“Nền kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn so với kinh tế truyền thống và tạo ra những lợi ích đáng kể” - điều này được ông Toni Eliasz, chuyên gia của World Bank chứng minh qua số liệu tăng trưởng trong giai đoạn từ 2005, trình bày tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất tổ chức tại Nam Định tuần qua.
Việt Nam sở hữu một nền tảng mạnh để phát triển kinh tế số với 78,6% người dân dùng Internet, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ bình quân toàn cầu. Cùng với đó là 100% dân số được phổ cập sóng di động tối thiểu là 4G, 79% người dân sử dụng điện thoại di động. Trong khối các nước thuộc thị trường mới nổi, Việt Nam đứng đầu về độ thâm nhập của băng rộng cố định với các hộ gia đình.
Tuy nhiên, Việt Nam đang bị tụt hậu về kỹ năng số. Theo chuyên gia Toni Eliasz, những hoạt động trực tuyến có hiệu quả nhất đều cần có máy tính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet là 85% thì tỷ lệ hộ gia đình có một chiếc máy tính trong nhà chỉ là 28%.
Bất chấp sự phổ biến rộng rãi của các công nghệ cơ bản thì các công nghệ tiên tiến như đám mây (Cloud), robot và phân tích dữ liệu lớn (big data analytics) vẫn còn rất “non trẻ” ở Việt Nam. “Việt Nam cần lựa chọn các ưu tiên để đạt được mục tiêu chuyển đổi số”, ông Toni Eliasz nói.
Theo đó, chuyên gia World Bank cho rằng, về nền tảng số, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng máy tính trong hộ gia đình và áp dụng công nghệ số tiên tiến tại các doanh nghiệp; Nỗ lực phối hợp để khuyến khích ngành Công nghệ thông tin tạo ra giá trị từ dữ liệu. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao cơ sở hạ tầng dữ liệu số của mình lên vị thế top những quốc gia có hiệu suất cao nhất.
Để tăng tốc, Việt Nam cần xây dựng khung quản trị dữ liệu hướng tới tương lai cho phép sử dụng dữ liệu khéo léo hơn và hướng tới nền kinh tế số; Đầu tư kỹ năng số nâng cao để giải quyết nhu cầu thị trường; thực hiện một cách có hệ thống hướng tới Chính phủ số.
Chia sẻ với báo chí góc nhìn về phát triển kinh tế số - xã hội số tại Việt Nam, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh: “Nền tảng số là trái tim của kinh tế số”.
Theo ông Ngô Diên Hy, để thúc đẩy các nền tảng số phát triển, việc đầu tiên là thúc đẩy người dân thực hiện các giao dịch hàng ngày trên môi trường số.
Thứ hai, thúc đẩy các giao dịch số với chính quyền và như vậy, chính quyền số phải phát triển đồng hành để giúp cho người dân có thể dễ tiếp cận, sử dụng dịch vụ công, các dịch vụ liên quan đến dịch vụ công. Thứ ba, củng cố và phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng di động và băng rộng cố định để người dân có thể truy cập ở mọi nơi trên Tổ quốc. Cuối cùng là nâng cao kỹ năng số.
Về bảo mật dữ liệu cá nhân, an toàn an ninh mạng cho người dân, Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT đánh giá, Nghị định 13/2023/NĐ-CP ra đời mới đây là văn bản mang tính ổn định đầu tiên về pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đó là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế số và nền tảng số phát triển.
“Để giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, cần 3 yếu tố. Thứ nhất, nhà nước định hướng, dẫn dắt các chương trình có mục tiêu, có kế hoạch, có hành động để thúc đẩy. Thứ 2, các doanh nghiệp số cần được đầu tư để xây dựng nền tảng số, tập trung phát triển những cái mà xã hội còn thiếu, còn chưa thực hiện. Cuối cùng là sự tham gia ủng hộ sử dụng của người dân” - ông Ngô Diên Hy nói.
Ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT trả lời phỏng vấn Kênh VTC1 tại Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I.
Cũng tham gia Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất, ông Nguyễn Vũ Anh - CEO Cốc Cốc dẫn lại câu chuyện nổi tiếng của ChatGPT. OpenAI đã phát hành ChatGPT vào ngày 30/11/2022. ChatGPT đã gây bão trong thế giới công nghệ và đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng. Đây là tốc độ nhanh nhất trong lịch sử phát triển sản phẩm của giới công nghệ, so với bất kỳ sản phẩm nào.
Ông Nguyễn Vũ Anh phân tích 2 lý do khiến điều này xảy ra. Thứ nhất, giao diện “Trò chuyện” (Chat interface) giúp mọi người có thể dễ dàng giao tiếp với AI, và điều đó hữu ích với tất cả mọi người. Lý do thứ hai là sự đột phá về chất lượng văn bản mà nó có thể tạo ra.
Thực tế, GPT là một loại mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - Large Language Models). 3 lĩnh vực mà nó đem lại giá trị lớn nhất là Sáng tạo nội dung trong Marketing, Viết phần mềm (Software engineering) và Phân tích dữ liệu.
Đại diện Cốc Cốc tin rằng có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng sức mạnh của LLM để bứt phá trong thời gian tới.
Gợi ý đầu tiên có thể khả thi ngay thời điểm này mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc triển khai là sử dụng các công cụ Generative AI để tăng năng suất trong nội bộ, với 3 nhóm lĩnh vực: Tiếp thị, Kỹ thuật phần mềm và Phân tích dữ liệu.
Các công cụ AI tạo sinh đã có sẵn trên Internet trực tuyến. Việc mở tài khoản và bắt đầu thử nghiệm khá dễ dàng. Cách tiếp cận mà chúng tôi đề xuất là các doanh nghiệp hãy lựa chọn và đề cử đội ngũ chuyên gia nội bộ - những người có khả năng tìm hiểu, học cách sử dụng những công cụ đó, và hiểu được khả năng cũng như những hạn chế của công cụ.
Sau đó, họ có thể xác định những lĩnh vực có tiềm năng tăng năng suất cao nhất và bắt đầu thử nghiệm, để dẫn dắt các thành viên khác khai thác công cụ, phục vụ các mục tiêu công việc đặc thù. Từ đó các doanh nghiệp sẽ có thể mở rộng phạm vi áp dụng theo mức độ liên quan, và nhân rộng ra quy mô toàn tổ chức.
“Chưa đầy một năm kể từ khi ChatGPT được phát hành và các công cụ Generative AI đang không ngừng được cải thiện, với tốc độ vô cùng nhanh chóng.
AI tạo sinh không còn là tương lai, nó đang hiện hữu và tạo ra cú hích mạnh mẽ với nền kinh tế. Không có thời điểm nào tốt hơn ngay lúc này để doanh nghiệp tích cực sử dụng AI tạo sinh. Cơ hội bứt phá cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường và đột phá tăng trưởng sẽ thuộc về doanh nghiệp nào sớm thấu hiểu và biết cách khai phá, tận dụng sức mạnh của nó”, ông Nguyễn Vũ Anh khẳng định.
Bình luận