Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu: Tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc biển. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện, xây dựng các tiêu chí cụ thể và hành động sát với các tiêu chí đó.
Lợi thế biển lớn
Với đường bờ biển dài 3.260 km kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Hà Tiên (Kiên Giang) và nhiều bãi biển đẹp, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Một vùng đặc quyền kinh tế lên tới 1 triệu km vuông cùng gần 3.000 đảo lớn, nhỏ hợp thành tuyến bảo vệ, kiểm soát, làm chủ các vùng biển và thềm lục địa.
Việt Nam có nhiều cảng nước sâu có giá trị như Hòn Gai, Cái Lân, Nghi Sơn, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Thị Vải, Vũng Tầu, Hòn Chông cùng với nhiều điểm cảng trung bình như Hải Phòng, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang…, với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển có thể đạt tới 50 triệu tấn/năm.
Đối với nước ta, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trong vấn đề chiến lược. Về mặt kinh tế, đây là kho tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng với khoảng 160.000 loài. Riêng trữ lượng động vật biển ước tính 32,5 tỷ tấn, trong đó cá chiếm tới 86%, vào khoảng 5 triệu tấn/năm và mỗi năm có thể đánh bắt khoảng 2,3 triệu tấn.
Ngoài ra, Biển Đông còn có trữ lượng dầu khí rất lớn, vào khoảng 7 tỷ thùng, khả năng sản xuất khoảng 2,5 triệu thùng/ngày (theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ). Còn theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông vào khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa ước tính đạt 105 tỷ thùng.
Về mặt chiến lược, vùng biển và ven biển Việt Nam có vị trí quan trọng, nằm trong tuyến hàng hải và hàng không thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực. Đây là chiếc cầu nối có vai trò trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Với vị trí địa chiến lược như vậy, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một quốc gia mạnh về biển - bước đi đầu tiên trong lộ trình trở thành “cường quốc biển” khu vực.
Trình độ khai thác biển thấp
Để trở thành một quốc gia mạnh về biển, trước hết phải phấn đấu để kinh tế trên biển và ven biển đóng góp tỷ lệ cao vào GDP của cả nước. Theo các số liệu tính toán, kinh tế biển và vùng ven biển chiếm khoảng 47 - 48% tổng GDP, trong đó, kinh tế biển chiếm khoảng 20 - 25%. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm khoảng trên 98%, trong đó, khai thác dầu khí chiếm 60%, hải sản 14%, hàng hải 11%, du lịch biển 9%. Các ngành liên quan đến khai thác biển như đóng tàu, chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, thông tin liên lạc có quy mô khá nhỏ.
Để trở thành một quốc gia mạnh về biển, chiến lược cường quốc biển của Việt Nam cần phải dựa trên ba trụ cột quan trọng về kinh tế, an ninh-quốc phòng và hàng hải, cần phải xây dựng một chiến lược tổng thể hướng tới mục tiêu ở các mốc quan trọng từ nay đến năm 2030 và 2045.
TS Phạm Cao Cường
Một trong những khó khăn của chúng ta hiện nay là kinh tế biển và vùng ven biển phát triển còn khá chậm, cơ cấu chưa hợp lý và vẫn ở trình độ thấp. Cơ cấu ngành nghề cùng phương thức khai thác kinh tế biển chủ yếu là sản xuất nhỏ, mang tính tự phát. Trình độ khai thác biển thấp, phương tiện khai thác thô sơ, lạc hậu nên quá trình phát triển và khai thác mới chỉ dừng lại ở vùng biển trong nước chứ chưa tiếp cận tới các vùng biển quốc tế.
Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển còn thấp. Theo chu kỳ từ 2005 đến 2017, đóng góp của kinh tế biển vào GDP có xu hướng giảm và thiếu bền vững. Năm 2005, kinh tế biển chiếm 48% GDP, giảm xuống 40,73% vào năm 2010 và chỉ còn khoảng 30,19% trong năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người của 28 tỉnh ven biển thấp hơn so với cả nước. Tỷ trọng đóng góp chung của kinh tế hàng hải vào GDP cả nước còn rất nhỏ và có xu hướng giảm (chỉ chiếm 0,97% trong năm 2017).
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh kinh tế biển. Đồng thời, khoa học và công nghệ biển của chúng ta còn yếu, chưa được xây dựng và đầu tư phù hợp. Công tác nghiên cứu khoa học biển vẫn chưa có quy hoạch, kế hoạch và thiếu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Môi trường biển và ven biển nhiều nơi còn bị ô nhiễm, nhất là tại những nơi tập trung phát triển vận tải biển, công nghiệp ven bờ...
Hiện nay, Hải quân Việt Nam được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Với đội sáu tàu ngầm Kilo được đưa vào biên chế, Quân chủng Hải quân có đầy đủ “5 ngôi sao biển” là: không quân hải quân, tàu ngầm, hải quân đánh bộ, tên lửa chống hạm và tàu mặt nước.
Cần có một chiến lược “cường quốc biển”
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển trên nền tảng của những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến. Nghị quyết 26/NQ-CP đặt mục tiêu hàng đầu là bảo đảm thực thi đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước năm 1982 của LHQ về Luật Biển - UNCLOS. Nghị quyết đồng thời là định hướng bền vững cho quy hoạch, phát triển kinh tế biển, bao gồm: khai thác tài nguyên, đánh bắt, dịch vụ - du lịch ven biển dọc chiều dài bờ biển Việt Nam qua 28 tỉnh và thành phố.
Tuy nhiên, trước bối cảnh quốc tế có sự thay đổi nhanh chóng, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, và xa hơn là một “cường quốc biển”, đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược bài bản, tổng thể và lâu dài. Cần phải có một “chiến lược cường quốc biển” ở tầm quốc gia để có thể huy động được nhiều nguồn lực, vừa phát triển kinh tế đất nước, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã triển khai theo hướng này. Trong đó, Ấn Độ là một quốc gia đang tiến lên trở thành một cường quốc biển. Để thực hiện tham vọng, Ấn Độ đã đề ra tầm nhìn, chính sách tổng thể mang tính dài hạn. Đối với Nhật Bản, từ những năm 1940, quốc gia này đã chú trọng xây dựng chiến lược để trở thành một cường quốc biển khu vực.
Tại Đông Nam Á, trong nhiều thập niên qua, Indonesia đã có nhiều biện pháp để xây dựng quốc gia vạn đảo trở thành một cường quốc biển tại khu vực. Dưới thời Tổng thống Joko Widodo, Indonesia tập trung vào việc tăng cường an ninh hàng hải của Indonesia, mở rộng khung ngoại giao bao phủ toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi hải quân Indonesia như một cường quốc hàng hải tại khu vực Đông Á.
Như vậy, có thể thấy, các quốc gia có tham vọng trở thành cường quốc biển đều chú trọng xây dựng một chiến lược tổng thể, trong đó bao gồm cả việc xây dựng một chiến lược an ninh hàng hải của riêng mình.
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam không ngoại lệ trong quá trình xây dựng một quốc gia mạnh về biển, và xa hơn là trở thành một cường quốc biển khu vực. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lược tổng thể, toàn diện để hướng tới mục tiêu, trong đó có những mốc quan trọng từ nay đến năm 2030 và 2045. Chiến lược này sẽ đề ra tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể đối với từng giai đoạn.
Cũng giống như chiến lược của các quốc gia khác, chiến lược cường quốc biển của Việt Nam cần phải dựa trên ba trụ cột quan trọng về kinh tế, an ninh-quốc phòng và hàng hải. Bên cạnh đó, nó phải thể hiện một tầm nhìn chung trong việc khai thác và sử dụng biển một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và các biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Bình luận