Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, mã chứng khoán MVN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu 2018 với kết quả kinh doanh ảm đạm.
9 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ gần 174,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 304,7 tỷ đồng. Đây có thể coi là kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Vinalines trong bối cảnh doanh nghiệp mới IPO và đang tái cơ cấu mạnh mẽ.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vinalines trong khoảng thời gian trên là hơn 9.056 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 10.047 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần đạt 9.044 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 5.644 tỷ đồng, chiếm 62% tổng doanh thu và giảm 14% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khai thác cảng và dịch vụ cảng biển đạt 2.998 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn lại là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 208 tỷ đồng, tăng 24 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, riêng thu lãi tiền gửi đạt 121,5 tỷ đồng, lãi thanh lý các khoản đầu tư tài chính đạt 34 tỷ đồng…
Cũng theo báo cáo, chi phí tài chính trong 9 tháng giảm 362 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn 630 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay giảm 181 tỷ đồng, còn 531 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong thời gian trên là hơn 61,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so cùng kỳ. Trong khi, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhanh hơn, đạt 613,5 tỷ đồng so với 604,6 tỷ đồng của 9 tháng năm trước.
Các công ty liên doanh liên kết trong kỳ khiến Vinalines lỗ 119 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 290 tỷ đồng.
Hiện, Vinalines đang gánh khoản nợ phải trả hơn 20.051 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 11.496 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 8.554 tỷ đồng. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gần 190 tỷ đồng, lên mức 4.563 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm đáng kể 845 tỷ đồng, xuống còn chưa đến 6.000 tỷ đồng. Vay nợ khiến Vinalines phải trả 531 tỷ đồng lãi suất vốn vay trong năm nay.
Năm 2018, Vinalines thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lãi sau thuế 688 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh bết bát hiện nay, Vinalines phải chạy nước rút trong quý cuối cùng của năm để hoàn thành mục tiêu.
Hoạt động kinh doanh của Vinalines bắt đầu gặp khó khăn kể từ năm 2009 và đến 2011 rơi vào tình trạng thua lỗ, ì ạch từ đó đến nay.
Mới đây, Vinalines đã IPO chào bán hơn 488,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng song bị “ế” nặng. Chỉ 5,44 triệu cổ phần được nhà đầu tư đặt mua với giá trúng bình quân 10.002 đồng/cổ phần, thu về trên 54,4 tỷ đồng.
Bình luận