Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức lễ công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018”.
Theo đánh giá của VINASA, đa số các doanh nghiệp thuộc “Top 50” năm nay đều cho biết họ không chỉ tập trung vào các “bài toán” kinh doanh mà còn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm – dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.
FPT được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực như xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam và tiên phong trong chuyển đổi số.
Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt trên 50% và chiếm 21% tổng doanh thu từ mảng công nghệ của FPT.
Trên thực tế, từ năm 2012, FPT đã tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới về dữ liệu lớn, điện toán đám mây, di động…
Đồng thời, FPT đã nhanh chóng đầu tư nguồn nhân lực và đồng hành với nhiều tập đoàn lớn sở hữu các nền tảng công nghệ mạnh mẽ của cuộc cách mạng số để xây dựng giải pháp chuyển đổi số. Điển hình như hợp tác với GE (sở hữu nền tảng công nghệ Predix), Siemens (nền tảng MinSphere), hay cùng Airbus xây dựng kho dữ liệu hàng không mở cho toàn thế giới - Skywise, Amazon Web Services...
Mới đây nhất, tập đoàn Carlsberg đã chọn là đối tác công nghệ cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cũng như các dịch vụ chuyển đổi số. Hai bên sẽ lên kế hoạch chuyển đổi nền tảng công nghệ điện toán đám mây sang Azure, nền tảng API mở, phân tích gói dữ liệu…
FPT coi nền tảng cho quá trình chuyển đổi số chính là hoạt động nghiên cứu phát triển với ba mục tiêu chính là tạo ra sản phẩm mới, xây dựng năng lực mới và khám phá công nghệ mới.
Một trong những công nghệ nổi bật đang được FPT tập trung nghiên cứu chính là tự vận hành. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến nhiều hãng ôtô hàng đầu thế giới mạnh tay đầu tư cho xe tự hành.
Đối với việc phát triển xe không người lái, phần mềm đóng vai trò quan trọng nhất, được ví như não bộ, đảm bảo cho xe vận hành.
FPT đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ đạt doanh số 200 triệu USD cho mảng ô tô, bao gồm cả phần mềm (software), thiết kế (CAD), phân tích (CAE) và thiết kế vi mạch. Về mặt nhân lực, số lượng kỹ sư trong mảng này sẽ đạt 8.000 người. Hiện tại FPT đang triển khai một số dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và ô tô nói chung cho khoảng 40 tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Đồng thời, FPT có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cộng đồng công nghệ khi tổ chức nhiều sự kiện công nghệ quy mô lớn phục vụ cộng đồng công nghệ, với sự tham gia của những chuyên gia 4.0 hàng đầu thế giới, những người đàn dẫn dắt cuộc cách mạng số; mang đến cơ hội trải nghiệm những giải pháp dịch vụ công nghệ 4.0 mới nhất cho cộng đồng như: Ngày hội Công nghệ FPT TechDay, Cuộc thi lập trình Vietnam AI Hackathon, Code Fights…
Theo ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT: “FPT đặt tham vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu toàn cầu về dịch vụ chuyển đổi số và trở thành đối tác cấp cao nhất của các tập đoàn sở hữu nền tảng công nghệ IoT. Mục tiêu của FPT là tăng trưởng doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số đạt bình quân 50 - 70%/năm”.
Bình luận