• Zalo

V.League lung lay: Các ông bầu rủ nhau 'chạy làng'

Thể thaoChủ Nhật, 23/09/2012 07:52:00 +07:00Google News

Bây giờ khi các ông chủ, các doanh nghiệp còn đang phải cố gắng cứu chính mình. Thậm chí cứu chưa xong nói gì cứu thêm bóng đá.

Bóng đá Việt đã từng và đang tiếp tục phải sống nhờ vào sự trợ cấp của các ngân hàng trong tư cách là các nhà tài trợ.

Có lẽ vì thế V.League đang có những thuộc tính mà các ngân hàng hiện nay đang phải đối mặt: giảm sút lòng tin, có sáp nhập, có chuyển giao. Nhưng chung nhất vẫn là các CLB bóng đá hiện nay, ngày càng hiện nguyên hình là các khoản nợ xấu.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế nguy ngập, vật giá leo thang, hang loạt công ty phá sản hoặc đang hấp hối thì "những món nợ xấu" trong bóng đá tất nhiên là khó mua bán, chuyển nhượng.

Ngân hàng SHB đang tính bán đội hạng nhất là Trẻ SHB.Đà Nẵng. Đưa lên sàn giao dịch rồi mà chưa thấy khách mua. Không mua được là sẽ giải tán luôn.

Navibank Sài Gòn cũng đang sống dở chết dở khi lương thưởng vẫn đang nợ cầu thủ mấy tháng nay. Khi được hỏi, người đứng đầu là ông Chủ tịch nhiệm lảng tránh và "trốn" đúng kiểu người đi "trốn nợ".

Bầu Kiên bị bắt.

Ngân hàng Bắc Á "nói chuyện lại" với SLNA.

Bầu Hiển Chủ tịch Ngân hàng SHB tuyên bố có thể rút khỏi bóng đá.

Thay đổi mạnh trong HĐQT Eximbank - nhà tài trợ chính của V.League.
… vv và vv

Tất cả những điều ấy có thể đang dẫn tới nguy cơ: V.League phải tạm dừng khi các CLB không đủ kinh phí để tham gia giải đấu. Nó giống như việc một hãng taxi phải ngừng hoạt động vì giá xăng dầu vượt quá khả năng cho phép.

Vỡ hay không chưa biết nhưng đây có lẽ là lúc bóng đá Việt cảm nhận được rõ nét hơn bao giờ hết: khi phải thở bằng mũi người khác thì sẽ thế nào.

 

Đã có thời gian, người ta nói thẳng với nhau rằng các ông bầu đầu tư vào bóng đá không phải vì bóng đá đâu. Đơn giản là việc đổi chác, đổi việc đầu tư một CLB bóng đá lấy một dự án hoặc một cơ chế thoáng ở địa phương liên quan đến bất động sản, khai thác tài nguyên tại địa phương. Đầu tư bóng đá để "trả ơn" cho địa phương.

Bây giờ khi các ông chủ, các doanh nghiệp còn đang phải cố gắng cứu chính mình. Thậm chí cứu chưa xong nói gì cứu thêm bóng đá - thứ không thật sự mang lại giá trị cũng như lợi nhuận?

Đầu tư vào bóng đá cũng được tính như những khoản đầu tư ngoài ngành mà đã đến lúc cần phải tái cơ cấu, cắt bỏ những gì không cần thiết.

Đây cũng là giai đoạn thử thách của rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những ai từng tuyên bố: "Vì BĐVN". Sự tháo chạy đã nhìn thấy trong lòng bóng đá Việt báo hiệu một tương lai bất định.

Nhưng thà như thế có lẽ còn hơn là chúng ta cố gắng duy trì một nền bóng đá vá víu, tồn tại theo kiểu sống thực vật.

Thà một lần "bung bét" để tất cả nhìn rõ vào sự thật ngay cả khi sự thật ấy bị "lái" sang chuyện khác, giống như một ngôi sao bóng đá vừa được tuyên là "say rượu" khi lái xe gây tai nạn với những biểu hiện "phê thuốc" mà "trẻ con lên 5 cũng biết".

Cả làng bóng đá đã "say" và thấy giải V.League lung linh hơn những gì nó có.

Và cũng như chuyện "chàng say" cách đây không lâu, sẽ chẳng tìm thấy ai phải chịu trách nhiệm về tất cả chuyện này.

Song An(Thể Thao 24H)

Bình luận
vtcnews.vn