• Zalo

Vụ án đào mộ, trộm thi thể chấn động Trung Quốc: Lần tìm thủ phạm

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 07/07/2022 10:11:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo cảnh sát, hài cốt của Lý Trình Bân liên quan đến một loạt các vụ “trộm xác và hỏa táng” ở tỉnh Sơn Đông.

Ngày 5/5/2019,  anh em họ Lý lái xe đến thành phố Thương Khâu ở tỉnh Hà Nam, nơi họ tìm thấy Lưu Kim Hoa ở một khu chợ trên phố. Khoảng giữa trưa, họ đưa anh ta đến trung tâm viễn thông di động và yêu cầu anh ta kiểm tra hồ sơ cuộc gọi.

                               Vụ án đào mộ, trộm thi thể chấn động Trung Quốc

Hồ sơ cho thấy từ 11 giờ đêm 29/3/2019 đến 1 giờ sáng hôm sau, Lưu đã tương tác với cùng một số năm lần - gọi bốn lần và được gọi lại một lần.

Chôn xuống, đào lên

Số điện thoại đó quen thuộc với nhiều người ở thị trấn Ngỗ Lâu - nó được in trên biển hiệu của một phòng tang lễ. Đó là số của Lưu Xuân, tài xế xe tải phục vụ hỏa táng, người không có quan hệ gì với Lưu Kim Hoa.

Vụ án đào mộ, trộm thi thể chấn động Trung Quốc: Lần tìm thủ phạm - 1

Một chiếc xe của dịch vụ hỏa táng đỗ bên đường ở thôn Lý Trang, tỉnh Sơn Đông

Việc này khiến anh em nhà Lý đi đến một kết luận: Qua điện thoại, Lưu Kim Hoa đã thảo luận về việc khai quật một thi thể, rất có thể là của cha họ.

Lưu Kim Hoa đã xác nhận điều đó. Anh ta nói một ngày trước khi ông Lý Trình Bân được hỏa táng, Lưu Xuân gọi điện yêu cầu anh ta khai quật một thi thể với giá 1.200 nhân dân tệ. Sáng sớm hôm sau, Lưu Kim Hoa, cùng với anh rể và Lưu Xuân, lái xe đến khu mộ.

 “Khi chúng tôi đến đó, ngôi mộ trông rất quen thuộc. Tôi nhận ra đó là một thi thể mà tôi đã giúp chôn cất”, Lưu Kim Hoa nói. “Tôi đã nói với Lưu Xuân rằng tôi sẽ không đào lên. Tôi đã chôn người này”.

Lưu Xuân nói: “Không sao đâu. Tất cả đều đã được thỏa thuận”.

Theo Lưu Kim Hoa, không có thành viên gia đình hoặc cảnh sát có mặt tại ngôi mộ, nhưng bí thư thôn Lý Trang Vương Linh đã ở đó. Theo phong tục, một thành viên trong gia đình sẽ đào trước, trước khi một thi thể được khai quật. Lưu Kim Hoa nói: “Tôi không dám bắt đầu nếu không có gia đình”.

Thấy vậy, bí thư thôn Vương Linh nhảy vào, bổ nhát cuốc đầu tiên để “khai mạc” màn quật mồ ông già Lý Trình Bân.

Ông Lý qua đời vào mùa đông và thi thể của ông được khai quật vào ngày 30/3/2019, trước khi mặt đất tan băng. Lưu Kim Hoa kể lại rằng khi quan tài được mở ra, thi thể trông “không thay đổi”. Những người đàn ông lấy cái xác ra, gói chặt trong túi nhựa, mang đến xe của Lưu Xuân và lái đi.

“Anh rể tôi nói với tôi rằng Vương Linh đã hỏi anh ấy: “Đó là đàn ông hay phụ nữ?”, Lưu Kim Hoa kể và nói thêm rằng Vương Linh dường như có nhiều hơn một thẻ căn cước. “Nếu không, không có lý do gì anh ta hỏi. Anh ta đã làm một cái khác (giấy chứng nhận hỏa táng)”.

Không giống như Lưu Kim Hoa, Lưu Xuân vẫn kín tiếng về việc khai quật thi thể của Lý Trình Bân. “Tất cả đều là do bí thư thôn,” anh ta nói. “Anh ta đã sắp xếp để chúng tôi sử dụng chiếc xe tải. Tôi chỉ làm việc vận chuyển. Tôi không quan tâm đến những thứ này ... Bí thư đã đi theo xe tải của tôi”.

Theo anh rể của Lưu Kim Hoa, Vương Linh đã sử dụng chứng minh thư của một người đã chết khác và ký các giấy tờ cho tang quyến. Sau khi hỏa thiêu thi thể, Vương Linh được cho là đã mang tro cốt đi.

Lưu Xuân cho biết tro đã ở trong xe của anh trong một thời gian ngắn. Anh nói: “Khi tôi quay lại (lò hỏa táng), bí thư đã đưa số tro cốt đi. Chúng không được trao cho gia đình, bí thư đã mang chúng đi”.

Lượng nói tro cốt của Lý Trình Bân cuối cùng đã được thu hồi với sự phối hợp của anh. Lượng khuyên ba anh em họ Lý chôn tro, nhưng điều này chỉ khiến Trình Đức bực bội: "Làm sao chúng tôi có thể chắc chắn rằng tro đó là của cha tôi?"

Thanh Hoa, người con thứ, thậm chí đã gọi điện đến trung tâm xét nghiệm lớn nhất ở tỉnh Sơn Đông để xin lời khuyên nhưng được thông báo rằng không thể xét nghiệm ADN từ tro cốt.

Vụ án đào mộ, trộm thi thể chấn động Trung Quốc: Lần tìm thủ phạm - 2

Bên trong một cơ sở hỏa táng ở Trung Quốc

Ngày 26/7/2019, một vài tuần sau cuộc đối đầu giữa anh em nhà Lý với Lưu Kim Hoa, chủ tịch thị trấn Ngỗ Lâu đã cố gắng đàm phán với sự có mặt của anh em họ Lý, Lý Lượng và bản thân ông. Vương Linh vắng mặt.

Trình Đức nói: “Tôi cũng đã ký một cam kết nói rằng tôi sẽ để mọi việc được yên. Nếu tôi kiện một lần nữa, tôi sẽ phải nộp phạt gấp ba lần tiền bồi thường”. Nhưng vẫn không thể xác định được tro cốt kia có phải của bố mình hay không, anh em họ Lý bắt đầu đi tìm kiếm sự thật đằng sau ngôi mộ trống của cha họ.

Trình Đức nói: “Ngay cả khi tôi phải trả lại 240.000 nhân dân tệ, tôi vẫn sẽ tiếp tục. Ông ấy là cha của chúng tôi!”

Cảnh sát vào cuộc điều tra

Anh em nhà Lý cuối cùng đã đưa Lưu Kim Hoa đến công an huyện Tào để báo cáo vụ việc.

Theo Trình Đức, chỉ sau 10 phút tại đồn công an, Lưu Kim Hoa đã thú nhận. Và cảnh sát nói với anh ta rằng Lưu Kim Hoa sau đó cũng khai ra Lưu Xuân, người sau đó lại khai ra Vương Linh.

Ngày 29/4/2020, cảnh sát mở một cuộc điều tra về hành vi trộm xác ông già Lý Trình Bân. Lý Phúc Lợi, cảnh sát xử lý vụ án ở huyện Tào, người không có quan hệ gì với gia đình họ Lý, nói với các con trai ông Lý Trình Bân rằng Lý Lượng, Vương Linh và Lưu Xuân là những kẻ tình nghi.

Theo cảnh sát Lý Phúc Lợi, hài cốt của Lý Trình Bân liên quan đến một loạt các vụ “trộm xác và hỏa táng”.

Ngày 19/8/2020, Lý Phúc Lợi xác nhận qua điện thoại rằng các biện pháp tố tụng đã được tiến hành đối với ba nghi phạm. Cảnh sát nói rằng khi họ làm sáng tỏ vụ trộm thi thể Lý Trình Bân, người bị nghi ngờ tổ chức làm giấy chứng nhận hỏa táng mang tên ông Lý Trình Bân đã được xác định, đó là Lý Lượng.

Vương Linh là nghi phạm trong vụ trộm hài cốt Lý Trình Bân, trong khi Lượng bị tình nghi đánh cắp một thi thể khác, được hỏa táng thay cho thi thể Lý Trình Bân. “Ăn trộm thi thể cấu thành tội phạm”, cảnh sát Lý Phúc Lợi nói.

Chiến dịch hỏa táng

Trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy các cải cách tang lễ, các tỉnh như An Huy, Sơn Đông và Sơn Tây đã bị chỉ trích vì các chiến dịch khắc nghiệt.

Năm 2017, Sơn Đông là một trong những tỉnh đầu tiên được trung ương chọn làm địa điểm thí điểm cải cách tang lễ. Trong vòng một năm, các thành phố trong tỉnh đua nhau tăng tỷ lệ hỏa táng. Sau cuộc họp vào tháng 5/2018 tại thành phố Hà Trạch về cải cách tang lễ toàn diện, tờ Tề Lỗ Vãn Báo đưa tin ngày 1/8/2019, rằng tỷ lệ hỏa táng chung của thành phố đã tăng 21,5 điểm phần trăm lên 84,7% vào năm 2018 và trong nửa đầu năm 2019 , chạm 100%.

Vụ án đào mộ, trộm thi thể chấn động Trung Quốc: Lần tìm thủ phạm - 3

Nhiều người già ở nông thôn Trung Quốc vẫn muốn được mai táng theo cách truyền thống

Một số thị trấn thậm chí còn bị dán nhãn là “chậm tiến”. Ngày 27 /3/2019, Đài truyền hình huyện Tào đưa tin rằng thị trấn Phổ Liên Tập, Đào Nguyên, quận Tào Thành và thị trấn Hàn Tập “tụt hậu” trong công tác cải cách tang lễ trong gian đoạn 1-21/3/2019.

Sức nóng của chiến dịch đã lên đến mức sự kiện khai quật và hỏa táng đầu tiên ở thị trấn Ngỗ Lâu được tổ chức kèm với một cuộc mít tinh công khai. Và theo Lưu Kim Hoa, các quan chức của thị trấn Ngỗ Lâu, đại diện cảnh sát huyện Tào và tang quyến đã tham dự.

Theo Lý Lượng, người anh họ bị tình nghi, áp lực cũng đã tăng lên đối với thị trấn Ngỗ Lâu. Anh ta nói rằng sau Tết Nguyên đán 2019, chính quyền thị trấn đã giao nhiệm vụ phải đạt được hạn ngạch hỏa táng theo yêu cầu.

Lượng cũng nói rằng hơn 20 thi thể đã được khai quật và hỏa táng ở thị trấn Ngỗ Lâu từ đầu Tết Nguyên đán năm 2019 đến Lễ Tảo mộ. Lượng nói rằng nếu ai đó đã chết và được chôn cất trong bí mật, gia đình buộc phải có giấy chứng nhận hỏa táng. "Nếu anh không thể xuất trình giấy chứng nhận hỏa táng, anh sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Một quan chức của chính quyền thị trấn Ngỗ Lôi mang họ Trương cho biết vào đầu năm 2019, một chính sách mới đã được đưa ra nhằm thay đổi các phong tục xã hội truyền thống. Ông nói người ta đã tiến hành kiểm tra bí mật đối với các gia đình có người chết, nhưng ông không biết về việc thi thể bị đánh cắp và sau đó được hỏa táng. Ông nói: “Chính quyền thị trấn không rõ lắm về những gì đang diễn ra trong các ngôi làng”.

Một người dân trong làng, không muốn nêu danh tính, nói một trong các gia đình có người thân “được” khai quật công khai để hỏa thiêu là vì “gia thế kém”. Theo báo cáo, gia đình này có hai cô con gái, cả hai đều đã lấy chồng xa, giao lại cho một người nông dân lớn tuổi và vợ ông lo việc tang ma của cha mẹ.

“Một gia đình như vậy không đủ khả năng mua giấy chứng nhận hỏa táng - đó là đối tượng họ (giới chức) chọn (để tăng tỷ lệ hỏa táng). Nếu là dòng họ có ảnh hưởng thì gia đình đó sẽ trả tiền nên phần mộ người thân sẽ không bị động đến ”, người không muốn nêu tên nói.

Theo các nhân viên của nhà hỏa táng huyện Tào, các thi thể được gửi đến họ thường phải qua xác minh trước khi hỏa táng. Nhưng Lưu Xuân, một trong những nghi phạm trong vụ án hỏa táng, nói: "Đó chỉ là hình thức”.

Nguyễn Xuân Thủy
Bình luận
vtcnews.vn