Trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về việc Mỹ tài trợ dự án giám sát các đập trên sông Mekong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung hợp tác quản lý bền vững, công bằng, hợp lý nguồn nước sông Mekong. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp hiệu quả trong sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong"
Hôm 15/12, dự án Mekong Dam Monitor do Washington tài trợ giúp giám sát nguồn nước sông Mekong chính thức ra mặt trong một sự kiện trực tuyến.
Nhờ sử dụng dữ liệu viễn thám và hình ảnh vệ tinh, dự án này hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần về mực nước của các hồ chứa tại 13 đập dọc theo dòng chính sông Mekong cũng như 15 đập phụ có công suất phát điện trên 200MW.
Một trong những mục tiêu của Mekong Dam Monitor là cung cấp hình ảnh và phân tích hàng tuần về 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong cũng như bản đồ, dữ liệu về nhiệt độ, lượng mưa và các chỉ số khác dọc toàn bộ dòng sông.
Mekong Dam Monitor ra đời trong bối cảnh các nước dọc khu vực sông Mekong nhiều năm qua thất vọng về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin.
Trên trang web dự án, Mekong Dam Monitor sẽ tìm cách "chống lại các tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các đập, hồ chứa và dòng nước trên lưu vực sông Mekong" với sự giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên bằng chứng.
Sông Mekong, có chiều dài 4.350 km, chảy từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc qua biên giới các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Các đập thủy điện trên sông Mekong tác động tới nguồn lợi thủy sản, nông nghiệp, sinh kế của 60 triệu dân sinh sống ven sông.
Mekong được đánh giá là một trong những tiểu vùng năng động nhất khu vực ASEAN, đóng vai trò là hành lang chiến lược kết nối Đông Á và Nam Á, là cầu nối đất liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Tại Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng Mekong hồi tháng 7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, vai trò chiến lược của tiểu vùng Mekong và khẳng định sự phát triển của một khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng và bền vững sẽ giúp củng cố vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực, và xây dựng cộng đồng ASEAN.
Các chuyên gia đánh giá hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong là một sáng kiến thành công nhất trong ba thập kỷ qua, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế và tiến trình xóa đói giảm nghèo trong khu vực.
Tuy vậy, do ảnh hưởng của đại dịch COIVD-19, khu vực Mekong cũng đang phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng.
Để vượt qua thách thức này, các nước Mekong cần có những thay đổi nhằm bắt kịp xu thế mới của kinh tế thế giới, tận dụng tốt hơn thành quả của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phổ biến ngày càng sâu rộng của kỹ thuật số.
Chính vì thế, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 13/11, Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam cũng đã tổ chức các chương trình nghị sự tiểu vùng sông Mekong và đối tác.
Tại hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc, lãnh đạo các bên đã nhất trí nâng cấp hợp tác Mekong - Hàn Quốc lên quan hệ đối tác chiến lược vì người dân, thịnh vượng và hòa bình.
Lãnh đạo các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Hàn Quốc đối với khu vực thông qua Quỹ hợp tác Mekong - Hàn Quốc và các nguồn viện trợ chính thức, nổi bật là việc thành lập Trung tâm nghiên cứu chung về nguồn nước và Trung tâm đa dạng sinh học Mekong - Hàn Quốc.
Tầm quan trọng của phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong một lần nữa được nhấn mạnh tại hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản diễn ra cùng ngày.
Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định các nỗ lực chung phòng chống và ứng phó với COVID-19 cũng như chuyển đổi kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khu vực.
Tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và từng bước phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh trong môi trường "bình thường mới" là một số định hướng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị này.
Để đạt được các mục tiêu trên, các nước cần thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư cũng như tăng cường hợp tác y tế bên cạnh hợp tác về quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bình luận