• Zalo

Việt Nam yêu bóng đá, V-League tốn hàng trăm tỷ đồng, sao sân bóng vắng tanh?

Thể thaoThứ Tư, 10/01/2018 07:50:00 +07:00Google News

Tại sao người Việt Nam không đến sân xem bóng đá là câu hỏi lớn nhất mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra cho những người làm quản lý bóng đá Việt Nam.

Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030” diễn ra cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra rất nhiều câu hỏi cho những người tổ chức, điều hành và quản lý bóng đá Việt Nam. Trong đó câu hỏi lớn nhất là tại sao người dân không đến sân?

pho-thu-tuong-1-1516517

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”

Thống kê V-League trong 4 năm kể từ ngày thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy, khán giả mỗi ngày một quay lưng với bóng đá nước nhà. Có thể nhiều người sốc khi biết rằng, suốt hơn nửa thập kỷ qua, mỗi năm, chỉ chưa đến 2% người dân Việt Nam đi xem V-League. 

Cụ thể, mùa giải 2013, tổng lượng khán giả đến sân là 1.200.000, trung bình 11.091 người/trận. Mùa giải 2014, con số này giảm sâu, chỉ còn 986.500, trung bình 6.947 người/trận.

Năm 2015, hiệu ứng HAGL kéo khán giả trở lại, nhưng sau lượt đi, những thất bại ê chề của đội bóng nhà bầu Đức lại đẩy V-League rơi theo đà suy thoái. Tổng số khán giả tới sân mùa giải này là 1.346.500 lượt người, trung bình 7.400 người/trận, tăng khoảng 350 người/trận so với năm 2014 nhưng vẫn thấp hơn so với mùa 2013.

V-League 2016, lượng khán giả trung bình tiếp tục giảm xuống còn 6.257 người/trận và hết mùa giải 2017 thì thấp kỷ lục. Cụ thể, tổng số khán giả đến sân sau 26 vòng đấu V-League 2017 chỉ là 1.017.000 lượt, trung bình mỗi vòng đấu là 39.115 người và trung bình mỗi sân đấu là 5.592 người. Trận Long An – XSKT Cần Thơ ở vòng đấu cuối cùng chứng kiến số người đến sân theo dõi một trận đấu của V-League thấp nhất lịch sử với 200 người.

ha-noi-sai-gon-v-league-15-38-0701148 3

  Còn mấy ai quan tâm đến V-League?

Một giải đấu tiêu tốn hàng trăm tỷ, kéo dài suốt 9 tháng mà chỉ thu hút 2% người dân tới xem. Đó là con số quá thấp, rất đáng suy nghĩ.

Bóng đá không khán giả là bóng đá chết. Bóng đá giảm khán giả là bóng đá đang tụt hậu, bóng đá thiếu chuyên nghiệp! Và nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bóng đá không có dân là bóng đá không có nguồn lực để tồn tại.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa chia sẻ rằng, theo thống kê ở Nhật Bản, Hàn Quốc, 60% nguồn thu của các CLB đến từ truyền thông.

Còn ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên tổng giám đốc VPF thì nêu ý kiến: “Hiện nay chúng ta vẫn trao đổi 15 phút quảng cáo cho các đài truyền hình. Cái trao đổi này có thể lên tới 80 đến 100 tỷ nhưng tính ra, giá trị kinh tế lại bằng 0. Vậy Nhà nước cần phải tạo ra những cơ chế để áp đặt các đài truyền hình tuân thủ việc thực hiện bản quyền truyền hình. Bởi đây mới là nguồn thu của giải đấu”.

Song tiền bản quyền truyền hình, truyền thông không tới từ các quyết sách của chính phủ mà phải từ chính đôi chân cầu thủ, từ những màn trình diễn trên sân cỏ.

V-League vừa phải trả giá đắt cho việc không thể kéo khán giả đến sân bằng việc Toyota từ chối gia hạn hợp đồng tài trợ sau 3 mùa bóng. Toyota cho biết, họ khó khăn về tài chính và muốn giảm giá trị tài trợ. Nhưng hãy nhìn sang Thái Lan, nơi Toyota vừa chi 5 triệu USD/mùa tài trợ cho Thai League để thấy một thực tế rằng, lý do “khó khăn tài chính” chỉ là cách từ chối khéo của đối tác Nhật Bản. Họ thực sự không còn mặn mà với một giải đấu có quá ít khán giả tới sân và hiệu quả truyền thông rất thấp.

ha-noi-sai-gon-v-league-17-16-0648117 4

 Toyota đã bỏ V-League sau 3 năm tài trợ vì giải đấu thiếu vắng khán giả.

Đến đây, xin trở lại với chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thấy những gì ông nói mới là bản chất của vấn đề.

“Bóng đá suy cho cùng nếu đông người dân tham gia vào thì sẽ có nguồn lực. Anh nào nói 60% nguồn lực do truyền thông nhưng nếu không có người dân cũng không ra % nào. Miễn là mình làm đủ 3 cái thật, đẹp, chính xác, tự dân sẽ đến, dân đến sẽ có tiền, có tiền thu nhập sẽ lên, không chỉ tự chủ được, các cháu, các em, các anh chị VĐV, HLV tự nhiên sẽ có nguồn lực”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm.

Làm bóng đá vì dân, vì khán giả rõ ràng vừa là động lực vừa là mục tiêu. Làm cho THẬT, cho ĐẸP, cho CHÍNH XÁC là phương thức nhanh nhất, ngắn nhất để đạt được mục tiêu đó. Thông điệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chuyển tới mỗi cầu thủ, huấn luyện viên, giám sát, trọng tài các nhà quản lý, tổ chức, điều hành bóng đá nước nhà đã rõ. Và không thể không thay đổi.

“Bóng đá Việt Nam nếu ví như cơ thể, thì các giải chuyên nghiệp và đội tuyển là bộ mặt. Những nhứng thứ lộ ra trên mặt mình thấy nó không tốt rồi thì dứt khoát trong tối đa mình phải chấn chỉnh.

Chúng ta phải có lộ trình và khi có lộ trình phải lưu ý mấy điểm. Đầu tiên phải theo chuẩn mực chung thế giới. Khi theo chuẩn mực thế giới rồi thì phải xem lại mình, soi lại mình xem những gì là ngược, hay những thứ không đúng thì mình phải kiên quyết với thái độ vì lâu dài, thậm chí ngay trước mắt nếu phải làm những gì đó có thể làm bóng đá bị chững lại cũng không sao cả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn