Cùng bạo lực, khác cách xử
Ngày 4/2, tại trận mở màn Cúp quốc gia 2017 trong trận đấu giữa SLNA và Đắk Lắk, tiền đạo Lê Trung Hiếu của Đắk Lắk đã bị cầu thủ đối phương đấm nguội dẫn đến gãy sống mũi.
Trọng tài chính Ngô Quốc Hưng không nhìn thấy, trận đấu không được truyền hình trực tiếp. Và dĩ nhiên, cầu thủ có hành vi đấm nguội của SLNA thoát được một thẻ phạt của trọng tài. Tuy vậy, sau khi BTC xem lại băng ghi hình trận đấu đã xác định được “thủ phạm” chính là hậu vệ Phan Thế Nhật của SLNA.
Trao đổi với Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc sáng nay (6.2), ông cho biết sau khi mổ băng thì toàn bộ băng hình, hồ sơ trận đấu đã được chuyển cho Ban kỉ luật VFF vào sáng nay để họ xử lí.
Và với hành vi đánh nguội của mình khiến cầu thủ đối phương gãy sống mũi, Thế Nhật dẫu có thoát một thẻ phạt trên sân nhưng sẽ không thoát được án phạt nguội từ Ban kỉ luật VFF.
Vòng 2 giải VĐQG 2017, trên sân 19/8, đội trưởng Omar của FLC Thanh Hóa sau khi phạm lỗi thô bạo với cầu thủ của Sanna Khánh Hòa BVN dẫn đến phải nhận thẻ đỏ còn có hành vi tục tĩu, khiêu khích khán giả. Hậu quả là chân sút này bị phạt 30 triệu đồng và treo giò 8 trận. Một án phạt kỉ lục.
Đến vòng 4, trên sân Hàng Đẫy, tiền đạo Samson của đội chủ nhà có pha vào bóng thô bạo bằng gầm giày, đạp thẳng vào đùi cầu thủ Châu Ngọc Quang của HAGL để tranh cướp bóng trong tình thế cầu thủ đối thủ đã mất thế và ngã ra sân.
Do trọng tài ở góc quan sát không tốt nên không có thẻ phạt được rút ra, và NHM tin tưởng sẽ có một án phạt nguội dành cho tiền đạo nhập tịch này.
Thế nhưng phía BTC lại cho rằng hành vi này của Hoàng Vũ Samson chỉ được đánh giá là “liều lĩnh” chứ không phải là “bạo lực”. Thậm chí còn được diễn đạt ra thành việc “chân của Samson trượt lên đùi của Châu Ngọc Quang chứ không phải là đạp thẳng”. Và dĩ nhiên, hành vi của Samson được “trắng án”…
Đừng nhìn mặt ra quyết định
Án phạt nguội đang treo lơ lửng trên đầu hậu vệ Phan Thế Nhật của SLNA vì hành vi đánh nguội của mình. Omar của FLC Thanh Hóa sẽ phải làm khán giả bất đắc dĩ gần hết giai đoạn lượt đi. Duy chỉ có Samson của Hà Nội là thoát án dù xét về bản chất thì cả 3 hành vi trên đều được diện vào hàng “bạo lực” ở V-League.
Và NHM cũng không khỏi khó hiểu sau những quyết định và lời giải thích khi nói về hành vi của tiền đạo CLB Hà Nội.
Đó là chưa kể, án kỉ luật của Omar được Ban kỉ luật VFF đưa ra căn cứ vào điều 63 về Quy định kỉ luật của LĐBĐ Việt Nam. Theo điều 63, “người nào có thái độ, lời lẽ, động tác, cử chỉ khiêu khích công chúng trong sân vận động nơi trận đấu đang diễn ra thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 02 trận và bị phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng”.
Thế nhưng án phạt của Omar lại là treo giò 08 trận và phạt tiền 30 triệu đồng. Một án phạt được xem là kỉ lục của bóng đá Việt Nam.
Thậm chí, sau quyết định của Ban kỉ luật VFF, Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa còn dọa bỏ giải nếu Omar không được giảm án.
Lời “hù dọa” của Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa là ông Trịnh Văn Quyết hẳn có cơ sở khi họ là đội bóng có tham vọng vô địch, hiện đang dẫn đầu BXH.
Mất thủ lĩnh Omar thời gian khá dài sẽ khiến đội bóng của họ gặp vấn đề và ảnh hưởng đến mục tiêu vô địch. Ông Quyết đặt vấn đề về sự công bằng và chính trực của giải đấu. Và ông cũng cho rằng đội bóng của ông bị “chèn ép” và đối xử bất công hơn những đội bóng khác.
Và hiển nhiên, điều ông lo sợ cũng đã xảy ra. CLB Hà Nội của Samson với “binh hùng tướng mạnh” nhanh chóng vượt lên giành vị trí thứ 2, đe dọa ngôi đầu của đội bóng xứ Thanh. Trong khi đó FLC Thanh Hóa đã bị đội bóng “trẻ” B. Bình Dương cầm chân tại vòng 4 và chỉ còn hơn Hà Nội vỏn vẹn 1 điểm.
Hành vi bạo lực ở 3 đội bóng khác nhau nhưng án phạt lại “bỏ sót” một trong số đó. Vậy liệu công bằng đã được thực thi nghiêm minh đúng với tính chất của giải đấu hay chưa?
Hay chỉ kỉ luật theo cách nhìn mặt ra án phạt!
Bình luận