Chiều 14/6, chia sẻ với VTC News, đại diện Vietnam Airlines cho biết từ đầu vụ vải thiều đến nay, hãng vận chuyển hàng chục chuyến hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Nhật Bản, EU ... và TP.HCM.
“Mỗi ngày khoảng 100 tấn vải thiều Bắc Giang được vận chuyển bằng máy bay của Vietnam Airlines đi tiêu thụ. Từ nay đến khi hết mùa vải, Vietnam Airlines sẽ cùng tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đây là nỗ lực của Vietnam Airlines cùng tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan nhằm sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều. Năm nay, vải thiều Bắc Giang được mùa lớn với sản lượng tăng hàng chục nghìn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra bài toán khó cho việc tiêu thụ nông sản, thế mạnh này của tỉnh. Đặc biệt, khâu vận chuyển hàng hóa cần phải nhanh với khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tươi mới.
Theo đại diện Vietnam Airlines, năm nay là năm đầu tiên hãng bố trí riêng một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt, đây cũng lần đầu tiên quả vải được bố trí “ngồi” trên trên ghế khoang hành khách để tăng tải trọng vận chuyển, bên cạnh được chất xếp trong khoang hàng hóa.
“Boeing 787 và Airbus A350 là các dòng tàu bay thân rộng có trang thiết bị hiện đại và sức tải lớn nhất trong đội bay của Vietnam Airlines, giúp đảm bảo hiệu quả vận tải hàng tươi sống ở mức độ cao nhất”, đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm.
Được biết, các chuyến bay chở quả vải của Vietnam Airlines tuân theo những tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh hết sức chặt chẽ để ngăn ngừa ảnh hưởng của COVID-19, như khử khuẩn tàu bay sau mỗi chuyến bay, phi hành đoàn, nhân viên hàng hóa đều trang bị bảo hộ y tế khi tác nghiệp…
Trước yêu cầu này, ngành hàng không đã được huy động tối đa để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh khiến số lượng chuyến bay sụt giảm, tàu bay phải nằm đất, nhưng hãng hàng không Quốc gia vẫn cam kết bố trí nguồn lực để đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển quả vải và cam kết đảm bảo lưu thông chuyên chở vải đi khắp vùng miền đất nước, kể cả xuất khẩu nước ngoài.
Hai hãng hàng không Bamboo Airways, Vietjet Air cũng có những chương trình hỗ trợ vận chuyển vải thiều Bắc Giang. Theo đó, trong văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang mới đây, Bamboo Airways cho biết sẽ giảm 50% giá cước vận chuyển vải thiều.
Vietjet Air cũng cho biết sẽ miễn phí vận chuyển vải thiều cho một nghìn đơn hàng đầu tiên tại TP.HCM. Hãng sẽ nhanh chóng triển khai các chuyến bay đưa vải thiều Bắc Giang cùng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao Việt Nam đến các thị trường quốc tế, bảo đảm chất lượng sản phẩm tươi ngon.
Hãng cũng kết hợp với Swift247 là đơn vị vận chuyển với mạng lưới giao nhận rộng khắp tại Việt Nam để mang vải thiều đến tận tay khách hàng tại thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Không chỉ hàng không, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có công văn gửi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, đề nghị hỗ trợ vận chuyển nông sản đi các tỉnh miền Trung, miền Nam bằng tàu hỏa.
Theo đó, nông sản từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên sẽ được giảm cước, với mức giảm tối đa lên đến 50%. Hàng hóa sẽ được vận chuyển trên các toa xe chuyên dụng và container lạnh để đảm bảo chất lượng. Thời gian thực hiện từ ngày từ 11/6 đến hết ngày 31/7.
VNR cam kết với nguồn lực hiện có, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ hỗ trợ tối đa các tổ chức, cá nhân, bà con nông dân vùng dịch thực hiện việc vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Bắc tới các tỉnh miền Trung hoặc phía Nam.
Để chung tay trong việc giúp người dân tiêu thụ hàng nông sản được thuận lợi và kịp thời, VNR đề nghị UBND, Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên chỉ đạo, kết nối các tổ chức, cá nhân, nông dân có nhu cầu vận chuyển hàng nông sản với các doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Vải thiều Bắc Giang năm nay ghi nhận được mùa lớn, với sản lượng tăng hàng chục nghìn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra bài toán khó cho việc tiêu thụ nông sản thế mạnh này của tỉnh. Đặc biệt, khâu vận chuyển hàng hóa cần phải rất nhanh chóng, với khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tươi mới.
Bình luận