• Zalo

Việt Nam đưa ra 3 đề xuất tại Hội nghị cấp cao các nước đối tác JCM lần thứ 10

Chuyển đổi xanhThứ Năm, 21/11/2024 19:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại Hội nghị cấp cao các nước đối tác JCM lần thứ 10, ông Phạm Văn Tấn - Phó Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại Hội nghị COP 29 - đưa ra 3 đề xuất.

Cuối tuần qua, phiên bế mạc Cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 61 (SB61) đánh dấu kết thúc tuần làm việc đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan diễn ra.

Ngày 18/11, đại diện các hiệp hội thị trường carbon châu Á ký thỏa thuận hợp tác về Khuôn khổ chung về carbon (ACCF) giữa các nước ASEAN. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 29 của Liên hợp quốc tại Baku, Azerbaijan.

Tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị COP 29 được tổ chức ngày 19 và 20/11/2024, Việt Nam cũng có phát biểu nêu những ưu tiên của quốc gia và kiến nghị gửi tới Hội nghị.

Việt Nam cũng tham dự Hội nghị cấp cao Cơ chế tín chỉ chung JCM lần thứ 10 do Nhật Bản tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP29 tại Azerbaijan.

Hội nghị cấp cao các nước đối tác JCM lần thứ 10 chia sẻ những tiến bộ và thách thức mới nhất về việc thực hiện JCM, đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác để thúc đẩy triển khai JCM trong thời gian tới, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao các nước đối tác Cơ chế tín chỉ chung JCM lần thứ 10.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao các nước đối tác Cơ chế tín chỉ chung JCM lần thứ 10.

Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất từ năm 2013 và hàng năm đóng góp đều đặn vào việc giảm và loại bỏ phát thải khí nhà kính toàn cầu, thông qua hơn 250 dự án khử các-bon hợp tác với các nước đối tác. Hội nghị cũng chào đón Ukraina - quốc gia đã ký hợp tác JCM sau Hội nghị COP28.

Ông Asao Keiichiro, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản chủ trì Hội nghị cho biết: JCM là một trong những nỗ lực tích cực nhất như một cách tiếp cận hợp tác phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các quốc gia đối tác sẽ giúp các quốc gia cùng hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững. Nhật Bản sẽ nỗ lực tốt nhất để triển khai cơ chế này và mong muốn tiếp tục những mối quan hệ hợp tác bền chặt – yếu tố rất quan trọng để triển khai thành công khai cơ chế JCM.

Về phía Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Phó Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại Hội nghị COP 29 - nhận định: Việt Nam và Nhật Bản đều nhận thức rõ tiềm năng mở rộng Cơ chế JCM và đã triển khai nhiều biện pháp chính sách và kỹ thuật để thực hiện hiệu quả hơn, quy mô lớn hơn, thu được nhiều kết quả giảm phát thải khí nhà kính hơn và đặc biệt là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng hơn trong quá trình triển khai các dự án JCM.

Ông Phạm Văn Tấn phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phạm Văn Tấn phát biểu tại Hội nghị.

Ông Tấn đề xuất, thứ nhất, Nhật Bản và Việt Nam cần triển khai thực chất và quyết tâm cao để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà hai quốc gia đã cam kết đến năm 2030.

Thứ hai, cần bảo đảm nguồn lực, không chỉ về công nghệ mà còn về các vấn đề về năng lực, xã hội có liên quan để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án JCM.

Thứ ba, cần có những hợp tác mạnh mẽ hơn từ khối tài chính của cả hai quốc gia trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Việc phân bổ nguồn tài chính nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án JCM cần có những chính sách hỗ trợ, tiêu chí rõ ràng và được đồng thuận từ cả hai quốc gia.

Sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính, đặc biệt là các tập đoàn của hai quốc gia cùng triển khai các dự án JCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng của Cơ chế JCM và thúc đẩy thực hiện để đạt được các mục tiêu khí hậu của cả hai quốc gia.

Việt Nam đã và đang lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thực hiện NDC vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, chiến lược dài hạn, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 và sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tín chỉ các-bon và trao đổi tín chỉ với quốc tế. Theo kế hoạch, Việt Nam dự kiến thí điểm phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở vào năm 2025.

Song An
Bình luận
vtcnews.vn