Sau 2 năm thống trị của Hà Nội FC, Viettel mang sự hấp dẫn trở lại với V-League ở mùa giải 2020 khi kéo nhà đương kim vô địch vào cuộc đua đến vòng 26. Đây là lần thứ tám giải đấu phải chờ đến giây phút hạ màn mới xác định được ngôi vương. Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những cuộc đua vô địch nghẹt thở đến vòng đấu cuối, với nhiều kịch tính và cả những tai tiếng.
Hà Nội FC 2 lần bị truất ngôi
Trong lịch sử V-League từ năm 2000, thời điểm giải đấu được chuyên nghiệp hóa, chỉ có 3 lần ngôi đầu đổi chủ ở vòng đấu cuối cùng của mùa giải, trong đó 3 lần "nạn nhân" là Hà Nội FC (khi đó vẫn mang tên T&T Hà Nội). Đội bóng Thủ đô để chức vô địch rơi vào tay SHB Đà Nẵng (2012) và Quảng Nam (2017).
Để mất ngôi đầu ở vòng cuối V-League 2012 là thất bại tai tiếng của Hà Nội FC và bầu Hiển. Dù nắm lợi thế về điểm số sau vòng áp chót, đội bóng Thủ đô bị nghi ngờ cố tình thủ hòa đối thủ cạnh tranh trực tiếp Sài Gòn Xuân Thành để giúp SHB Đà Nẵng vượt lên giành ngôi vương.
Năm 2017, Hà Nội FC cũng không giành chiến thắng trong trận đấu mà họ chỉ cần hòa để đăng quang. Dẫn trước Than Quảng Ninh 2-0 nhưng thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm lại để đối thủ lật ngược tình thế với 4 bàn thắng của Rodion Dyachenko và kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 4-4. Đó cũng là trận đấu khiến Văn Quyết mất cơ hội giành Quả Bóng Vàng với hành động thúc cùi chỏ vào Nghiêm Xuân Tú.
Hà Nội FC cũng chính là đội bóng có kinh nghiệm đua vô địch đến vòng cuối nhiều nhất, với 2 lần khác vào các năm 2011 và 2016, nhưng chỉ chiến thắng 1 lần. Ở V-League 2011, họ hòa Sông Lam Nghệ An 1-1 trên sân Vinh trong trận "chung kết" mùa giải và về nhì với 3 điểm ít hơn đối thủ. Năm 2016, đội bóng Thủ đô đăng quang nhờ hơn Hải Phòng hai bàn chỉ số phụ.
Kịch tính nhất: 5 đội tranh vô địch vòng cuối
V-League 2016 cũng là một trong hai mùa giải có tới 4 đội bước vào lượt trận cuối với hi vọng vô địch. Nếu Hà Nội FC và Hải Phòng không giành chiến thắng, ngôi vương có thể rơi vào tay SHB Đà Nẵng hoặc Than Quảng Ninh.
Trước đó 10 năm, V-League còn căng thẳng hơn thế với 5 đội đua vô địch. Trước vòng 24 (V-League 2006 chỉ có 13 đội), đội đầu bảng Gạch Đồng Tâm Long An (37 điểm) chỉ hơn đội thứ năm Sông Lam Nghệ An 3 điểm. Bình Định, Becamex Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai cùng 36 điểm.
Tính đến khoảng phút thứ 80 của lượt trận cuối, chức vô địch nằm trong tay Becamex Bình Dương. Tuy nhiên bàn thắng muộn của Việt Thắng giúp Gạch Đồng Tâm Long An của GĐKT Henrique Calisto đòi lại ngôi đầu để đăng quang nghẹt thở.
Mùa giải 2000/01 và 2003/04 cũng là mùa phải đến vòng đấu cuối mới xác định nhà vô địch. Trong đó 2 mùa này, Nam Định đều về nhì vì những thất bại ở trận quyết định.
Cuộc đua vô địch V-League 2000/01 gây ra nhiều tai tiếng với nghi án Sông Lam Nghệ An bỏ tiền mua chức vô địch. Đội trưởng Hữu Thắng, nay là Chủ tịch CLB TP.HCM phải hầu tòa. Khi đó, đội bóng xứ Nghệ kém Nam Định 1 điểm nhưng đã vượt lên ở vòng cuối khi đánh bại Công an TP.HCM, đồng thời đối thủ cạnh tranh thua Cảng Sài Gòn.
Năm 2004, Nam Định lại bỏ lỡ cơ hội giành ngôi vương với thất bại 0-3 trước Sông Lam Nghệ An. Điều này giúp HAGL dù thua Hải Phòng 0-1 vẫn bảo vệ thành công chức vô địch. Đây cũng là lần duy nhất đội đầu bảng chưa vô địch sớm, thua trận ở vòng cuối vẫn đăng quang.
Bình luận