• Zalo

Vĩnh Phúc phấn đấu tối thiểu 70% thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến

Tin nóngThứ Ba, 29/11/2022 11:23:29 +07:00Google News
(VTC News) -

Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị rà soát, bảo đảm tối thiểu 70% thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Công văn số 7131 của UBND tỉnh về triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, Sở đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan rà soát, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quy chế quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm dữ liệu tỉnh Vĩnh Phúc.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động rà soát, đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Vĩnh Phúc phấn đấu tối thiểu 70% thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến - 1

Vĩnh Phúc hiện có 2.039 dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện Vĩnh Phúc có 2.039 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 254 dịch vụ mức độ 3 và 538 dịch vụ mức độ 4. Tỉnh đã kết nối 744 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tính từ ngày 1/1/2022 đến 31/10/2022, toàn tỉnh thực hiện 8.918 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền giao dịch trên 8,1 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 10, cấp tỉnh có 2.952 hồ sơ trực tuyến, đạt 50,3%/tổng hồ sơ, tăng gần 29% so với 9 tháng đầu năm, trong đó có 19 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 2.930 hồ sơ mức độ 4. Đặc biệt, trong 17 sở, ngành thì Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ có 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến.

Tiếp đến là Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều có 98,8% hồ sơ trực tuyến. Các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lần lượt là 9% và 12%.

Đối với cấp huyện, trong tháng 10, các huyện, thành phố có 18.525 hồ sơ trực tuyến, đạt 79% tổng hồ sơ, tăng 64% so với 6 tháng đầu năm và cao hơn khoảng 29% so với bình quân của khối sở, ban, ngành cấp tỉnh. Trong đó có 11.977 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 và 6.527 hồ sơ trực tuyến mức độ 3.

UBND huyện Vĩnh Tường có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao nhất với 4.462 hồ sơ, đạt xấp xỉ 100%, UBND huyện Lập Thạch có 2.961 hồ sơ trực tuyến, đạt trên 99%. Trong khi đó, TP Phúc Yên có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp nhất với 585 hồ sơ, đạt xấp xỉ 24%.

Nhằm nỗ lực nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu từ nay đến hết năm 2022, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, công bố 100% danh mục thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tối thiểu 70% thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến trên tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các quyết định công bố tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính của Bộ, ngành để tham mưu UBND tỉnh công bố tái cấu trúc quy trình, bảo đảm tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt các chỉ tiêu Chính phủ đã giao cho địa phương tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 và Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn