Cục CSGT vừa có chỉ đạo CSGT các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền và thông báo cho cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ.
Theo quy định của Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, hạn chót tiếp nhận đăng ký cho các trường hợp nêu trên là ngày 31/12/2016.
Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 46/2016 của Chính Phủ, từ ngày 1/1/2017, các trường hợp không sang tên, đổi chủ sẽ bị xử phạt.
Liên quan đến việc xử phạt các phương tiện không sang tên đổi chủ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, người mượn xe của vợ, người yêu đi làm có bị phạt lỗi không sang tên, đổi chủ?
Theo quy định, với lỗi không sang tên, đổi chủ, chủ phương tiện là cá nhân sẽ bị phạt 100.000–200.000, chủ phương tiện là tổ chức mức phạt là 200.000–400.000.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Cục phó Cục pháp chế, Bộ Công an khẳng định những trường hợp mượn xe sẽ không bị xử phạt lỗi không sang tên, đổi chủ.
“Không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Bạn trai mượn xe bạn gái đi chơi hay trong một gia đình, vợ mượn xe chồng, con cái đi xe của bố mẹ đều bình thường, chỉ cần khi đi phải cầm theo đăng ký xe.
Tuy nhiên, trong trường hợp di sản thừa kế, bố, mẹ cho hẳn con cái... thì bắt buộc phải sang tên theo đúng quy định nếu không sẽ bị xử phạt”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói.
Tướng Quân cho biết thêm, CSGT không được dừng phương tiện để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ. Cảnh sát chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông.
Ví dụ, quá trình xử lý hành vi vượt đèn đỏ, đi đường không đội mũ bảo hiểm… CSGT phát hiện phương tiện vi phạm đã được mua bán nhiều lần nhưng chưa sang tên, lúc này chủ phương tiện sẽ bị phạt thêm lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Video: Lái xe đánh nhau như phim chưởng sau khi va chạm giao thông
Bình luận