(VTC News) - "Tôi mạnh dạn suy nghĩ thế này, mỗi năm ta có thể tập trung vào đầu tư một số xã, nếu không cứ để tình trạng một đoạn đường mà đầu tư 400 triệu - mưa một cái nó... trôi đi ngay, thà rằng không phải đầu tư một lúc 1.848 xã mà năm nay chỉ làm 200 xã thôi..."
Ý kiến trên được Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đưa ra tại buổi thảo luận về việc thực hiện xóa đói giảm nghèo qua chương trình 135 giai đoạn 2 diễn ra hôm qua (12/4).
Khi bắt đầu Chương trình 135, giai đoạn 2 (2006) có 1.622 xã, sau 4 năm đã bổ sung 314 xã vào diện đầu tư của Chương trình và xét quyết định 110 xã hoàn thành mục tiêu chương trình. Như vậy đến nay còn 1.848 xã và 3.274 thôn đặc biệt khó khăn đang thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2. Trong 5 năm, ngân sách trung ương đã bố trí cho Chương trình 135 là 14.024,25 tỷ đồng. |
Hộ nghèo hàng năm giảm nhanh nhưng thiếu bền vững!
Kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, việc thực hiện xóa đói giảm nghèo (XĐGN) từ 2006-2009 và các chương trình quốc gia, các dự án khác trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn bước đầu giải quyết được tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng KTXH như hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, phát tranh truyền hình... đáp ứng được tối thiểu cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại và hạn chế: tập quán lao động sản xuất của đồng bào ở vùng này chậm được thay đổi, sản xuất thuần nông tự sản, tự tiêu vẫn còn phổ biến chậm thích ứng với cơ chế thị trường;
Đa số xã, thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2 tuy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn, nếu thực hiện theo tiêu chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ trở lại rất cao. Qua giám sát thì đến cuối năm 2009, một số tỉnh còn có xã tỷ lệ nghèo cao như: Tuyên Quang 42,2%, Lạng Sơn 49%, Điện Biên 50%, Quảng Bình 49,34%, Quảng Nam 48,78%, Quảng Ngãi 49,94%...
Một hạn chế khác là việc sử dụng vốn và triển khai vốn của các địa phương không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp, cá biệt có địa phương phân bổ vốn sai nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng; Cùng với đó, có rất nhiều xã đã đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng quyết định đưa số xã hoàn thành mục tiêu ra khỏi diện đầu tư của chương trình ít.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết, kết quả trong 4 năm qua có 113 xã hoàn thành cơ bản mục tiêu ra khỏi chương trình, trong đó số xã do ngân sách trung ương đầu tư là 86/1.748 xã chiếm tỷ lệ 4,92%, trong khi đó, số xã do ngân sách địa phương đầu tư là 27/66 xã, chiếm tỷ lệ 40,5%.
Cho thấy, số xã "thoát nghèo" nằm trong diện đầu tư của Nhà nước ít hơn số xã thuộc diện đầu tư của các địa phương, "đây là vấn đề lớn cần nghiêm túc xem xét, đánh giá khi kết thúc Chương trình 135 giai đoạn 2. Cao su là cây xóa đói giảm nghèo chủ lực ở Điện Biên - tỉnh hiện có tới 50% tỷ lệ nghèo (Ảnh: chinhphu.vn)
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, cần đánh giá là rõ thêm tại sao số xã ra khỏi ngân sách trung ương đầu tư thì chưa đến 5% mà số xã ra khỏi ngân sách địa phương tới 40,5%.
Giảm nghèo nhanh thì... tái nghèo nhanh!
Băn khoăn về tỷ lệ giảm nghèo nhanh, bà Mai đề nghị tập trung giảm nghèo là bền vững bởi giảm nghèo nhanh thì tái nghèo lại nhanh, chỉ cần qua thiên tai, bệnh dịch là... giảm nghèo liền.
Cùng với đó, nên có chính sách đệm cho người nghèo và cận nghèo. "Nếu không tình hình thế này thì không ai muốn thoát nghèo" - bà Mai nói.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hà Hùng đề nghị, cần điều chỉnh sớm chuẩn nghèo quốc gia bởi hiện nay cuộc sống nảy sinh những đòi hỏi cao hơn. Theo ông Hùng, quan điểm xây dựng chuẩn nghèo của Việt Nam chỉ dựa theo tiêu chí thu nhập đầu người nhưng các nước khác còn dựa theo tiêu chí cơ sở hạ tầng, không gian nhóm người sinh sống, hạ tầng kinh tế xã hội, môi trường...
Theo đó, các xã diện 135 ban đầu hầu như chưa có gì, kết cấu hạ tầng yếu kém nên gần như nhà nước đầu tư từ đầu. Cùng với đó, suất đầu tư ở giai đoạn 1 mỗi xã 400 triệu mà làm cả đường từ huyện đến thôn xã, rồi thủy lợi, trường học, nhà cửa.... chưa nói đến vấn đề xã ở đây lại rộng như huyện ở đồng bằng nên vốn đầu tư thấp, các xã hầu như chỉ dồn để làm đường giao thông.
Theo ông Hùng, các xã 135 hiện nay còn nhiều khó khăn, nhưng "đầu tư so với nhu cầu còn khiêm tốn lắm". Ông Hùng đề nghị Quốc hội nên có nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này đặc biệt là Nghị quyết cho 135 vừa là giảm nghèo, vừa là đầu tư hỗ trợ phát triển KTXH cho các vùng khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới... Ông Hùng cũng đề nghị Quốc hội ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình XĐGN.
Cùng ý kiến về nguồn đầu tư cho XĐGN, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng, yêu cầu mục tiêu của chương trình là rất lớn (mục tiêu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 30% - trong khi năm 2009 tỷ lệ này là 31,2%; tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu/người/năm là 67,5%...) - nhưng khả năng tài chính ngân sách của chúng ta rất hạn hẹp.
"Tôi mạnh dạn suy nghĩ thế này, mỗi năm ta có thể tập trung vào đầu tư một số xã thôi, phải mạnh dạn, nếu không cứ để tình trạng một đoạn đường đầu tư 400 triệu mà mưa một cái trôi đi ngay. Thà rằng không phải đầu tư một lúc 1.848 xã mà năm nay chỉ làm 200 xã thôi - cứ ném mỗi năm mỗi xã vài trăm triệu bạc nhưng hiệu quả không đến đâu...", ông Vượng đề xuất.
Bình luận