Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Trong nội dung Nghị định mới đã chỉnh sửa một số mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Đây là đề xuất mà Bộ Tài chính đã trình chính phủ từ tháng 8. Nghị định này áp dụng cho khoảng 30 bộ linh kiện chính, mã hải quan từ 98.49.11 đến 98.49.40.
Cụ thể, từ năm 2018, thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện ô tô nhập khẩu được đưa về mức ưu đãi 0%. Song không phải tất cả các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước được hưởng lợi từ quy định này. Nội dung Nghị định có lưu ý, chỉ có một số DN đáp ứng được một số tiêu chí của Chính phủ mới được áp dụng việc giảm thuế linh kiện.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Linh kiện ô tô này phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được và phải đảm bảo mức độ rời rạc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đáp ứng được sản lượng của mẫu xe ô tô cam kết sản xuất, lắp ráp trong nước (gọi tắt là sản lượng riêng tối thiểu cho mẫu xe cam kết) quy định cho từng giai đoạn cụ thể.
Cụ thể, trong năm 2018 sẽ phải chia làm 2 giai đoạn, DN phải cam kết tổng sản lượng tối thiểu trong năm 2018 là 16.000 xe (mỗi giai đoạn là 6 tháng và sản lượng tối thiểu là 8.000 xe).
Mẫu xe cam kết phải phải có sản lượng tối thiểu trong 1 giai đoạt là 3.000 xe và cả năm là 6.000 xe. Sang năm 2019, sản lượng tối thiểu sẽ tăng thêm 500 chiếc. Sang năm 2020 sẽ phải tăng lên 20.000 chiếc trong mục tổng sản lượng tối thiểu và 8.000 chiếc trong mẫu xe cam kết có sản lượng tối thiểu,....
Trong Nghị định mới cũng đã giải quyết vấn đề đang còn nhiều vướng mắc như tiêu chuẩn khí thải và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi).
Với một số yêu cầu như trên có thể nhận thấy các hãng xe hơi đang "ăn lên làm ra" như Toyota, Hyundai Thành Công hay Honda đều đáp ứng đủ một cách dễ dàng.
Đơn cử, ở Việt Nam, Toyota có mẫu Vios đang được lắp ráp trong nước. Nếu tình bình quân trong năm 2017, một tháng, Vios tiêu thụ được 1.200 chiếc. Nếu đà tăng trưởng của Vios kéo dài cho tới hết năm, chỉ tính riêng mẫu Vios có thể đạt sản lượng tối thiểu cho một sản phẩm cam kết sẽ là gần 15.000 chiếc (vượt gấp 2,5 lần so với yêu cầu của Nghị định).
Không chỉ Toyota, một số mẫu xe có doanh số mẫu ô tô được lắp ráp trong nước thuộc hàng "top" trên thị trường như Hyundai Grand i10 (Hyundai Thành Công), Kia Morning (Thaco), Honda City (Honda) cũng sẽ dễ dàng vượt qua ngưỡng yêu cầu của Nghị định.
Video: Đánh giá xe Toyota Fortuner
Tuy nhiên, một số yêu cầu của Nghị định đang làm khó các DN có sản lượng tối thiểu tương đối thấp ở Việt Nam như: Mitsubishi (Pajero Sport, Outlander), Nissan... Chỉ tính riêng trong năm 2017, thị phần của các hãng xe trên trong miếng bánh tổng thị phần ô tô Việt Nam còn chưa qua được con số 5% (theo thống kê của VAMA).
Ngoài các mẫu xe con dưới 9 chỗ, mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% cho linh kiện còn áp dụng với các nhóm xe khác gồm minibus, xe tải, xe khách và bus cỡ lớn. Điều kiện áp dụng cũng tương tự với những mức sản lượng tối thiểu cần đạt
Có một thực tế, Việt Nam chưa phải là một quốc gia có tỷ lệ nội địa hóa cao và nếu so với "đại công xưởng" lắp ráp ô tô như Thái Lan hay Indonesia còn đang kém xa. Chính vì vậy, nhiều hãng xe cho nhập khẩu nhiều mẫu xe từ hai thị trường này thay vì lắp ráp trong nước, đơn cử như Toyota Fortuner hay Honda CR-V 7 chỗ,....
Với nội dung trong nghị định mới, ô tô lắp ráp trong nước có cơ hội giảm được giá thành và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các mẫu xe nhập từ ASEAN khi việc giảm thuế xuống 0% chuẩn bị có hiệu lực từ 1/1/2018.
Bình luận