Trả lời câu hỏi “Hiện vấn đề bản quyền giải Ngoại hạng Anh đang rất nóng với thông tin K+ (VSTV) tiếp tục độc quyền Ngoại hạng Anh thông qua việc mua bản quyền từ Canal Plus (sở hữu 49% vốn điều lệ của K+). Tuy nhiên VTV (sở hữu 51% vốn điều lệ của K+) ban đầu xác nhận không biết gì về thương vụ này. Phải chăng VTV không có đủ thẩm quyền để can thiệp vào việc Canal Plus chuyển nhượng bản quyền Ngoại hạng Anh cho liên doanh K+?”, luật sư Sơn nói: “Tôi cũng mới biết được thông tin này qua các phương tiện truyền thông.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, giao dịch giữa công ty với thành viên phải được hội đồng thành viên công ty chấp thuận với đại diện ít nhất 75% tổng số vốn có quyền biểu quyết thông qua. Tôi cho rằng VTV là thành viên sở hữu 51% vốn điều lệ đương nhiên phải biết rõ mình có quyền, nghĩa vụ như thế nào đối với giao dịch này”.
* Như vậy theo Luật doanh nghiệp, trong mọi trường hợp, để K+ có thể thực hiện mua bản quyền với Ngoại hạng Anh từ Canal Plus dù với giá tượng trưng 1 USD, nhất định phải được VTV chấp thuận?
- Đúng vậy. Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 59 của Luật doanh nghiệp thì trước khi thực hiện giao dịch này, người đại diện theo pháp luật của K+ phải gửi dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch đến các thành viên công ty.
Hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự đồng ý của số thành viên đại diện ít nhất 75% tổng số vốn có quyền biểu quyết.
Thành viên có liên quan trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết. Như vậy, trong trường hợp này, Canal Plus là thành viên liên quan trong giao dịch nên không có quyền biểu quyết, chỉ có VTV - thành viên còn lại của K+ - có quyền quyết định việc K+ có được phép mua bản quyền Ngoại hạng Anh hay không.
* Theo thông tin từ báo An Ninh Thủ Đô ngày 25-2, từ khi ra đời, K+ chưa bao giờ có lãi, trung bình mỗi ngày K+ lỗ hơn 1 tỉ đồng. So với các đơn vị cùng kinh doanh truyền hình trả tiền, K+ là đơn vị chiếm thị phần nhỏ nhất (khoảng 400.000 thuê bao) song lại có cước phí cao nhất. Nếu trong trường hợp Canal Plus không bán bản quyền Ngoại hạng Anh cho K+ mà sử dụng giá trị bản quyền để góp vốn vào liên doanh thì vấn đề sẽ thế nào?
- Tôi đã đọc bài báo này và được biết nội dung nêu trên. Việc Canal Plus góp vốn vào liên doanh bằng giá trị bản quyền phải được thành viên còn lại của K+ chấp thuận và được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn. Trong trường hợp này, nếu chấp thuận, nhiều khả năng VTV phải góp thêm vốn tương ứng để đảm bảo vẫn tiếp tục nắm cổ phần chi phối trong liên doanh.
Hãy mường tượng rằng việc K+ tiếp tục lỗ như vậy mà vẫn mua bản quyền Ngoại hạng Anh với giá cao gấp bốn lần ba năm trước thì hoạt động kinh doanh của K+ sẽ đi đến đâu?
Chắc chắn rằng bất cứ nhà kinh doanh nào đứng ở vị trí là thành viên góp vốn của K+ (như VTV) đều phải tính toán thật kỹ và đưa ra quyết định sáng suốt là “nên hay không nên” để tránh rơi vào tình trạng phá sản hoặc bị đối tác thôn tính toàn bộ phần vốn góp.
Nóng bỏng bản quyền giải Ngoại hạng Anh |
* Trường hợp Canal Plus thực hiện việc chuyển giao, có thể là tặng - cho K+ bản quyền Ngoại hạng Anh thì sao, thưa luật sư?
- Trường hợp Canal Plus tặng - cho bản quyền EPL cho K+, theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan, K+ phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh với cơ quan có thẩm quyền đó thật sự là giao dịch tặng - cho.
Đồng thời việc K+ chấp nhận việc tặng - cho nêu trên phải được hội đồng thành viên K+ chấp thuận bằng một nghị quyết mà trong đó VTV là một thành viên.
Theo đó, với tư cách là đại diện ủy quyền của các đơn vị truyền hình để đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh, VTV cũng phải có trách nhiệm thông báo và được sự chấp thuận bằng văn bản của các đơn vị đã ủy quyền về việc nhận món quà cho - tặng này.
Trong trường hợp việc cho - tặng chỉ là giao dịch giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác hay để đổi lấy quyền lợi khác thì được coi là vi phạm pháp luật. Một câu hỏi được đặt ra trong trường hợp này là hiệu quả của việc sử dụng vốn mà VTV được Nhà nước giao cho quản lý như thế nào?
Và do vậy trong trường hợp này, các đơn vị truyền hình đã ủy quyền cho VTV có quyền yêu cầu VTV thông báo việc thực hiện công việc được ủy quyền, cung cấp số liệu kế toán để xác định giao dịch tặng - cho đó là có thật hay không?
Đặt giả thiết rằng giao dịch cho - tặng giữa Canal Plus và K+ là giả tạo thì giao dịch này sẽ bị vô hiệu theo quy định tại điều 129 Bộ luật dân sự và không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập theo điều 137 Bộ luật dân sự.
* Nếu cuối cùng VTV vẫn chấp thuận cho K+ nhận bản quyền từ Canal Plus có thể dưới hình thức mua hoặc nhận góp vốn hoặc nhận cho - tặng thì VTV có trách nhiệm gì với Hiệp hội Truyền hình trả tiền và các đơn vị đã ủy quyền cho VTV?
|
VTV đã chấp nhận làm đại diện cho các đơn vị truyền hình trả tiền VN, tức chấp thuận cả nghĩa vụ người đại diện.
Luật thương mại có quy định rõ nghĩa vụ của người đại diện là thực hiện các hoạt động được ủy quyền “vì lợi ích của bên giao đại diện” và “không được thực hiện các hoạt động với danh nghĩa của mình hoặc người thứ ba trong phạm vi đại diện” để tránh mâu thuẫn về lợi ích.
Vì vậy, nếu VTV chấp thuận cho K+ tiếp nhận độc quyền bản quyền Ngoại hạng Anh từ Canal Plus, đẩy các đơn vị truyền hình vào thế không còn lựa chọn khác là VTV vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc giao kết trung thực và nghĩa vụ của người đại diện.
Trong trường hợp này, các đơn vị truyền hình đã ủy quyền cho VTV đàm phán mua bản quyền có thể khởi kiện VTV ra tòa án vì VTV đã vi phạm nguyên tắc giao kết trung thực và nghĩa vụ của người đại diện gây thiệt hại cho các đơn vị truyền hình này.
Tuy nhiên, VTV vẫn có thể tránh vi phạm này bằng cách có được thỏa thuận giữa Canal Plus về việc chia sẻ bản quyền Ngoại hạng Anh giữa K+ và các đơn vị truyền hình trả tiền còn lại trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Theo Tuoitre
Bình luận