Giữa thời điểm kinh tế khó khăn, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng Vinamilk vẫn trở thành “điểm sáng” duy nhất trong khối doanh nghiệp tư nhân có nhiều đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2013 (V1.000) vừa được Vietnam Report công bố, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đứng thứ 8 trong 10 doanh nghiệp đứng đầu đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất năm 2012. Tuy nhiên, Vinamilk lại được đánh giá là biết sử dụng vốn hiệu quả nhất trong số 10 doanh nghiệp dẫn đầu.
Vinamilk, “điểm sáng” đóng góp cho ngân sách Nhà nướcĐể đạt được thành tích trên, trong những năm qua Vinamilk đã không ngừng cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng thêm nhiều nhà máy mới |
Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hiệu quả
Đánh giá của Vietnam Report, các doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng V.1000 năm nay là những doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập cao và tuân thủ tốt các quy định về thuế trong giai đoạn xếp hạng. Bên cạnh việc phản ánh đóng góp của các doanh nghiệp với ngân sách quốc gia, thứ tự xếp hạng cũng phần nào thể hiện được hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Căn cứ vào bảng xếp hạng, Vinamilk đứng ở vị trí thứ 8 và xếp trên 2 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank và BIDV. Cụ thể, đứng đầu bảng xếp hạng là: PVEP, Viettel, Mobifone, PVGas, Petro Vietnam, Viettinbank, Agribank, Vinamilk, Vietcombank, BIDV.
Dù đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 nhưng Vinamilk lại là doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả nhất, cứ một đồng vốn của Vinamilk lại sinh ra 0,7 đồng lợi nhuận.
Các chuyên gia cho rằng, vị trí của Vinamilk trên bảng xếp hạng thể hiện đúng năng lực và vị thế của Vinamilk. Trong suốt những năm qua Vinamilk luôn được xem là “điểm sáng” hiếm hoi về đạt hiệu quả kinh doanh cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cổ phiếu của Vinamilk luôn được xem là cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán không chỉ vì qui mô vốn lớn, thương hiệu uy tín và còn vì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, hiệu quả hoạt động cao, Vinamilk cũng là một trong những công ty có mức chia cổ tức rất ấn tượng nên luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Năm 2012, tiếp tục là một năm kinh doanh thắng lợi của Vinamilk, công ty đạt 27.101 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với năm 2011.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng cao đã giúp các tỷ suất sinh lời trên tài sản ROA và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE không ngừng tăng lên. Trong năm 2012, Vinamilk tăng vốn từ 5.561 tỷ lên 8.339 tỷ đồng, ứng với qui mô vốn tăng lên thì Vinamilk cũng tăng cường hiệu suất sử dụng vốn tốt hơn năm 2011.
Cụ thể, chỉ số ROA năm 2011 đạt 27% so với năm 2012 tăng lên 30%, tương tự chỉ số ROE năm 2011 đạt 34% so với năm 2012 tăng lên 38%. Qua đó cho thấy các tỷ suất sinh lời của Vinamilk rất ấn tượng.
Bước sang năm 2013, Vinamilk đặt kế hoạch 32.500 tỷ đồng doanh thu và 6.230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính đến hết quý III/2013, doanh thu lũy kế đạt 22.774 tỷ đồng (tăng 16,76% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 5.064 tỷ đồng (tăng 21,4% so cùng kỳ).
Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 9 tháng của Vinamilk đạt 6.076 đồng/cổ phiếu. Tính đến hết tháng 9.2013, Vinamilk đã thực hiện được 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nền tảng vững chắc để phát triển
Theo bảng xếp hạng, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 đạt khoảng 77.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù chiếm số lượng lớn trong danh sách nhưng khối doanh nghiệp tư nhân lại đang mất dần vị thế khi số thuế của nhóm doanh nghiệp này chỉ chiếm 23,4%, thấp hơn với nhóm doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu chỉ xét riêng Top 100 của bảng xếp hạng, con số đóng góp thuế của khối doanh nghiệp này chỉ đạt 18,8% thực sự là mức đáng buồn khi đặt cạnh mức 64,5% của nhóm doanh nghiệp Nhà nước.
Để đạt được thành tích trên, trong những năm qua Vinamilk đã không ngừng cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng thêm nhiều nhà máy mới.
Hiện nay, không chỉ có sữa nước, sữa bột, sữa chua, sữa đặc là sản phẩm chủ đạo mà Vinamilk còn tung ra nhiều mặt hàng khác được ưa chuộng trên thị trường như các loại nước trái cây, sữa đậu nành, kem, nước đóng chai…
Xét trong tương lai, khi nhu cầu sữa vẫn ở mức cao đối với một nước đông dân như Việt Nam, với lợi thế là công ty sữa chiếm thị phần đến 75% sữa đặc có đường, sữa nước 50%, sữa bột 30%, sữa chua lên đến 90% và có qui mô lớn nhất nước thì tốc độ tăng trưởng cao cuả Vinamilk chắc chắn vẫn sẽ được duy trì.
Ngoài ra, trong năm 2013, Vinamilk đã đưa thêm 2 nhà máy sữa hiện đại, có công suất siêu lớn đi vào hoạt động là Nhà máy sữa bột Việt Nam và Nhà máy sữa Việt Nam (sản xuất sữa nước).
Như vậy, sự chuẩn bị trên được xem là nền tảng quan trọng giúp Vinamilk hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đặt ra trong những năm tiếp theo, đồng thời giúp Vinamilk tiến gần hơn đến mục tiêu lọt vào Top 50 doanh nghiệp sữa hàng đầu trên thế giới, với doanh thu đạt mức 3 tỷ USD vào năm 2017.
Nguồn: Vinamilk
Bình luận