Chiều 24/5, có mặt tại gia đình anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, lái tàu thiệt mạng trên chuyến tàu SE19 rạng sáng cùng ngày tại Thanh Hóa) ở tổ 3, khu tập thể trường Cao đẳng nghề đường sắt (quận Long Biên, Hà Nội), chị Trần Hải Yến, vợ anh Hùng ngồi lặng giữa căn phòng tiếp khách, nước mắt không ngừng chảy mỗi khi nhắc đến chồng.
Chị Yến cho biết, hai vợ chồng cùng làm trong ngành đường sắt đã lâu. Chị đã công tác được 17 năm trong ngành còn anh có thâm niên hơn 20 năm lái tàu. Tuy cùng làm trong Tổng công ty đường sắt nhưng do khác bộ phận nên hiếm khi anh chị được làm cùng chuyến với nhau.
Tối 23/5, anh Hùng lái tàu SE19, xuất phát lúc 20h10, chị Yến đi chuyến sau lúc 21h35, chỉ cách nhau vài ga tàu.
Đến 0h30, tàu SE19 gặp nạn tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Vì đi chuyến tàu kế tiếp đó nên ngay sau khi tại nạn xảy ra, chị Yến đã nhận được tin báo chuyến tàu của chồng mình gặp nạn. Chị bàng hoàng khi hay tin anh Hùng vẫn kẹt trong đầu máy.
Không tin vào điều tồi tệ xảy ra với chồng mình, chị Yến gọi điện thoại cho Trưởng tàu để xác minh thông tin một lần nữa.
“Thật sự nó quá bất ngờ, quá sốc, tôi mới vừa chỉ gặp anh buổi tối”, chị Yến nghẹn ngào kể lại phút giây nhận đươc tin dữ.
Ngay sau đó, chị lập tức bắt taxi cùng anh em trong tổ di chuyển đến nơi chồng mình gặp nạn. Tuy nhiên, đến nơi, chị cũng không thể làm gì khác ngoài việc bất lực ngồi chờ đợi.
Chị đã chờ đợi trong nỗi đau khi chứng kiến toa tàu nằm sâu dưới ruộng, dầu máu loang lổ khắp trên tàu, còn chồng mình vẫn đang mắc kẹt trong đó. Cũng chính chị phải là người gọi điện thoại báo tin dữ về cho gia đình.
Hơn 6 tiếng xảy ra vụ việc, sau rất nhiều những nỗ lực của lực lượng cứu hộ thi thể anh Hùng mới đưa được ra khỏi toa tàu và chuyển đến bệnh viện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) làm thủ tục pháp y.
Sau đó, thi thể anh Hùng được chuyển về Hà Nội vào khoảng 14h ngày 24/5. “Anh đã phải nằm lại trong toa quá lâu, giờ này mới có thể đưa ra Hà Nội”, chị Yến nghẹn ngào.
Chứng kiến mẹ mình khóc, bé Hà Vy (9 tuổi), con gái út của vợ chồng anh chị tiến lại gần mẹ, vỗ về an ủi. Bé còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi mất mát quá lớn của gia đình nhưng cũng phần nào hiểu được sự đau buồn của mẹ.
Khi xảy ra sự việc, cả gia đình giấu chưa cho cháu biết chuyện nhưng đến khi về nhà, chị Yến đã phải nói cho con nghe sự thật.
“Con bé được bố rất chiều nhưng đến giờ bố cháu đã không còn nữa rồi”, chị Yến khóc nghẹn với nỗi đau.
Mẹ anh Hùng chia sẻ, gia cảnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chồng bà trước đây công tác tại trường Cao đẳng nghề đường sắt, mới mất được mấy năm, còn bà cũng đã về hưu do mất sức. Nhà có 3 anh em trai, Hùng là con cả, hiện cả 3 người đều có gia đình riêng nhưng vẫn phải sống chung trong căn nhà ở khu tập thể.
Anh Hùng là lái tàu, lương cao hơn nên là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thu nhập của chị Yến chẳng đáng là bao nên chi phí lo cho 2 con ăn học, sinh hoạt đều rất khó khăn.
“Vật dụng, đồ đạc trong nhà cũng đa phần là do bà ngoại mua sắm chứ thu nhập của vợ chồng Hùng chẳng được bao nhiêu”, mẹ anh Hùng chia sẻ.
Nay anh Hùng không còn nữa, khó khăn lại càng đè nặng, hai con của anh chị không biết sẽ ra sao.
“Do đặc thù công việc nên hai vợ chồng Hùng thường phải đi tối ngày, không mấy khi có mặt ở nhà. Công việc vất vả là vậy những thu nhập lại không cao nên cuộc sống còn khó khăn.
Đến nay, nguồn thu nhập nhập chính lại không còn nữa, không biết 2 cháu nhỏ có thể tiếp tục học hành được không?”, mẹ anh Hùng nghẹn ngào.
Được biết, sau khi tai nạn xảy ra, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã cử đại diện đến thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình, Tổng công ty cũng sẽ đứng ra tổ chức lễ tang cho anh Hùng.
Video: Hiện trường vụ lật tàu thảm khốc ở Thanh Hoá
Bình luận