Ngày 31/3 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp thảo luận về tình hình Myanmar bằng hình thức trực tuyến. Đây là cuộc họp lần thứ ba của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chủ đề này trong hơn một tháng qua. Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener thông tin về tình hình tại Myanmar thời gian qua, cho biết từ ngày 1/2 đến nay đã có hơn 520 người chết, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ, đồng thời bày tỏ lo ngại tình hình có thể diễn biến xấu hơn, kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét có hành động tập thể để tránh tiếp tục đổ máu.
Sau khi nghe Đặc phái viên báo cáo, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã phát biểu, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, dẫn đến cái chết của hàng trăm dân thường, lên án việc sử dụng bạo lực và yêu cầu các bên giảm căng thẳng, đối thoại để giải quyết vấn đề. Các nước đề cao vai trò của ASEAN, mong muốn các hội nghị của ASEAN tới đây sẽ giúp Myanmar tìm ra giải pháp thỏa đáng. Các nước cũng ủng hộ Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar trong các nỗ lực duy trì đối thoại với tất cả các bên liên quan tại Myanmar và trong chuyến thăm khu vực sắp tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nêu quan ngại sâu sắc của Việt Nam về tình trạng leo thang bạo lực tại Myanmar, trong đó có những diễn biến xảy ra ngày 27/3 vừa qua. Đại sứ lên án và kêu gọi chấm dứt ngay những hành động bạo lực nhằm vào dân thường. Đại diện Việt Nam cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hoà giải, hợp tác và xây dựng lòng tin, với trọng tâm vì người dân, trong tìm kiếm giải pháp cho tình hình hiện nay, đóng góp vào hoà bình, ổn định của Myanmar và khu vực. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Myanmar chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, tránh các hành động có thể làm gia tăng chia rẽ trong nội bộ Myanmar và thúc đẩy một giải pháp toàn diện, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp của Myanmar cũng như đáp ứng ý chí và nguyện vọng của người dân.
Nhân dịp này, Việt Nam cũng chia sẻ những nỗ lực của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ Myanmar, kêu gọi các nước ủng hộ những nỗ lực này của ASEAN. Đại sứ ủng hộ vai trò của Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar và khuyến khích Đặc phái viên tăng cường phối hợp với ASEAN.
Bình luận