Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Marburg là một trong những virus gây bệnh nguy hiểm nhất con người tìm ra với tỷ lệ tử vong ở người mắc là 80%.
Trong đợt bùng phát virus Marburg ngày 7/2 vừa qua, Guinea Xích đạo báo cáo 9 ca tử vong và 16 ca nghi nhiễm. Trong khi đó, Cameroon cũng báo cáo 2 ca nghi nhiễm đầu tiên tại quốc gia này.
Người anh em của virus nguy hiểm Ebola
Virus Marburg là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm liên quan đến Ebola nhưng rất hiếm khi bùng phát. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, trong 55 năm từ 1967 đến 2022, chỉ 25 đợt bùng phát virus Marburg.
Trong số đó, chỉ 4 đợt bùng phát ghi nhận số người nhiễm dưới 100 người, 2 đợt bùng phát lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1998-2000 (154 ca) và 252 trường hợp ở Angola năm 2004-2005 (252 ca).
Dù được coi là "hiếm gặp", virus Marburg lại dễ dàng lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể như máu, nước tiểu hoặc nước bọt và có thể truyền từ các bề mặt mà cá nhân bị nhiễm bệnh chạm vào. Ngoài ra, virus này cũng truyền từ dơi sang người.
Theo CDC, người nhiễm virus Marburg ủ bệnh khoảng 2-21 ngày trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng phổ biến phổ biến bao gồm sốt, nhức đầu dữ dội, ớn lạnh và đau cơ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
Không chỉ vậy, khoảng ngày thứ 5 phát bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện phát ban lan rộng trên cơ thể, chủ yếu ở ngực, lưng và bụng. Khi bệnh nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị vàng da, sụt cân trầm trọng, sốc, xuất huyết và rối loạn chức năng đa cơ quan.
Theo Forbes, điều đáng sợ nhất về virus Marburg là khả năng gây tử vong. Các đợt bùng phát virus này trong 55 năm qua ghi nhận 397 ca tử vong trong số 474 ca nhiễm, báo cáo tỷ lệ tử vong thô do virus này lên tới 80%.
Cách đối phó
Để đối phó với đợt bùng phát hiện nay, Guinea Xích đạo cách ly hơn 200 người và hạn chế di chuyển vào tuần trước tại tỉnh Kie-Ntem, nơi các ca bệnh lần đầu tiên được phát hiện.
Các nhà chức trách ở cả Guinea Xích đạo và Cameroon đang đối phó với đợt bùng phát bằng cách kết hợp đóng cửa biên giới và theo dõi người tiếp xúc. Phương pháp này từng thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Marburg và Ebola trong các đợt bùng phát trước đây.
Hiện tại không có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus để điều trị virus Marburg. Theo WHO, những phương pháp như bù nước và điều trị các triệu chứng riêng lẻ có thể làm tăng tỷ lệ sống sót ở người bệnh.
Trước đây, một số phương pháp được điều trị thử nghiệm thành công trên động vật. Tuy nhiên, những phương pháp này chưa được chứng nhận để sử dụng cho con người.
Theo báo cáo của bà Helen Braswell trong một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù không có vaccine đặc trị virus Marburg, vài trăm liều vaccine thử nghiệm đã có sẵn. Loại vaccine này mới chỉ được thử nghiệm rất ít do các đợt bùng phát Marburg rất hiếm. Việc thử nghiệm vaccine ở thời điểm này cần triển khai tức thì. Tuy nhiên, trong một đợt bùng phát có quy mô rất nhỏ, các nhà khoa học cũng khó xác minh được sự tối ưu của vaccine này.
Bình luận