• Zalo

‘Virus cuồng loạn’ - bộ phim cẩu thả, thảm họa của điện ảnh Việt

PhimThứ Hai, 07/11/2022 07:48:04 +07:00Google News

Bộ phim kinh dị xác sống "Virus cuồng loạn" có khởi đầu nhàm chán, diễn biến tệ hại và kết phim lại càng khiến khán giả bật cười.

Ngay từ khi công bố những hình ảnh đầu tiên của dự án, ê-kíp sản xuất Virus cuồng loạn đã nhận về phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, “hết thời Cù lao, lại tới thời của một... thảm họa về đề tài zombie khác”. Khán giả không có niềm tin về phim Việt khai thác đề tài xác sống.

Lý do đằng sau những chỉ trích nặng nề này là sự thất vọng vì hàng loạt phim chất lượng không đảm bảo nối tiếp nhau ra mắt. Trước đó, Cù lao xác sống khởi chiếu đầu tháng 9 được coi là bộ phim về chủ đề xác sống đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt Nam. Tuy nhiên chất lượng kịch bản thấp, tạo hình, hóa trang cẩu thả và lạm dụng hài nhảm là những điểm trừ.

Tiếp bước dự án này, đạo diễn trẻ Nguyễn Ngọc Nhất Duy liều lĩnh sản xuất một bộ phim zombie khác. Anh cho biết nguồn cảm hứng làm phim đã xuất hiện từ thời còn trên ghế nhà trường, sau khi tham dự nhiều cuộc chia sẻ, nói chuyện về điện ảnh ngoại quốc. Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc anh lội ngược dòng dư luận để hoàn thiện dự án cá nhân đầu tay.

Thảm họa điện ảnh Việt

Ý tưởng hoành tráng là vậy, nhưng thực tế những gì Virus cuồng loạn thể hiện lại gây thất vọng ê chề. Có được hậu thuẫn của người cha là tài tử điện ảnh Công Hậu, Nhất Duy ít nhiều thu hút sự chú ý của khán giả. Song, chất lượng phim không thuyết phục, cẩu thả và “coi thường” người xem.

Trailer Virus cuồng loạn khi vừa được phát hành đã vấp phải một loạt chỉ trích. Trong đoạn clip ngắn ngủi dài 1 phút 34 giây, khán giả không ít lần “nhức mắt” trước những hạt sạn lộ liễu và hiệu ứng phim tệ hại được sử dụng.

Chưa kể, các dòng chữ quảng bá cũng hết sức ngô nghê, sai chính tả, tạo cảm giác rẻ tiền. Bên dưới phần bình luận, đa số thượng đế đều dự đoán một tương lai không mấy khả quan cho dự án đầu tay của chàng đạo diễn trẻ.

‘Virus cuồng loạn’ - bộ phim cẩu thả, thảm họa của điện ảnh Việt - 1

Lấy bối cảnh chính tại địa điểm núi đồi hẻo lánh xa xôi, tác phẩm của Nhất Duy kể một câu chuyện “phim trong phim”. Cụ thể, một ê-kíp sản xuất đang thực hiện tác phẩm về đề tài zombie tại khu nghỉ dưỡng nọ. Bất ngờ thay, họ lại gặp phải những con zombie thật, chứ không đơn thuần là những gì hay được chứng kiến trên màn ảnh.

Nguồn cơn của những xác sống này được lý giải là do... thực phẩm độc hại, mất an toàn vệ sinh được bày bán trên thị trường khiến cho người ăn bị ngộ độc. Zombie bắt đầu tấn công khiến đại dịch lan rộng, biến đổi hầu hết nhân viên của đoàn làm phim. Những người may mắn sống sót phải tìm cách tập hợp, cùng nhau tìm đường tới sân bay để có được sự trợ giúp của quân đội chính phủ.

Câu chuyện ngô nghê tới ngớ ngẩn như vậy thật khó tin lại được chuyển thể thành một bộ phim.

Thể loại xác sống luôn là món ăn tinh thần hấp dẫn chưa từng có dấu hiệu hạ nhiệt với khán giả điện ảnh. Kể từ khi đạo diễn George A. Romero tạo nên cuộc cách mạng với Night of the Living Dead (1968), zombie đã hiện hữu và biến đổi muôn hình vạn trạng dưới nhiều góc nhìn khai thác. Thế nhưng, trở thành zombie do ăn phải thực phẩm bẩn lần đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam.

Với lợi thế “sinh sau đẻ muộn”, được tiếp cận và truyền thừa kinh nghiệm chắt lọc từ những thế hệ đi trước, bộ phim của Nhất Duy lại chọn cách đưa khán giả trở về những năm thập niên 1930, khi xác sống còn là một đề tài ban sơ. Giữa thế kỷ hiện đại và ngành công nghiệp điện ảnh phát triển chóng mặt, zombie trong định nghĩa của vị đạo diễn trẻ là những thây ma lờ đờ, vô dụng và chỉ biết kêu lên vài tiếng vô nghĩa.

Kịch bản ngập sạn

Nếu thể loại phim kinh dị thường “ăn điểm” ở màn dạo đầu gây kích thích khán giả, thì Virus cuồng loạn gần như vô duyên với điều này. Suốt gần 30 phút đầu, ê-kíp vẽ ra một câu chuyện tạp nham với đủ thể loại, motif nhân vật xáo trộn. Cốt truyện mỏng, lại không có nhân vật chính cụ thể. Hay nếu có, thì sự hỗn độn của mạch phim đã nhấn chìm người này.

Ngay cả khi đại dịch zombie càn quét, phim cũng không tạo nổi một chút cảm giác nguy cấp. Mọi thứ đều diễn biến một cách nhạt nhòa, hời hợt. Ý thức được điều này, Nhất Duy “chữa cháy” bằng cách để diễn viên sợ hãi gào thét, thở dốc nhưng rất phi logic, giả tạo. Ngớ ngẩn tới mức, nhân vật phải thoại để báo hiệu cao trào theo kiểu: “Tôi cứ cảm giác sao sao á! Hi vọng không xảy ra chuyện gì” trước khi zombie trỗi dậy tấn công.

Kịch bản không chắc tay, vậy nên sạn phim xuất hiện nhiều cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử, thay vì sử dụng điện thoại để liên lạc, những nhân vật chọn cách bàn tán, tranh cãi đủ điều và nảy ra “sáng kiến” dùng chúng để đánh lạc hướng zombie. Hay nực cười hơn, trong hành trình sinh tồn trong rừng sâu, nhân vật còn đeo khuyên tai lấp lánh, trang điểm đậm cùng kiểu tóc chải chuốt cầu kỳ. Trốn tránh zombie nhưng họ thậm chí còn tổ chức tiệc tùng, đánh trống khua chiêng và nhảy múa hát ca.

Khởi đầu nhàm chán, diễn biến tệ hại và kết phim lại càng khiến khán giả bật cười. Có lời khen khi đạo diễn trẻ manh nha xây dựng cái kết theo kiểu “vòng lặp tuần hoàn”. Cụ thể, thứ tưởng chừng như giải pháp cứu cánh thực chất lại đưa nhân vật trở về với khởi nguồn của rắc rối.

Thế nhưng, cách anh xử lý còn rất non tay và ngô nghê. Chưa kịp hiểu chuyện gì diễn ra, dòng thông điệp vệ sinh an toàn thực phẩm đã vội xuất hiện, chính thức khép lại phim sau 73 phút thời lượng.

‘Virus cuồng loạn’ - bộ phim cẩu thả, thảm họa của điện ảnh Việt - 2

Kịch bản Virus cuồng loạn đầy sạn và lỗ hổng.

Thoại phim Virus cuồng loạn dông dài và vô nghĩa đến kỳ lạ. Thậm chí, nhận xét các nhân vật trong tác phẩm này trò chuyện nhiều hơn cả phim truyền hình cũng không phải nói quá. Cá biệt, lời thoại lại không khớp với hình: âm thanh một đằng, khẩu hình nhân vật một nẻo.

Đôi khi, nhân vật gặp nguy hiểm thay vì tìm cách giải quyết vấn đề lại thích ngồi xuống tâm sự. Hay giữa một rừng xác sống dễ thu hút bởi âm thanh, một người lại cầm loa hô hào: “Nhanh lên, ai chưa bị cắn thì chạy nhanh tới đây”. Theo logic bình thường, chẳng đạo diễn nào để nhân vật của mình thoại theo kiểu như vậy.

Nhiều hạn chế trong ngôn ngữ làm phim

Theo tiết lộ, phần xử lý hậu kỳ của Virus cuồng loạn phải mất tới tám tháng. Thế nhưng, điều đầu tiên đập vào mắt khán giả là một màu phim xấu thê thảm và tạo hình, kỹ xảo ít đầu tư.

Với kinh phí sản xuất thấp, hóa trang zombie trong phim của Nhất Duy rất tệ, chỉ đơn giản đeo kính áp tròng trắng dã, bôi trét thêm ít sơn đỏ giả máu trên người. Dáng đi của chúng thì càng nực cười với cử chỉ xiêu vẹo, không hề đáng sợ vì nhìn chẳng khác gì những con nghiện ma túy, cũng dễ dàng bị đập chết. Đã vậy, ekip hậu kỳ còn “quá tay” chỉnh màu da lũ xác sống loang lổ, khi màu xanh, lúc lại màu tím như đèn neon.

Kỹ thuật quay và dựng phim đúng nghĩa là một trò hề. Nhiều thước phim lộ rõ nhược điểm chất lượng thấp, cẩu thả và vô nghĩa. Các góc quay tù bí, thiếu sáng tạo hoặc thậm chí sai mục đích. Đang trong phân cảnh chiến đấu hỗn loạn, thay vì tập trung sử dụng những cú máy cận cảnh đặc tả hành động, máy quay đã vội lướt đi, thay đổi thành establishing-shot (toàn cảnh giới thiệu không gian).

Chưa kịp thể hiện được sự kịch tính, đoàn làm phim đã hoàn toàn bỏ quên nhật vật. Đã vậy, khán giả cũng thường xuyên “ngộp thở” vì các màn chuyển cảnh rất vô duyên của bộ phim.

‘Virus cuồng loạn’ - bộ phim cẩu thả, thảm họa của điện ảnh Việt - 3

Thuộc thể loại kinh dị nhưng Virus cuồng loạn không tạo được bất cứ cảm giác căng thẳng, hồi hộp nào.

Càng thắc mắc hơn, nhiều âm thanh tạp kỹ xuất hiện dày đặc mà chẳng có mục đích. Nhân vật của Virus cuồng loạn thường xuyên phát ra những tiếng rên rỉ, ú ớ khó hiểu, lại được ekip sản xuất đẩy âm lượng tăng vọt. Cứ mỗi lần muốn tạo cảm giác cao trào, âm thanh lại giật inh ỏi, kết hợp với tiếng quần chúng la ó không kiểm soát gây ức chế người xem.

Những lỗ hổng chi chít trong kịch bản và phong cách làm phim vụng về khiến Virus cuồng loạn mang lại cảm giác không khác gì các bộ phim sitcom, phim nhái được đăng tải tràn lan trên mạng.

Nếu Cù lao xác sống ít nhất là một tác phẩm có chất lượng trung bình thấp, thì dự án này còn tệ hơn nhiều lần. Thậm chí, đây khó có thể coi là một bộ dự án điện ảnh hoàn chỉnh.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn