• Zalo

Vinalines Queen chìm, chưa ai giải thích được

Thời sựThứ Năm, 05/01/2012 09:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Đây là một vụ chìm tàu bí ẩn nhất, ngay cả lãnh đạo cùng các chuyên gia và thuyền trưởng lão luyện của Vinalines cũng chưa thể giải thích được".

(VTC News) - “Đây là một trong những vụ chìm tàu bí ẩn nhất, ngay cả lãnh đạo cùng các chuyên gia và thuyền trưởng lão luyện của Vinalines cũng chưa thể giải thích được. Giờ phải chờ kết quả điều tra của các chuyên gia trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thừa nhận.

>Kí ức kinh hoàng trên biển của thủy thủ Vinalines Queen
>Video: Thủy thủ sống sót kể chuyện tàu Vinalines chìm

Tại cuộc họp báo tối 4/1, ngay sau khi thủy thủ Đậu Ngọc Hùng về tới Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Việt cũng không thể lý giải được lý do mất tích của tàu Vinalines Queen: "Tàu Vinalines Queen  được đóng mới năm 2005, với các trang thiết bị hiện đại, tự động, được mua với giá 27 triệu USD. Nhưng khi gặp nạn lại không có bất kể tín hiệu nào, mà mất tích đầy bí ẩn".

Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam(người đứng) cùng các lãnh đạo Vinalines tại buổi họp báo. 

Đánh giá về khả năng có thể tàu chìm do chở quặng nickel, ông Việt lý giải, tàu Vinalines Queen được thiết kế chở hàng rời, nên việc chở quặng nickel là hoàn toàn phù hợp.

“Quặng nickel cũng không phải là loại hàng nguy hiểm mà là loại hàng xô và rắn. Bên cạnh đó, có các luật mà khi chuyên chở, tàu phải tuân thủ nếu không sẽ không được cấp phép rời cảng”, ông Việt nói.

Ngoài ra, ông Việt cũng khẳng định, ông hoàn toàn tin tưởng vào khả năng điều khiển tàu của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện: "Với tuổi đời trên 40 tuổi, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trên 3 năm làm thuyền trưởng. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tàu chở quặng nickel".

“Khi đi trên biển, thuyền trưởng có quyền hành động trước, báo cáo sau khi có nguy hiểm, ảnh hưởng tới tàu và thuyền viên. Trường hợp tàu Queen, thuyền trưởng đã hành động rất đúng khi cho tàu đổi hướng về vị trí an toàn gần nhất…”, ông Việt đánh giá.

Về vấn đề có hay không việc Vinalines chủ quan, thiếu chủ động trong việc tìm kiếm tàu và các thuyền viên tàu Vinalines Queen ngay khi mất liên lạc, để xảy ra việc cứu hộ bị chậm trễ, ông Việt biện minh: “Việc tàu mất liên lạc là điều có thể xảy ra, chúng tôi đã đưa vào diện khẩn cấp và thực hiện ngay, dùng mọi phương tiện để cố gắng bắt tín hiệu của tàu Queen”.

Tuy nhiên, thực tế phải mất 7 tiếng sau thời điểm tàu Vinalines Queen mất tín hiệu, công ty chủ quản mới báo và nhờ sự trợ giúp của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam. Do đó, dẫn tới việc kêu gọi lực lượng cứu hộ các nước trong khu vực tìm kiếm tàu bị chậm trễ.

Nhân viên của Vinalines (trái) ngăn cản phóng viên tiếp cận với thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (phải) tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). 

Trước những câu hỏi dồn dập của báo chí đối với việc thủy thủ Đậu Ngọc Hùng có được thông báo hay lý do tàu bị nghiêng, chìm không? Và việc tại sao công ty lựa chọn chở quặng nickel trong khi biết trước biển rất động? Liệu có phải do thiếu hàng nên chở, bất chấp nguy hiểm?

Trả lời những "chất vấn" của báo chí, ông Nguyễn Quế Dương, Trưởng ban Quản lý Khai thác tàu biển, nguyên là thuyền trưởng đã đứng lên trả lời “hộ” các lãnh đạo khác của công ty. Ông Dương cho rằng, mỗi người trên tàu có một nhiệm vụ riêng, không phải có gì xảy ra trên tàu cũng biết được. Do vậy, có những câu hỏi thủy thủ không thể trả lời được, cũng không thể biết hàng hóa như thế nào. Nhận hàng, xếp hàng, điều chỉnh, lái tàu là trách nhiệm của thuyền phó.

Ông Dương cũng cung cấp thêm thông tin: "Tàu Queen đã có 8 tháng chạy trên tuyến này (cảng Indonesia - Trung Quốc - PV), theo hợp đồng thuê tàu của nước ngoài. Đây không phải là chuyến đầu tiên chở quặng nickel và khi chuyên chở phải đảm bảo an toàn mới chở".

“Khi bốc xếp hàng lên tàu, người ta phải lấy mẫu trong từng quá trình và quân bình ra mới có được số liệu. Cũng không biết quy trình họ lấy mẫu như thế nào để tàu được cấp phép. Cái đó phải trở lại cảng, nơi xếp hàng để tìm hiểu”, ông Dương nói thêm.

“Vụ tai nạn là điều không may mắn với chúng tôi. Riêng với Công ty vận tải biển Vinalines đây là thiệt hại lớn lớn nhất từ trước tới nay”, ông Nguyễn Cảnh Việt kết luận.

Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi của giới báo chí dành cho thủy thủ Hùng nhưng đại diện của Công ty vận tải Vinalines đã ngắt lời PV, với lý do anh Hùng đã thấm mệt sau một hành trình dài và vợ anh đang chờ anh trên tầng 5.

Tại buổi họp báo, rất nhiều phóng viên tỏ ra “nghi ngờ” tính chân thực của những thông tin được thủy thủ Hùng và lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty vận tải biển Vinalines cung cấp. Khả năng những chi tiết  thủy thủ Hùng nêu đã được định hướng từ trước.

Tại buổi họp báo, anh Hùng liên tục khẳng định: “Những thông tin tôi cung cấp là hoàn toàn trung thực về sự thật diễn biến trên tàu. Sự thật tôi không được hướng dẫn trả lời”.

Ngoài ra, ngay khi xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội (vào khoảng 18h40 ngày 4/1), thuỷ thủ Hùng được nhân viên của Vinalines theo rất sát và bảo vệ nghiêm ngặt, khiến cho việc tiếp cận để phỏng vấn anh Hùng ngay tại sân bay rất khó khăn.

Không để anh Hùng tiếp xúc với báo giới, nhân viên của Vinalines đã nhiều lần nhờ tới sự can thiệp của an ninh tại sân bay Nội Bài.

Tại sân bay, trước sự gặng hỏi của báo chí đối với thuỷ thủ Hùng, nhân viên của Vinalines đã tìm mọi cách chặn lại và nói: “Không trả lời bây giờ, sẽ trả lời trong buổi họp báo tối nay” rồi cùng anh Hùng lên xe taxi về công ty.

Ngay chuyện Vinalines tổ chức họp báo, rất nhiều cơ quan báo chí không được biết và phải tự liên hệ đăng ký mới được mời tham gia. Nhiều cơ quan báo chí chưa kịp đăng ký nên khi đến đưa tin đã bị bảo vệ toà nhà công ty dàn hàng chặn ngay ở cổng vào. Chỉ đến khi có sự can thiệp của một lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nhiều đại diện cơ quan báo chí mới được cho lên phòng họp.

Lê Việt



 
Bình luận
vtcnews.vn