• Zalo

Việt Nam chưa cấp phép siro ho nhiễm độc tố chết người

Tin tứcThứ Năm, 14/12/2023 07:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết chưa cấp số đăng ký nào cho các siro ho nhiễm độc tố do công ty Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất.

Ngày 13/12, đại diện Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết thông tin trên và cảnh báo người dân không mua cũng như sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng.

Cụ thể, các sản phẩm siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell của Công ty Pharmix Laboratories (Pakistan) chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Công ty dược Pharmix Laboratories cũng chưa có thuốc nào được cấp giấy đăng ký lưu hành, chưa có hồ sơ đăng ký thuốc nộp tại Cục Quản lý dược và chưa được cấp giấy phép nhập khẩu đối với thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành.

Một số siro ho tại Ấn Độ nhiễm độc DEG và EG.

Một số siro ho tại Ấn Độ nhiễm độc DEG và EG.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định một lô siro và thuốc bị nhiễm độc ở các quốc gia thuộc châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các sản phẩm do Phòng thí nghiệm Pharmix ở Pakistan sản xuất, lần đầu được xác định tại Maldives và Pakistan. Số thuốc khác cũng xuất hiện ở Belize, Fiji và Lào.

Theo WHO, các loại thuốc, siro chứa chất độc ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được". Mức nhiễm độc dao động từ 0,62% đến 0,82% so với ngưỡng quy định là không quá 0,1%.

WHO cho biết tổng cộng 23 lô sản phẩm, tên thương mại là siro Alergo, hỗn hợp Emidone, siro Mucorid, hỗn hợp Ulcofin và siro Zincell bị ảnh hưởng. Đến nay, chỉ có Alergo được tìm thấy bên ngoài Pakistan. Các sản phẩm có công dụng đa dạng như điều trị dị ứng, ho và các vấn đề sức khỏe khác.

"Các sản phẩm được đề cập trong thông báo này đều kém chất lượng và không an toàn, đặc biệt với trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong", thông báo của WHO nêu rõ.

Cơ quan cho biết chưa có trường hợp nào gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến sản phẩm. Tuy nhiên, WHO kêu gọi các nước tăng cường cảnh giác và thử nghiệm sản phẩm trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022.

Tháng 10 năm ngoái, WHO từng cảnh báo 4 loại siro trị ho và cảm lạnh do công ty Ấn Độ sản xuất có thể liên quan 66 trẻ em ở Gambia tử vong.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn