Thế nhưng, bấy lâu nay, có lẽ chỉ những người làm trong ngành y với nhau mới tường tận, nhưng có ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”?
Chỉ đến khi vỡ ra vụ VN Pharma được nói là đã chi hàng trăm tỷ đồng cho bác sỹ thì chúng ta mới có ví dụ cụ thể đầu tiên. Trên thế giới, nhiều nước đã ghi nhận tình trạng tồn tại dai dẳng những cái bắt tay giữa bác sỹ và các công ty y tế.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, đăng tải trên đài NPR, những bác sỹ nhận tiền từ các công ty dược hoặc thiết bị y tế thường kê đơn với số phần trăm thuốc “bản quyền” nổi tiếng cao hơn các bác sỹ khác. Xin mở ngoặc, thuốc bản quyền (brand-name drug) là thuốc đã đăng ký thương hiệu, được bảo hộ trong vòng 17 năm.
Hết hạn này, các công ty khác được quyền sao chép công thức. Vấn đề mấu chốt là thuốc sao chép (có cùng công thức nhưng mang nhãn hiệu khác) rẻ hơn rất nhiều so với thuốc gốc và tác dụng chữa bệnh không hề thua kém. Ở Mỹ, các loại thuốc “ăn theo” (generics) vẫn phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ và nghiêm ngặt của Cơ quan Thuốc và Thực phẩm (FDA) nên không thể nói chúng kém chất lượng.
Nghiên cứu nói trên chỉ ra rằng: Càng nhận được nhiều tiền hoa hồng, các bác sỹ càng có thiên hướng kê đơn thuốc với nhiều thuốc “bản quyền”. “Điều này một lần nữa chứng minh mối quan hệ giữa đơn thuốc bác sỹ, hãng dược và các khoản hoa hồng”, tiến sỹ Aaron Kesselheim, giảng dạy tại trường y Harvard , Mỹ, nói.
Và hoa hồng đâu chỉ đến từ các nhãn thuốc bản quyền, đó còn có thể là bất cứ loại thuốc mới nào muốn thâm nhập thị trường, cho dù loại thuốc mới chưa chứng tỏ được hiệu quả điều trị. Câu chuyện VN Pharma buôn bán thuốc trị ung thư giả một lần nữa khẳng định những chuyện xưa nay “chỉ diễn ra dưới gầm bàn”, thường được nói đến nhưng không ai bị xử lý vì không có chứng cớ.
Video: Bác sĩ 'bắt tay' với hãng dược, đang tâm vơ vét trên sức khỏe người bệnh
Nhưng cho dù người ta bán thuốc gốc với chi phí nghiên cứu, chi phí quảng cáo, tiền chi hoa hồng cho bác sỹ lớn đến đâu thì tất cả vẫn đổ lên đầu bệnh nhân. VN Pharma ở Việt Nam còn tệ hơn vì ngoài việc móc túi những người bệnh khốn khổ chi cho bác sỹ và bỏ túi mình, những người lãnh đạo công ty này còn đặt bệnh nhân vào tình huống nguy hiểm khi tin rằng mình đã được điều trị bằng thuốc thật.
Trách nhiệm của người làm kinh doanh bậy bạ, của cơ quan quản lý đã phê duyệt, cấp số đăng ký thuốc rồi sẽ được làm rõ. Nhưng điều cần thiết hơn với người dân là một cơ chế quản lý minh bạch, chặt chẽ hơn trong công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, phải được xúc tiến xây dựng ngay sau vụ việc đáng xấu hổ này.
Bình luận