Cầm cuốn hồi ký trên tay, ông bảo: “Viết không phải về bản thân mà là để con cháu sau này biết thế hệ chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế”.
Ngày 8/4/2017, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Bài viết này như là lời tiễn biệt ông - vị Đại đoàn trưởng cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng.
“Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”
Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, Đào Văn Trường được bổ nhiệm làm quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351. Đây là Đại đoàn Pháo binh đầu tiên của QĐND Việt Nam. Bốn Đại đoàn trưởng khác là Đại tướng Lê Trọng Tấn (Đại đoàn 312), Trung tướng Vương Thừa Vũ (Đại đoàn 308), Thiếu tướng Lê Quảng Ba (Đại đoàn 316) và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (Đại đoàn 304).
Nhớ lại thời kỳ lửa đạn đầy khó khăn, gian khổ, nhưng cũng rất huy hoàng ấy, ông Trường nói: “Thú thực lúc bấy giờ, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về việc bố trí trận địa pháo. Mặc dù quân ta ở trên các sườn dốc, bằng mắt thường cũng có thể nhìn rõ xuống lòng chảo, nhưng đối với pháo cỡ lớn thì điều này không hẳn đã là lợi thế. Lúc đó, khí tài của ta còn rất đơn sơ, ngoài những chiếc ống nhòm, la bàn và những tấm bản đồ tỷ lệ quá nhỏ thì không có gì đáng kể. Trong khi đó, việc đo đạc tính toán trong pháo binh lại có ý nghĩa rất quan trọng”.
Đưa ly trà lên môi, nhấm nháp, dường như muốn để cho người nghe tò mò “Vậy thì quân ta xử lý vấn đề đó như thế nào?”, rồi ông mới chậm rãi kể: “Chúng tôi buộc phải leo dốc, vén cây mở đường, đi đến tận nơi, ngắm thật kỹ, đo đạc cẩn thận rồi mới quyết định đặt trận địa pháo”.
Ngừng một lát vị Đại đoàn trưởng già trở nên sôi nổi hẳn lên: “Công việc tiếp theo vô cùng quan trọng, đó là khoét núi, xẻ hầm ở sườn đồi để đưa pháo vào. Yêu cầu là làm sao phải tuyệt đối an toàn cho pháo, kể cả trọng pháo và bom hạng nặng của địch, nếu có bắn, ném trúng cũng không việc gì. Rồi thì hầm an toàn cho chỉ huy, hầm chứa đạn, hầm lính ở, hầm thương binh, hầm nấu ăn, hầm xe, đài quan sát...
Ngoài ra, chúng tôi còn phải làm thêm một số trận địa giả, kể cả những yếu tố như dùng lượng thuốc nổ nhỏ cho nổ trùng khớp với tiếng pháo bắn ở trận địa thật. Tất cả phải tuân thủ nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
Vâng, đó là một khối lượng công việc khổng lồ: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/ Chí không mòn!” (Tố Hữu) để rồi quân đội ta, Nhân dân ta (trong đó có Đại đoàn pháo binh 351 anh hùng của ông Đào Văn Trường) đã làm nên một kỳ tích: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và mở ra một thời kỳ: “Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” (Tố Hữu)
“Nếu chọn việc nhẹ nhàng...”
Sau nhiều năm quen biết, cứ mỗi lần gặp ông, tôi thường hay nghĩ lẩn thẩn: Ông Trường hoàn toàn có thể chọn cho mình một cuộc sống an nhàn, giàu sang. Ông vốn thuộc gia đình “danh gia vọng tộc”. Ông nội là cụ Thành Ngọc Uẩn, đỗ Phó bảng khoa Ất Sửu năm 1865, từng được thăng hàm Quảng lộc Tự khanh. Cha ông Trường là cụ Thành Ngọc Quỳnh, làm Quản lý báo chí ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Với gia cảnh ấy ông Trường thừa sức ăn học, đỗ đạt và ra nước ngoài tu thân, lập nghiệp.
Nhưng không, chàng trai 20 tuổi ấy đã lựa chọn cho mình một con đường khác: vác ba lô lên đường theo cách mạng. “Khi từ bỏ những ước mơ thuở thiếu thời, đi ngược lại với sự sắp đặt của cha mẹ để đi làm cách mạng, không phải tôi không ý thức được rằng, đấy là con đường vinh quang, nhưng cũng vô cùng khó khăn, gian khổ, thậm chí “Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa”, nhưng là “con Rồng cháu Lạc” khi đất nước bị gặc giày xéo thì làm sao có thể tha phương để “ăn sung mặc sướng” được.
Những năm tháng hoạt động bí mật ở Liên tỉnh B, cơ quan đặt tại những xóm thợ nghèo, sinh hoạt vô cùng đạm bạc, kham khổ, nhưng vẫn không thể so sánh với những nỗi hiểm nguy rình rập.
Biết bao đồng chí của ông, bữa cơm chiều còn ăn với nhau, tối đã sa vào tay giặc, chịu số phận tù đày, hoặc “Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/Đắp cho người dưới mộ” (Hoàng Lộc).
Bản thân ông may mắn nhờ có sức vóc thanh niên, lại được đồng chí che chở nên đã mấy lần chạy thoát. Nhưng đến đầu năm 1942, trên đường về báo cáo Trung ương, ông đã sa vào tay quân Pháp.
Chúng điều tra, lần ra các “tội cũ” của ông, đưa ra xét xử tại 3 tòa án binh với 3 án chung thân, trong đó có một án xử tử vắng mặt hạ xuống chung thân, một án 10 năm tù, một án 5 năm làm báo Cộng sản ở Hà Nội. Ông bị giam trong xà lim án chém Hỏa Lò. Sau một thời gian, ông và các đồng chí của mình bị thực dân Pháp đưa đi đày ở Côn Đảo.
Địa ngục trần gian đã không thể bẻ gãy ý chí chiến đấu của ông, những đòn thù hiểm ác chỉ làm cho ông và các bạn tù thêm vững niềm tin Cộng sản. Họ vẫn duy trì học tập và rèn luyện, đến khi có thời cơ cách mạng, đã nổi dậy giải phóng đảo, lập chính quyền cách mạng, sau đó trở về đất liền tiếp tục công cuộc kháng chiến…
Ông đã chiến đấu suốt từ Bắc chí Nam, là Khu trưởng khu 8 Nam Bộ, Tư lệnh Đại đoàn 23. Năm 1947, ông ra Bắc, được giao làm Trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Trong những năm sau đó, ông được giao nhiều trọng trách như phụ trách Mặt trận Trung du, Mặt trận Đường số 4, Mặt trận 7 (đường số 4 và đường số 3).
Năm 1950, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 123/SL bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam.
Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính, Đại đoàn trưởng Đào Văn Trường thanh thản sống cuộc đời đạm bạc, thanh tao. Hàng ngày ông vẫn miệt mài đọc, nghiên cứu, viết và làm thơ. Cả cuộc đời quân ngũ, hết chiến trường nọ lại đến chiến trường kia; hòa bình rồi thì bận “trăm công ngàn việc nhà binh”, cái chất lãng mạn, lãng tử của một chàng trai đất Thăng Long được “chôn sâu” ở một góc nào đó trong tâm khảm ông. Nhưng rồi khi ông vừa cởi tấm “áo bào chiến trận”, nó lại trỗi dậy, lại thôi thúc ông tìm tòi, nghiên cứu và viết.
“Trọn thế kỷ, một cuộc đời”- cuốn hồi ký về những ngày hào hùng nhất của một trong những giai đoạn vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc đã ra đời như thế.
Có lần trong lúc trà dư tửu hậu, tôi đùa ông: “Sao ông không chọn việc nhẹ nhàng?”, ông nheo nheo mắt, nhếch mép cười, khe khẽ hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”.
Vâng, ông ra đi thành thản nhé, Đại đoàn trưởng Đào Văn Trường ơi!
Video: Người cựu binh già 12 năm thầm lặng gác chắn đường sắt không lương
Bình luận