• Zalo

VN không ăn thua ở Olympic: Vì mải "diễn" với nhau

Thể thaoThứ Bảy, 04/08/2012 10:44:00 +07:00Google News

Việc 8 tay vợt cầu lông nữ hàng đầu bị Liên đoàn cầu lông thế giới loại khỏi Olympic sau vụ scandal ầm ỹ vừa qua được coi là quyết định nhanh gọn và dứt...

Việc 8 tay vợt cầu lông nữ hàng đầu bị Liên đoàn cầu lông thế giới loại khỏi Olympic sau vụ scandal ầm ỹ vừa qua được coi là quyết định nhanh gọn và dứt khoát hiếm có. Các tay vợt này bị cho là có hành động xâm hại thô bạo đến hình ảnh môn thể thao khi không nỗ lực giành chiến thắng.

Tất cả chỉ cần căn cứ vào biểu hiện thi đấu trên sân mà không cần thêm bất kỳ chứng cứ nào khác. Tất nhiên, ngoài những ý kiến phản đối, vẫn có khá nhiều ý kiến bênh vực vì cho rằng động cơ của các tay vợt, nhất là những tay vợt Trung Quốc chỉ là để bảo vệ tấm HCV.
Liên đoàn cầu lông thế giới không chấp nhận biện minh ấy.
Thực tế thì trong thể thao, không hiếm những trường hợp tương tự: không ít đội bóng cố tình đá để… nhì bảng nhằm tránh đối thủ sắp tới quá mạnh, ngay ở Olympic London lần này, trường hợp tuyển bóng đá nữ Nhật Bản bị nghi là “đá dưới sức” là một điển hình hoặc một đội đã vô địch có thể đá kiểu “mời anh xơi” để giúp đội khác lên hạng…
Không dễ để khép vào tội “xâm hại thô bạo đến hình ảnh môn thể thao”. Vậy nên, nếu có trách thì trách các tay vợt đánh cầu lông giỏi nhưng diễn kém, quá lộ.

 8 VĐV bị trục xuất khỏi Olympic vì "diễn" quá lộ.

Cái này có khi phải học…Việt Nam. Khả năng diễn của người yêu và chơi thể thao Việt Nam đã thuần thục từ…thể thao phong trào. Ví dụ trong một công ty tổ chức đá bóng, bên thắng thường là bên có những cầu thủ chức vụ to hơn. Một đội bóng có thể mạnh, nhưng nếu bên kia có một ông bụng bự làm thủ trưởng nổi hứng xỏ giày, lập tức là tất cả nhường cho “sếp” diễn. Thậm chí, tất cả cùng diễn. Một trận tennis hay cầu lông cũng tương tự, đôi khí cấp dưới phải đánh “tệ hơn cả tệ” để rồi phải buông câu nịnh “sếp”: hôm nay anh chơi hay thế. 

Đời nó vậy. Ừ thì cũng có mục đích cả. Nhưng từ phong trào, nó ám cả đến thể thao thành tích cao, lên sân chơi chuyên nghiệp.
Bóng đá Việt có thời nhìn đâu cũng thấy vi trùng, cho đến bây giờ cũng chẳng ai dám khẳng định là đã sạch hoàn toàn. Ngay ở mùa giải này, vẫn có những trận đấu mà khán giả uất ức đòi tiền vé vì “diễn lộ quá”, có trận chính xác là “đá đểu”.
Song câu cửa miệng của những nhà quản lý bóng đá Việt trước mỗi hiện tượng tiêu cực là “chứng cứ đâu” vẫn luôn đặt ra nhiều thách thức. Đâu là những trận bị cho là “xâm hại hình ảnh của môn thể thao” ở những vòng đấu cuối?
Bóng đá Việt cần học ở Liên đoàn cầu lông thế giới ở chỗ ra ngay những quyết định khi tiêu cực mới chỉ là “biểu hiện” chứ không ngồi chờ và tìm chứng cứ.

Nếu được như thế thì bóng đá Việt đã khá. Nếu được như thế mà nhân rộng ra, câu chuyện chống tham nhũng đã đơn giản hơn nhiều.
Chúng ta không ăn thua gì ở Olympic cũng đúng, vì mải diễn với nhau.

Song An - Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn