• Zalo

V.League- Vì sao chưa phải một nhu cầu?

Thể thaoThứ Bảy, 14/07/2012 08:50:00 +07:00Google News

Các doanh nghiệp Việt vẫn đổ tiền vào bóng đá, nhưng thay vì tạo ra những dòng chảy thực sự trong lòng nó, họ chấp nhận mất tiền và chờ đời một điều thần kỳ.

Người Anh, vốn chẳng dính dáng gì đến cuộc khủng hoảng đồng euro đã lại có một cú xuống tay khiến nhiều nền bóng đá phát triển phải thèm thuồng. Đó là câu chuyện trong bóng đá: ngân hàng Barclays vừa quyết định gia hạn hợp đồng trị giá 120 triệu bảng cho Premier League, tương đương 40 triệu bảng/mùa.

Bóng đá vẫn là một địa hạt mà người ta bơm tiền đồng nghĩa với việc đã chứng minh được sức khỏe của mình. Tất nhiên, bóng đá Anh đã được nâng tầm thành một nền công nghiệp, một cỗ máy khổng lồ đáp ứng nhau cầu giải trí không chỉ của dân Anh. Mỗi động thái, bán mua cầu thủ dù có giá trị hàng chục triệu bảng đều có lý do của nó mà cái đích rồi cũng quay lại là sẽ thu được bao nhiêu tiền.

Khi Manchester United đặt quá nhiều kỳ vọng vào chân sút đến từ Nhật Bản, đồng thời họ cũng đã sẵn "âm mưu" tiếp tục đào sâu vào thị phần Châu Á mà trước đây Park Ji sung được cho là tiên phong.

Bóng đá Anh, với tính thương mại cao, người ta nhìn thấy rất rõ dòng tiền chảy trong lòng nó, không ngừng nghỉ. Song dù thế nào đi chăng nữa, các bên đều cảm thấy trạng thái "win-win", từ nhà tài trợ, các đội bóng cho đến chính những người dám bỏ ra một khoản tiền lớn để mua vé vào sân.

Ông bầu bóng đá Việt


Khán giả - chứ không phải là thành tích - mới chính là cái nhiệt kế chuẩn xác để đo thành công của CLB. Câu chuyện Manchester City chỉ trong chưa đầy 3 ngày đã bán xong vé của cả mùa 2012-2013 là một minh chứng.

Đổ tiền và ai cũng cảm thấy mình "được một cái gì đó" là điều quá khó trong bóng đá.

Không thể so V.League với bóng đá Anh, nhưng đồng tiền phải có quy luật chung của nó. Nghĩa là đồng tiền phải có sự sống.

Thực tế, lượng tiền đổ vào V.League, nếu nhìn từ thu nhập bình quân đầu người, là rất lớn.

Người ta không ngạc nhiên khi nhìn vào khoản nợ xấu lên tới 200.000 tỷ của ngành ngân hàng nhưng đây chính là nhà tài trợ hào phóng và nhiệt tình nhất đối với V.League.

Từ chuyện tài trợ cho giải đấu cho tới hơn một nửa các CLB chịu ảnh hưởng từ các ngân hàng. Vấn đề là hàng trăm tỷ (rất nhỏ so với món nợ xấu 200.000 tỷ) được ném vào bóng đá hàng năm mà khả năng thu lại khá trừu tượng có phải là một khoản nợ xấu?

Có lẽ không. Bóng đá, trong trường hợp này được coi là tấm bình phong màu mè mà mỗi ngân hàng đầu tư vào nó đều muốn chứng tỏ cơ thể mình khỏe mạnh, dồi dào và làm ăn tốt.

Nghĩa là nhà tài trợ được, đội bóng cũng được nhưng người hâm mộ có lẽ là chưa cảm thấy được. Sự phát triển của V.League dù đã có tiến triển nhưng không tương đồng với khoản đầu tư mà nó nhận được. Điều khác biệt căn bản giữa bóng đá Anh và bóng đá Việt là tính nhu cầu. V.League chưa thể nằm trong cái gọi là nhu cầu của người hâm mộ Việt. Bóng đá là một công cụ thì đúng hơn.

Các doanh nghiệp Việt vẫn đổ tiền vào bóng đá, nhưng thay vì tạo ra những dòng chảy thực sự trong lòng nó, họ chấp nhận mất tiền và chờ đời một điều thần kỳ.

Cũng chưa biết khi nào điều ấy sẽ xảy ra.



Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn