Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong ngày làm việc cuối cùng (17/10) cơ quan thường trực sẽ cho ý kiến việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo nội dung phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo và Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra trước khi Uỷ ban Thường vụ thảo luận.
Theo quy trình, sau khi Uỷ ban Thường vụ cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10.
Trước đó, trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Nhật, tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều khả năng CPTPP sẽ hoàn tất trong năm nay.
“Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai”, Thủ tướng nhấn mạnhh
CPTPP là một khu vực thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, cân bằng lợi ích, do đó có thể tạo thêm động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về khả năng mở rộng CPTPP, Thủ tướng cho biết, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước đối tác (như Anh, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc), tuy nhiên theo quy định, việc mở rộng sẽ được xem xét trên cơ sở đồng thuận chung và sau khi CPTPP đi vào triển khai. Vì vậy, trước mắt Việt Nam cùng các nước thành viên tập trung hoàn tất phê chuẩn để sớm triển khai Hiệp định và xem xét các đề nghị này sau đó.
CPTPP được ký kết tại Santiago (Chile) vào tháng 3/2018. Hiệp định này gồm 11 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại. Hiệp định này cũng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Bình luận