• Zalo

Việt Nam đua cùng Thái Lan, Indonesia: Vượt lên chiếm chỗ hay bị tụt lại

Người đẹp và xeChủ Nhật, 28/03/2021 08:26:17 +07:00Google News

Thái Lan và Indonesia đang cạnh tranh để trở thành công xưởng xe điện của khu vực và thế giới, Việt Nam liệu có cơ hội giành vị trí này hay sẽ bị bỏ lại phía sau?

Mới đây, một số doanh nghiệp FDI ô tô lớn tại Việt Nam cũng có những buổi làm việc với các cơ quan chức năng, với ý định mở rộng đầu tư, hướng tới sản xuất lắp ráp ô tô điện trong tương lai.

Chọn xe điện hay xe xăng

Công ty VinFast chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34, dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng vào tháng 11/2021. VinFast VF e34 là mẫu ô tô điện thuộc phân khúc C, được trang bị một động cơ điện có công suất tối đa 110 kW,  sử dụng một bộ pin dung lượng 42kWh, có thể đi được quãng đường 300km sau mỗi lần sạc đầy. Nếu sử dụng chế độ sạc nhanh thì chỉ với 15 phút, xe có thể đi được quãng đường 180km.

VinFast VF e34 được trang bị một loạt tính năng hỗ trợ lái và các tính năng an toàn hiện đại. Thay vì bán xe kèm pin, VinFast triển khai mô hình cho thuê pin, giúp giảm giá bán. Với giá bán 690 triệu đồng (chưa tính các ưu đãi) VF e34 là mẫu ô tô điện có giá rẻ hơn cả xe động cơ đốt trong cùng phân khúc hạng C hiện nay.

Việt Nam đua cùng Thái Lan, Indonesia: Vượt lên chiếm chỗ hay bị tụt lại - 1

Với giá bán cạnh tranh, lại được bảo hành tới 10 năm và đang phát triển hạ tầng sạc khắp 63 tỉnh thành, đến cuối năm 2021, ô tô điện hứa hẹn sẽ là đối thủ ngang ngửa với ô tô sử dụng động cơ đốt trong.

Ngoài VinFast, tại Việt Nam, một số tập đoàn ô tô cũng có ý định đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô ô điện tại Việt Nam, như tập đoàn Mitsubishi. Mới đây, một số doanh nghiệp FDI ô tô lớn tại Việt Nam cũng có những buổi làm việc với các cơ quan chức năng, với ý định mở rộng đầu tư, hướng tới sản xuất lắp ráp ô tô điện trong tương lai.

Khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ) vào năm 2017 tại khu vực Đông Nam Á cho thấy, có tới 33% người tiêu dùng Việt Nam nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu. Đây là lợi thế lớn để phát triển xe điện tại Việt Nam. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó hiện nay, Frost & Sullivan nhận xét.

Hơn nữa, Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Thị trường ô tô dự báo sẽ đạt ngưỡng 800.000 xe/năm vào năm 2025 và hơn 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Số lượng ô tô tăng nhanh dẫn tới hệ lụy là lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, việc phát triển ô tô điện sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc, vì vậy thị trường rất tiềm năng. Đấy là chưa kể cơ hội xuất khẩu sang các nước trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).

Cơ hội có qua đi?

Theo giới chuyên môn, tương lai của nhân loại sẽ là xe sử dụng động cơ điện. Xe điện dự báo sẽ phổ biến từ năm 2030 trở đi.

Muốn sản xuất ô tô điện, sẽ phải phát triển 4 công nghệ cơ bản là: tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (sạc) và kỹ thuật điều khiển. Khi những công nghệ này phát triển sẽ làm thay đổi hoàn toàn các ngành sản xuất và dịch vụ, kể cả hành vi của người tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn đối với kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiều quốc gia đang nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp ô tô điện.

Việt Nam đua cùng Thái Lan, Indonesia: Vượt lên chiếm chỗ hay bị tụt lại - 2

Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia đang cạnh tranh để thu hút đầu tư vào sản xuất ô tô điện, dựa trên nền tảng ngành công nghiệp ô tô hiện nay, với tham vọng trở thành trung tâm ô tô điện của khu vực và thế giới.

Thái Lan đã công bố đề án trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện tại khu vực ASEAN, theo đó đến năm 2030 sẽ đạt sản lượng khoảng 750.000 chiếc/năm. Mục tiêu đầy tham vọng này, đang được hiện thực hóa bằng những chính sách như: giảm thuế, ưu đãi lớn cho các nhà nhà đầu tư và hỗ trợ người tiêu dùng mua xe... nhằm đưa giá xe điện xuống gần với giá xe chạy xăng, dầu.

Indonesia đang trên đường trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực và có tham vọng vượt qua Thái Lan về quy mô. Gần 2 năm qua đã thu hút nhiều dự án đầu tư với số vốn hàng tỷ USD, từ các tập đoàn đa quốc gia, vào sản xuất cả xe lẫn pin.

Sau khi Thái Lan công bố đề án phát triển xe điện, vào tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công thương xem xét, nghiên cứu kỹ về đề án này. Mục đích là để phát triển ngành sản xuất xe điện của Việt Nam, tránh bị bỏ lại phía sau.

Hiện tại, đầu tư sản xuất lắp ráp xe điện tại Việt Nam mới chỉ được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, bằng 70% so với xe chạy xăng dầu thông thường và được miễn thuế nhập khẩu toàn bộ linh kiện.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, tại Việt Nam đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất lắp ráp xe điện với quy mô lớn. Cùng với đó là phát triển hạ tầng các trạm sạc, rồi đầu tư cả dự án hướng tới tương lai sản xuất pin thể rắn. Vậy nhưng chiến lược tổng thể phát triển hệ sinh thái xe điện vẫn chưa có.

Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh với Thái Lan và Indonesia để trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực, song vẫn chưa thu hút được đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia có công nghệ và tiềm lực mạnh. Còn hạ tầng cho xe điện vẫn phát triển chậm và mang tính tự phát. Chưa có những quy chuẩn rõ ràng và thống nhất về kỹ thuật để các nhà sản xuất có sự hợp tác và chia sẻ.

Nếu chỉ từ phía doanh nghiệp có sự nỗ lực, thiếu sự “nhập cuộc” của Nhà nước thì sản xuất xe điện sẽ rất rủi ro. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển với các chính sách đồng bộ và khả thi. Nếu chậm sẽ lỡ cơ hội, ông Đồng nêu quan điểm. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn