Đồng thời, sự kiện này cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam: Ghi tên Việt Nam lên bản đồ ô tô thế giới.
VinFast gọi đây là một hành trình không tưởng, bứt phá mọi giới hạn, truyền cảm hứng cho khách hàng chung tay vào cuộc cách mạng xe điện, đẩy nhanh các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Còn giới chuyên gia nhận định, đây là dấu ấn rất ấn tượng của Việt Nam.
Đột phá mang tính lịch sử
Ngành ô tô Việt Nam ra đời muộn so với khu vực, với liên doanh đầu tiên giữa ô tô Hòa Bình và Mekong Auto được thành lập năm 1992. Chính phủ khi đó đưa ra mục tiêu rất rõ ràng là tập trung tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất có hàm lượng hiện đại hóa cao, tận dụng công nghệ từ các đối tác nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng phụ trợ trong nước, qua đó từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 50 - 60% sau 10 - 15 năm.
Mục tiêu đó đã thất bại do các liên doanh nước ngoài không tiến hành đầu tư cho hệ thống công nghiệp phụ trợ, mà dựa hoàn toàn vào linh kiện nhập khẩu từ các tập đoàn mẹ. Bằng chứng rõ ràng nhất là tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Việt Nam chỉ ở mức dưới 15%.
Những ý niệm đầu tiên trong giấc mơ về một chiếc ô tô của riêng người Việt có lẽ đã được nhen nhóm từ một thương hiệu xe tải không mấy xa lạ với thế hệ 7x, 8x đời đầu - Vinaxuki do ông Bùi Ngọc Huyên gây dựng.
Vậy nhưng, sinh ra không hợp thời, vay nợ nhiều để thúc đẩy tăng trưởng nóng, trong khi nhu cầu thị trường lúc bấy giờ có hạn, từ một doanh nghiệp làm ăn phát đạt với tham vọng sản xuất ô tô "made in Vietnam", đến năm 2014, tất cả các nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động với khoản nợ khổng lồ.
Ước mơ về ô tô “Made in Vietnam” tưởng chừng lụi tàn, nhưng sau hơn 20 năm đã sống lại. Năm 2017, nhà máy VinFast được khởi công xây dựng tại vùng đầm lầy ven biển rộng 335ha thuộc Cát Hải, Hải Phòng.
VinFast - đứa con sinh sau đẻ muộn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành mảnh ghép cuối cùng để biến khát vọng ô tô Việt của lớp người đi trước thành hiện thực.
VinFast đã có một hành trình tưởng như bất khả thi, khi chưa đầy 2 năm đã biến một vùng đầm lầy thành những nhà xưởng hiện đại và xóa tan những nghi hoặc về “giấc mơ ô tô Việt” với hai mẫu xe đầu tiên ra mắt tại Paris Motor Show 2018.
Trong những ngày đầu tiên, cái tên VinFast khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về mục đích và hiệu quả hoạt động, khi thị trường đã có quá nhiều tên tuổi với hàng chục năm kinh nghiệm như THACO, Thành Công hay Toyota, Honda…
Vậy nhưng, từ những chiếc xe đô thị hạng A Fadil đầu tiên lăn bánh trên đường, đến năm 2020, VinFast đã đứng thứ tư về doanh số bán hàng. Và, người ta đã gật đầu công nhận sự nghiêm túc của VinFast trong việc chinh phục giấc mơ Việt Nam.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng từng cho biết sẽ kiên quyết theo đuổi mục tiêu đến năm 2021 có thể xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ. Ông đã bỏ 2 tỷ USD tiền túi, chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư của VinFast để đạt được mục tiêu này.
Không chỉ là sản phẩm chất lượng, những chiếc xe điện VinFast còn là biểu tượng cho nỗ lực chinh phục những đỉnh cao trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao của nhiều thế hệ người Việt,
Bà Lê Thị Thu Thủy
Những nỗ lực của ông và VinFast ghi được dấu ấn khi 2 mẫu ô điện của VinFast xuất hiện trong “Lễ ra mắt thương hiệu xe điện toàn cầu VinFast” tại Mỹ hôm 18/11/2021. Đây được coi là bước đột phá mang tính lịch sử đối với VinFast nói riêng và với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung.
Sự xuất hiện của VinFast tại Triển lãm ô tô Los Angeles (LA Auto Show) 2021 cũng đưa Đông Nam Á trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới, khi giới thiệu đến công chúng quốc tế một thương hiệu xe điện thông minh toàn cầu.
Để làm nên kỳ tích này, ông Michael Lohscheller, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu tự hào chia sẻ, VinFast không trói buộc mình trong những giới hạn. Mặc dù mới được thành lập hơn 4 năm, nhưng trong thời gian ngắn đó, VinFast đã “bứt phá mọi giới hạn” về cách một nhà sản xuất xe phải tư duy, vận hành, thiết kế cho khách hàng.
“VinFast đã khiến tôi và những đồng nghiệp quốc tế nhiều lần bất ngờ, với những chiến lược táo bạo, những nghiên cứu bài bản và sự cương quyết để làm ra những chiếc ô tô điện đẳng cấp thế giới”, ông Michael Lohscheller nhấn mạnh.
Chia sẻ về thành công của VinFast, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thuỷ cho biết, “Tốc” là một trong những giá trị cốt lõi của Vingroup. “Tốc” là tốc độ hiệu quả trong mỗi công việc: Quyết định nhanh, đầu tư nhanh, triển khai nhanh, bán hàng nhanh, thay đổi và thích ứng nhanh”.
Ở thời điểm khánh thành (tháng 6/2019), VinFast từng được vinh danh như một kỳ tích trong ngành công nghiệp ô tô thế giới vì đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt một nhà máy sản xuất ô tô quy mô lớn và hiện đại hàng đầu khu vực chỉ trong vòng 21 tháng.
Tuy nhiên, với những ai biết về Vingroup và năng lực triển khai thần tốc của Vingroup có lẽ sẽ không quá ngạc nhiên.
Theo thống kê, trong tháng 9/2021, VinFast có tháng thứ hai liên tiếp bán nhiều xe con nhất thị trường với tổng 3.497 xe đến tay khách hàng. Lũy kế từ đầu năm, VinFast bán 25.527 xe, xếp thứ tư trong danh sách các hãng có thị phần lớn nhất.
Xe điện xanh - Tương lai của sự di chuyển
Chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải chia sẻ với VTC News, VinFast đặt trọng tâm vào việc sản xuất xe điện là một bước đi có tính toán và thông minh.
Ông Hải lý giải, việc VinFast sản xuất xe điện sẽ giảm tính cạnh tranh khi bước vào thị trường ô tô vì nếu sản xuất xe chạy động cơ đốt trong thì phải cạnh tranh với những thương hiệu đã có từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi.
Còn đối với thị trường xe điện, hãng xe lâu đời nhất cũng chỉ mới có hơn 10 năm tuổi. Hơn nữa, xe điện trong tương lai sẽ là xu thế toàn cầu. Vì vậy, việc chú trọng phát triển xe điện của VinFast là một bước đi đúng đắn.
Một trong những ưu điểm nổi bật của xe điện là xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Xe điện là phương tiện giao thông không phát thải trực tiếp ra môi trường. Cụ thể hơn, trong một nghiên cứu mới nhất ở Úc cho biết, tổng phát thải trực tiếp và gián tiếp của mỗi chiếc xe máy dùng xăng vào khoảng 588 gram CO2 khi chạy 1km.
Trong khi đó, phát thải của một chiếc xe điện sạc ắc quy khoảng 213 gram, thấp hơn 40% so với xe chạy bằng nhiên liệu xăng. Vì vậy, sử dụng xe điện công nghệ hiện đại góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm.
Có thể thấy, xe ô tô điện đang ngày càng chứng tỏ ưu thế trong ngành công nghiệp ô tô khi có bước tăng trưởng nhảy vọt trong vài năm gần đây. Không chỉ các hãng sản xuất xe hơi, các “gã khổng lồ” công nghệ cũng bắt đầu tham gia vào thị trường khiến xu hướng ô tô điện càng có triển vọng hơn bao giờ hết.
Năm 2020 tiếp tục đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện khi doanh số toàn cầu tăng trưởng 39% so với năm trước. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, số lượng ô tô điện bán ra đạt mốc 3,2 triệu chiếc, chiếm 5% tổng số xe ô tô mới được bán ra trong năm. Trong bối cảnh doanh số ô tô du lịch toàn cầu suy giảm 14% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đây quả là một con số rất ấn tượng.
Chia sẻ trên Bloomberg về lý do chọn sản xuất xe điện, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng cho rằng: “Tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng nhanh. Họ đang lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường và sẽ tích cực đón nhận cuộc cách mạng giao thông xanh”.
Tại buổi lễ ra mắt ô tô điện VinFast toàn cầu diễn ra ngày 18/11 tại Mỹ, ông Michael Lohscheller, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cũng chia sẻ lý do ông chọn VinFast là nơi để cống hiến và gửi niềm tin của mình, một lý do mang tính cá nhân: các con của ông quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ môi trường.
Vì vậy, định hướng vào cuộc cách mạng xe điện để đẩy nhanh các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu của hãng xe Việt Nam đã thuyết phục được ông.
Người mới đến – Chớ vội coi thường
Đó là nhận định của chuyên gia, báo chí quốc tế với sự kiện ra mắt xe của VinFast. "Sẽ là sai lầm nếu coi thường người mới đến", tờ báo Pháp Caradisiac nhấn mạnh khi bình luận về hướng đi được đánh giá là khác biệt của VinFast và nhắc lại việc VinFast đặt showroom đầu tiên ở khu vực Paris, cách đó không xa chính là một cửa hàng của Tesla.
Business Insider, tờ báo điện tử hàng đầu thế giới về tài chính, doanh nghiệp cũng giật tiêu đề lớn về những mẫu xe điện Việt chính thức giới thiệu ở Mỹ và "thách thức" Tesla ngay trên sân nhà. Business Insider nhận định, tại Mỹ, VinFast sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của không chỉ ông lớn như Tesla mà còn nhiều công ty khởi nghiệp khác như Rivian, Lucid...
Tuy nhiên, tờ báo nổi tiếng thế giới nhấn mạnh 3 trụ cột chính sẽ làm nên thế mạnh cạnh tranh của hãng xe Việt. Đó là cung cấp cho người tiêu dùng một sản phẩm đẳng cấp thế giới hấp dẫn, giá cả hợp lý và dịch vụ khách hàng tuyệt vời.
Automotive News, chuyên trang ô tô hàng đầu Bắc Mỹ cho rằng, với một hãng xe còn "non trẻ" như VinFast, để đặt chân vào thị trường Mỹ là không dễ. Dẫu vậy, chuyên trang này vẫn tin rằng, hãng xe Việt Nam có "vũ khí" về tốc độ và công nghệ.
"VinFast nắm trong tay tất cả những gì cần có của một nhà sản xuất ô tô công nghệ cao và hứa hẹn sẽ tạo nên những sản phẩm ấn tượng".
Khẳng định xe điện VinFast xứng đáng là những sản phẩm đại diện cho giá trị, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam bước ra thế giới, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, tại các thị trường mới nơi Vingroup đang đặt những bước chân đầu tiên, các sản phẩm như ô tô điện VinFast VF e35, VF e36 cũng sẽ được khách hàng chào đón và tin tưởng sử dụng. Không chỉ là sản phẩm chất lượng, những chiếc xe điện VinFast còn là biểu tượng cho nỗ lực chinh phục những đỉnh cao trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao của nhiều thế hệ người Việt, hiện thực hoá khát khao làm ra được những sản phẩm có tầm vóc với đẳng cấp quốc tế của người Việt Nam”.
Hành trình chinh phục thế giới của sản phẩm xanh VinFast mới chỉ bắt đầu. Sẽ còn chặng đường rất dài và gian nan ở phía trước. Song, với “chiến binh” VinFast, cơ hội và niềm tin rất sáng rõ. Hãy chờ xem câu chuyện “cổ tích” chinh phục thế giới của hãng xe Việt sẽ diệu kỳ ra sao.
Bình luận