Với đặc tính độ trễ thấp, dung lượng lớn và thời gian đáp ứng nhanh, 5G sẽ tạo ra nhiều cơ hội ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau (như IoT, đô thị thông minh, y tế thông minh…), không chỉ đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu như 4G. Đồng thời, theo dự báo, giá thành trên 1GB của 5G thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/10 giá thành của dữ liệu so với 4G.
Làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, bà Armstrong cho rằng tốc độ tiếp cận công nghệ nói chung và công nghệ 5G nói riêng của Việt Nam vượt xa so với nhiều quốc gia khác. Bà đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy triển khai công nghệ 5G vào năm 2020 tại Việt Nam cũng như năng lực nội tại trong nước, năng lực của các nhà mạng viễn thông, các nhà sản xuất thiết bị mạng, thiết bị cơ sở hạ tầng, thiết bị đầu cuối bao gồm cả điện thoại và IoT.
Thực tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của CMCN 4.0.
Cụ thể, Ban Kinh tế Trung ương đã được Bộ Chính trị giao chủ trì phối hợp với các ban, bộ ngành xây dựng Đề án quốc gia về: “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam” dự kiến hoàn thành vào Quý IV năm nay.
Trong đó, nếu như CNTT được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.
Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21.
Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ Qualcomm nhận xét với nguồn nhân lực tài năng về mặt công nghệ, kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019 và triển khai thương mại vào năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những chính sách của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Bà đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện và hiệu quả để có thể triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G.
Cụ thể, bước đầu tiên, Việt Nam cần có chiến lược sẵn sàng về băng tần cho 5G (bao gồm: băng tần trên cao, băng tần trung và băng tần thấp). Tiếp đó, các nhà mạng phải có kết hoạch trong việc thiết kế, xây dựng hạ tầng 5G cùng kế hoạch kinh doanh cho phân khúc thị trường mà 5G hướng tới và chiến lược triển khai mạng. Cuối cùng, Việt Nam cần có sự sẵn sàng của các thiết bị đầu cuối.
Là một tập đoàn hàng đầu thế giới về phát triển và thương mại hóa công nghệ di động, bao gồm cả 4G và 5G, Qualcomm sẽ luôn nỗ lực đồng hành và hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển hệ sinh thái 5G nói riêng và hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nói chung.
Hiện nay, một số hỗ trợ cụ thể của Qualcomm đối với Việt Nam có thể kế đến như cung cấp tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về băng tần 5G; đang làm việc với Cục Tần số về chiến lược băng tần cho 5G và hỗ trợ Viettel, VNPT huấn luyện những xu hướng về công nghệ 5G và chiến lược thiết kế mạng lưới.
Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” được tổ chức là cơ hội thảo luận các vấn đề công nghệ thông tin - viễn thông và xây dựng phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhận định các cơ hội và thách thức tiềm năng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với quyết tâm trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ những nhóm vấn đề chính: “Phát triển 5G và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước”; “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vai trò của hệ sinh thái”. Các đại biểu cũng đã thảo luận về các vấn đề: “Chính sách hỗ trợ ngành viễn thông hướng tới 5G” và “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo thông qua các Quy định Thân thiện và Hệ sinh thái Hỗ trợ”.
Bình luận