạo hành, hay nhiều vụ bạo hành trẻ em chấn động trước đây việc trẻ em bị bạo hành không chỉ tức thời, một lần mà đã kéo dài nhưng không được ngăn chặn, không thấy sự chia sẻ từ nguồn cội tội ác trong từng thôn, làng, tổ dân phố...

Trẻ em bị đánh đập, hành hung nhưng nhiều trường hợp người dân xem như chuyện ngoài lề, lạnh lùng mặc kệ. Như thế rõ ràng chúng ta thực thi các quy định pháp luật về quyền trẻ em một cách hời hợt, không hiệu quả.

Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của riêng ai có con em mình, trách nhiệm của chính quyền, xã hội và ý thức bảo vệ trẻ em của cộng đồng là một phần không nhỏ khiến hàng năm ở nước ta thống kê được trên hàng ngàn trường hợp bị bạo hành.

Cần phải nâng cao tính hiệu quả trong công tác phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em hiện nay, để công cụ pháp luật thực sự phát huy hiệu năng của mình, và cũng để làm sao xã hội không làm ngơ, lãnh cảm với những nỗi đau của mầm non hạnh phúc gia đình, tương lai của đất nước.

Nguyễn Dũng(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn