• Zalo

Viên sỹ quan Liên Xô lấy thân mình chèn lựu đạn, cứu sống nhà lãnh đạo Triều Tiên

Thế giớiChủ Nhật, 02/12/2018 18:11:00 +07:00Google News

Có thể ít người biết tới cái tên Yakov Novichenko, nhưng với người dân Triều Tiên, trung úy Liên Xô này là một "anh hùng dân tộc".

Sỹ quan tới từ Siberia, Nga được cả đất nước Triều Tiên tôn kính vì lần lấy thân mình chèn lên quả lựu đạn ném về phía cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, qua đó cứu mạng nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Vụ việc xảy ra vào ngày 1/3/1946 trong một buổi mít tinh ở trạm đường sắt Bình Nhưỡng, kỷ niệm phong trào độc lập của Triều Tiên. Ông Kim Nhật Thành cũng tham dự sự kiện này nhưng không hề hay biết mình đang là mục tiêu ám sát của nhóm khủng bố có tên "Hội Áo trắng". 

tumblr_n4pdk3cdrO1tpl2xoo1_500 3

Cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và ông Yakov Novichenko.  

Trong lúc sự kiện đang diễn ra, các thành viên của tổ chức này đã lợi dụng thời điểm các vệ sĩ đứng lùi sau nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ông phát biểu để ném một quả lựu đạn lên sân khấu. 

Khi quả lựu đạn đã mở chốt ném về phía ông Kim Nhật Thành, viên sỹ quan Yakov Novichenko khi đó là một quân nhân tình nguyện Liên Xô có mặt ở đó đã nhặt quả lựu đạn ném vào ông và nằm đè lên.

Nhờ vào cuốn sách nhét dưới thắt lưng, ông Novichenko may mắn sống sót sau vụ tấn công nhưng bị mất một tay và bị tổn thương nặng ở mắt. Nhưng đổi lại, ông có được tình bạn suốt đời với gia đình của nhà lãnh đạo Triều Tiên và là người ngoại quốc duy nhất được tôn vinh ở đất nước này. 

Trong các tấm áp phích và các bài báo tuyên truyền của Triều Tiên, sỹ quan người Nga được nhắc đến như một "anh hùng dân tộc", người được đích thân lãnh tụ Triều Tiên tôn vinh.

2-tuong-mttc-1399285506337-crop1399285568103p-12155210

Tượng đài tưởng nhớ vị sĩ quan Liên Xô ở Triều Tiên. 

Trong thời gian ông Novichenko nằm viện, cố Chủ tịch Kim đã gửi ân nhân của mình một hộp thuốc lá với dòng chữ "Gửi anh hùng Novichenko. Ký tên: Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành" như một lời cám ơn chân thành nhất của ông. Cùng với đó, đệ nhất phu nhân Triều Tiên Kim Jong Suk cũng tới thăm ông Novichenko và mang cho ông những món ăn mà chính tay bà chuẩn bị. 

Trong những năm 1960, mối quan hệ giữa Liên Xô và Triều Tiên có những xáo trộn nhất định, nhưng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vẫn thường xuyên gửi lời hỏi thăm người bạn của mình và mời ông cùng gia đình tới Bình Nhưỡng. 

Một lần trong chuyến thăm tới Liên Xô năm 1984, ông Kim cũng đã dành nửa ngày trong lịch trình ở thành phố Krasnoyarsk, vùng Siberia, để tới thăm nhà ông Novichenko. Tại nhà ga, hai người ôm lấy nhau như những người bạn thân lâu năm xa cách. 

Video: Cảnh sĩ quan Nga cứu sống nhà lãnh đạo Triều Tiên được tái hiện trong bộ phim "Người đồng chí vĩnh cửu"

"Tại sao ông không viết thư cho tôi lấy một lần. Tôi thì bận việc nước nhưng ông có thời gian để viết thư cho tôi cơ mà. Nhớ tới thăm tôi ở Bình Nhưỡng sớm đó", ông Kim nhắn nhủ trước khi dạo quanh thành phố Krasnoyarsk cùng ông Novichenko và trao tặng sỹ qua Liên Xô danh hiệu cao quý nhất của Triều Tiên là "Anh hùng Triều Tiên".

Kể từ đó, ông Novichenko ngày càng trở nên nổi tiếng ở quốc gia Đông Bắc Á. Nhiều bậc cha mẹ Triều Tiên bắt đầu đặt tên con mình là "Yakov". Đến năm 1987, Triều Tiên cho dựng tượng ông Novichenko đang lao mình về quả lựu đạn như một cách để tri ân ông. 

Năm 1996, hai năm sau cái chết của cố Chủ tịch Kim, ông Novichenko qua đời. Tuy nhiên, theo NK News, gia đình ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia tộc họ Kim. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn