Kết thúc quý 1, sau khi khấu trừ các chi phí liên quan, lợi nhuận Masan Group đạt 2.500 tỷ đồng từ sự đóng góp của các công ty thành viên gồm Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MEATLife (MML) và Masan High-Tech Materials (MHT), bù đắp cho doanh thu sụt giảm của VinCommerce do đóng cửa 700 điểm bán.
Lợi nhuận dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong các quý tới được Masan kỳ vọng vào việc cải thiện lợi nhuận thương mại tại VinCommerce, kể cả biên lợi nhuận ổn định của MCH cùng lợi nhuận tăng từ MML và MHT.
Mảng bán lẻ VinCommerce (VCM) đã có lợi nhuận trong hai quý liên tiếp, biên EBITDA cải thiện từ mức 0,2% vào quý 4/2020 lên 1,8% vào quý 1/2021. VCM mục tiêu tăng lợi nhuận thương mại lên 2,5% - 3,0% cho năm tài chính 2021.
Doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi chiến lược tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng. Trong quý, chi phí vận hành trung bình của mỗi điểm bán/tháng tiếp tục giảm gần 10% đối với VinMart+ và gần 20% đối với VinMart.
Ngành hàng thực phẩm tiện lợi được dự báo từ trước là có mức tăng trưởng chậm so với quý 1/2020 do người tiêu dùng tăng cường dự trữ thực phẩm trong bối cảnh COVID-19 vào cùng kỳ năm trước. Ban điều hành dự kiến lợi nhuận sẽ được cải thiện ở mức tương đương năm 2020 trong các quý tiếp theo khi chi phí đầu tư thương hiệu và chi phí bán hàng được tối ưu hóa.
Masan MEATLife (MML) tăng trưởng doanh thu 38,5% so với quý 1/2020 do quy mô mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tăng gấp đôi và sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20% khi người chăn nuôi heo bắt đầu tái đàn.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, hé lộ mục tiêu chiến lược trong thời gian tới: "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, hướng đến phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng vào năm 2025. Mục tiêu đến cuối 2021, số lượng điểm bán lẻ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi Masan sáp nhập. Điểm khác biệt duy nhất là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận”.
Bình luận